Những người khách tham quan hôm đó không ai hay biết về hai người đàn ông đứng giữa ngổn ngang những chứng tích của cuộc chiến tranh gần 40 năm về trước.
Phóng to |
Cuộc hội ngộ giữa ông Nguyễn Hồng Mỹ (còn gọi là Mỹ cao bồi) với John Stiles tại Bảo tàng Lịch sử quân sự VN - Ảnh: V.DŨNG |
Số phận của họ, tuổi trẻ của họ gắn liền với những chiếc máy bay chiến đấu. Cả hai người từng bay trên bầu trời Bắc VN, từng bị bắn rơi, từng trải qua những giây phút tưởng chừng như cái chết đã đến thật gần... Chỉ có một điều khác biệt, cuộc chiến đưa đẩy họ đi về hai phía khác nhau và chỉ có thể gặp lại nhau gần 40 năm sau đó.
Người từ hai chiến tuyến
"Bây giờ chúng tôi là bạn thân, tôi, John Stiles và cả Dan Cherry. Chúng tôi gửi mail cho nhau thường xuyên, đăng ảnh và nói chuyện với nhau qua Facebook. Năm nào tôi cũng quay lại Mỹ. Mẹ của John rất quý tôi. Bà nói may mắn là John thoát khỏi chiếc máy bay thì chúng ta mới có cuộc gặp ngày hôm nay. Năm nay tôi không thể đi Mỹ vì cháu nội mới ra đời nên John Stiles đã quyết định sang VN thăm tôi. Cậu ấy còn nhắn là đã mua quà cho lễ đầy tháng của cháu nội tôi nữa" Ông Nguyễn Hồng Mỹ |
Cả hai, một người Mỹ, một người Việt đã đứng rất lâu giữa những mảnh xác máy bay quân sự, những vỏ bom từ trường, bom bi, những khẩu pháo cao xạ hay trạm rađa được giữ lại làm kỷ vật chiến tranh. John Stiles đặc biệt quan tâm đến những khẩu pháo cao xạ, bởi suốt hàng chục năm sau khi chiến tranh kết thúc, ông vẫn ngỡ rằng chiếc F4 do mình lái bị pháo cao xạ bắn trúng. Đôi mắt vẫn không thôi ám ảnh, John miêu tả cho những người đi cùng cách sát thương của từng loại bom mà người Mỹ rải xuống miền Bắc những năm chiến tranh.
Đó cũng là ngày đầu John Stiles chính thức đặt chân trên đất VN. Người đón ông là Nguyễn Hồng Mỹ, người phi công đã bắn rơi chiếc máy bay F4 của John vào ngày 17-1-1972. Đó cũng là ngày bắt đầu của mối duyên nợ lâu dài giữa Nguyễn Hồng Mỹ và John Stiles, hai con người từ hai chiến tuyến khác nhau, từng chiến đấu sống còn trên cùng một bầu trời.
Trở lại những ngày đầu năm 1972 khốc liệt, sau khi trúng đạn từ chiếc MiG-21 của Nguyễn Hồng Mỹ, John Stiles may mắn thoát ra ngoài và nhảy dù xuống khu vực miền núi phía tây Nghệ An. John Stiles đã mắc kẹt trên cây trong suốt hai ngày liền, giữa một vùng núi thẳm, chỉ có chờ đợi và chờ đợi. Hoặc là tiếng trực thăng đến cứu, hoặc là cái chết. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến việc sống sót và trở về. Nhưng những giờ mắc kẹt trên cây cùng các đợt xuất kích ném bom khiến tôi luôn bị ám ảnh suốt hàng chục năm sau đó” - John Stiles kể lại.
Năm 2007, không quân Mỹ tiến hành tổng kết chiến tranh và muốn tìm lại người đầu tiên đã bắn rơi máy bay Mỹ tại VN năm 1972. “Bộ tư lệnh không quân VN lúc ấy chỉ có thể cung cấp cho phía Mỹ một cái tên là Nguyễn Hồng Mỹ, vì tôi đã chuyển ngành sang dân sự từ năm 1974. Sau đó tôi về hưu. Thế là những người tìm kiếm đã đến tận nhà. Năm 2008, tôi được mời vào Sài Gòn và gặp một người Mỹ, cũng là một vị tướng trong lực lượng không quân Mỹ. Một sự trùng lặp hi hữu, viên tướng không quân tên Dan Cherry cũng chính là người đã bắn hạ tôi vào tháng 4-1972” - ông Nguyễn Hồng Mỹ kể lại.
Năm 2009, người đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ năm 1972 được mời đến Mỹ để được trao chứng nhận đại tá danh dự của bang Kentucky. Đây cũng là lần đầu tiên Nguyễn Hồng Mỹ gặp lại người phi công lái chiếc F4 mà ông đã bắn rơi. Những nghi ngại, hoang mang, những ký ức ám ảnh mà John Stiles luôn canh cánh suốt hàng chục năm trời được hóa giải sau cuộc nói chuyện với Nguyễn Hồng Mỹ. Thậm chí John không tin rằng đấy là người đã bắn rơi máy bay của mình, bởi vậy để chắc chắn ông vẫn phải thử thách người đến từ bên kia chiến tuyến. “Trong 37 năm sau, tôi vẫn nghĩ tôi đã bị bắn bởi một chiếc tên lửa mặt đất, đến khi gặp Hồng Mỹ, chúng tôi có cơ hội để nói chuyện riêng, tôi mới biết mọi chuyện thật sự xảy ra như thế nào. Và không một ai có thể biết điều đó, trừ tôi và ông Mỹ” - John hồi tưởng cuộc gặp đầu tiên giữa hai người.
“John hỏi tôi đã bắn hạ F4 của ông ấy trong trường hợp nào? Làm sao tôi có thể phát hiện được chiếc máy bay của ông ấy và thời điểm lúc F4 rơi. Sau khi tôi trả lời, John vui sướng nói: 37 năm mới biết rõ thời điểm đó như thế nào. Tôi cũng phải giải thích với ông ấy rằng ở miền Bắc, khi không quân đánh thì lực lượng phòng không dưới mặt đất không đánh và ngược lại” - ông Mỹ nói.
Chúng ta là bạn
Cuộc gặp ông Mỹ năm 2009 đối với John Stiles như một cánh cửa giúp ông khép lại quá khứ nhiều ám ảnh của mình, đồng thời cũng mang đến cho ông một người bạn mới mà ông vẫn yêu quý gọi là “cao bồi”. “Hồng Mỹ là người bạn rất tốt của tôi, chúng tôi đã giảng hòa với nhau, và tôi đã không còn có kẻ thù nào, ông ấy là một người tốt. Cuộc gặp đầu tiên rất tuyệt vời. Chúng tôi đã cùng đến Vancouver, Washington, Học viện Không quân... Năm 2010, ông Mỹ trở lại Mỹ thăm gia đình của tôi ba ngày. Chúng tôi đã cùng đi dạo, tập nhảy với nhau và tôi rất quý ông ấy” - John Stiles chia sẻ.
Ngày 4-3-2014, John Stiles đặt chân đến Hà Nội. Kẻ thù của ông trong quá khứ và bạn của ông ở hiện tại đón John bằng món phở truyền thống của VN. Sau đó là cà phê bên hồ Hoàn Kiếm. Tự nhiên như những người bạn lâu năm, ông Nguyễn Hồng Mỹ chia sẻ với John về thành viên mới của gia đình, về cô cháu ngoại nghịch ngợm và cả những câu chuyện hằng ngày mình trải qua. John và ông Hồng Mỹ cùng xem lại ảnh qua chiếc iPad rồi bình luận rôm rả. Những chuyến đi về liên tục từ năm 2009, John Stiles trở nên quen thuộc với những thành viên còn lại trong gia đình ông Nguyễn Hồng Mỹ và ngược lại. John nhớ rất rõ tên con cháu của người bạn mình, cả những kỷ niệm mà họ đã có cùng nhau trong suốt năm năm làm bạn.
Hà Nội trời mưa nhưng John Stiles vẫn tỏ ra vô cùng hào hứng với chuyến tham quan nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử quân sự VN và Bảo tàng B52 bằng xe máy. Đối với John, đây không đơn thuần là chuyến đi chơi mà còn là chuyến ngược dòng trở về với quá khứ. Ở nhà tù Hỏa Lò, John Stiles đi rất nhanh qua những phòng giam của Pháp dành cho tù nhân VN và phòng giam dành cho lính Mỹ (chủ yếu là phi công bị bắn rơi). “Tôi không hề thích Hỏa Lò, nó làm tôi buồn” - John chia sẻ.
Ở Bảo tàng Lịch sử quân sự VN và Bảo tàng B52, nơi còn lưu giữ khá nhiều dấu vết của cuộc chiến đấu trên bầu trời, John Stiles dường như đã có những bước đi thanh thản hơn. Giữa những xác máy bay, bom đạn, John nói chắc chắn ông sẽ quay lại VN. Ông thích cả tiết trời ẩm ướt, cảnh tắc đường, những chiếc xe máy và yêu quý người bạn cao bồi của mình. “Tôi sẽ trở lại, dĩ nhiên rồi, tôi thích đất nước này, nơi có bạn của tôi” - John nói.
Phóng to |
Phi công Nguyễn Hồng Mỹ (ảnh trái) và phi công John Stiles (phải) ngày cả hai còn là kẻ thù trên bầu trời VN - Ảnh tư liệu |
Cuộc không chiến
Ngày 17-1-1972, chiếc máy bay MiG mang số hiệu 5018 của Nguyễn Hồng Mỹ xuất phát từ sân bay Đa Phúc (nay là sân bay Nội Bài). Ông Nguyễn Hồng Mỹ hồi tưởng: “Hôm đó trên bầu trời Hòa Bình tôi phát hiện một chiếc F4 - đó chính là chiếc máy bay của John Stiles. Cuộc rượt đuổi của chúng tôi bắt đầu từ Hòa Bình, đến Thanh Hóa rồi Nghệ An.
Lúc đó tốc độ chiếc MiG của tôi đạt khoảng 1.500 km/giờ. Đến Nghệ An, tôi phóng nốt hai quả tên lửa cuối cùng vào chiếc máy bay địch trước khi quay đầu trở về. Cạn sạch nhiên liệu, tôi đành phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa)”.
Cuộc chiến đấu khốc liệt trên bầu trời khiến phi công Nguyễn Hồng Mỹ gãy tay và không thể phục hồi khả năng chiến đấu. Năm 1974, Nguyễn Hồng Mỹ xuất ngũ, khép lại quãng đời phi công của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận