Minh họa: Ry Nguyễn |
Buổi diễn ra mắt thế là xong. Sau khi trao những lời chúc mừng gắng gượng ở phòng hóa trang của các nghệ sĩ, chúng tôi tụ tập ở cửa hậu sân khấu để bàn luận nghiêm túc về mọi chuyện. Vở diễn thất bại thảm hại và giờ là lúc phân tích nguyên nhân.
Đột nhiên Kunstetter hỏi (tôi nhớ rất rõ là Kunstetter nêu câu hỏi đó):
“Mình đi ăn chút gì chứ nhỉ?”.
Gợi ý của ông được mọi người nhiệt liệt hưởng ứng. Ai đó giới thiệu nhà hàng Balalaika mới khai trương, ở đó có các món Pháp hảo hạng. Giá cả ở những nhà hàng kiểu ấy thường trên mức trung bình một ít, nhưng sau một vở kịch dở thì ít nhất cũng nên ăn ngon.
Nhìn bên ngoài đã thấy nhà hàng Balalaika gây ấn tượng 5 sao. Tường lát gỗ, treo các bức gấm thêu, ánh sáng đến từ các giá nến cao và người phục vụ từ miền Nam Pháp.
Người ta đẩy dồn sáu cái bàn lại, lúc đó tôi mới nhận ra là cả nhóm gồm hơn hai chục người, trong đó khá nhiều khuôn mặt lạ hoắc. Cũng là chuyện thường trong giới sân khấu. Một số hình nhân tẹp nhẹp luôn kiếm cách bám gót các tên tuổi danh giá.
Mặc dù giá đồ ăn vượt quá mọi hình dung táo bạo nhất của chúng tôi, chúng tôi vẫn gọi đủ món khai vị nguội và nóng, và món chính là đặc sản của nhà hàng. Món nào cũng mê li, rượu vang gây phấn khích và cuộc trò chuyện cũng thế. Cuộc đời quá đẹp để người ta bận tâm đến từng xu từng hào bỏ ra.
Tôi chiêu một ngụm vang Pommard đưa miếng thịt bò Steaks au poivre xuống dạ dày, đúng lúc thấy vợ tôi khẽ giật tay áo.
Ephraim, vợ tôi thì thào: “Nhìn kìa!”.
Quả thực mấy ghế liền trống trơn. Chắc chắn những ai ngồi đó đã tan biến vào không khí sau khi ăn xong. Tổng cộng còn mười hai người bên bàn. Xưa có câu tục ngữ: “Ai bỏ đi đầu tiên sẽ vấp ngã”, nhưng chưa thấy câu nào quy định là trước đó họ phải trả tiền...
Tôi đưa mắt tìm và thấy gã bồi bàn. Gã đứng ở một vị trí chiến lược quan trọng, hầu như bất động trong chiếc áo đuôi tôm sang trọng. Chỉ đôi khi gã nhướng cặp lông mày sâu róm và ghi chép gì đó.
Tôi nhận ra ánh nhìn của những người khác cũng đảo đi đảo lại tương tự như tôi. Vẻ nháo nhác kỳ lạ trong mắt họ cứ như thể hiện một nỗi lo ngại bí hiểm, khó có lời nào tả được, hoặc cùng lắm là: “Ai sẽ thanh toán đây?”.
Lần sơ kết tiếp theo cho thấy còn mười người trụ lại. Ánh nến nhập nhoạng đã hỗ trợ cho cuộc đào tẩu của một đôi nữa. Câu chuyện bên bàn càng lúc càng uể oải, không khí căng thẳng đè lên bàn tiệc càng lúc càng nặng nề. Không ai dám nhìn người ngồi cạnh.
Hầu như có thể tưởng tượng ra tiếng lạch xạch của máy thu ngân cộng số tiền của các lần gọi món. Dần dần mọi cặp mắt đậu lại ở Kunstetter. Xét thuần túy về mặt cảm tính, thực ra ông ta phải thanh toán hóa đơn. Chả gì thì ông cũng cất lời mời.
Nếu không thì chả ma nào nghĩ đến chuyện mò ra một nhà hàng đắt cắt cổ sau buỗi diễn tệ hại đến thế. Ban nãy Kunstetter nói gì nhỉ? “Nào, các bạn - ông ấy nói - đi ăn với tớ đi!”. Và hình như ông còn nói thêm: “Các bạn là khách của tớ”, hay gì đó tương tự.
Dù thế nào chăng nữa, ông là người khởi xướng vụ này. Và ông là một người đàn ông chính trực. Ông sẽ thanh toán. Chắc chắn ông sẽ thanh toán. Hay là...
Chín cặp mắt đổ dồn vào ông.
Kunstetter chấm dứt món ăn với vẻ thanh thản khiến mọi dây thần kinh căng phần phật, rồi ông gọi cà phê. Chúng tôi nín thở. Giá mà lúc này mà Kunstetter hỏi cả bàn có ai muốn uống cà phê không, thì vô hình trung ông tỏ rõ mình là người mời và qua đó đảm nhận trách nhiệm tài chính cho việc này.
Nhưng không. Không hề. Kunstetter bình thản nhấp cà phê và nói mấy câu bâng quơ với vợ, trong lúc thêm một cặp chuột cống rời khỏi con thuyền đắm. Danh sách hành khách co lại còn bảy linh hồn lạc lõng. Ai thanh toán?
Tiếng nói chuyện đã tắt lịm từ lâu. Đôi lúc còn nghe một câu rời rạc về tình hình London hay tin đồn ly hôn mới nhất, nhưng mối quan tâm thực sự của những ai còn hiện diện chỉ hướng đến một thực tế hiện diện: càng ít người thì nguy cơ thanh toán càng cao đối với những người còn lại, tất cả đều ý thức rõ điều đó.
Một trong số con tin, Ben-Zion Ziegler, nhổm dậy với vẻ điềm nhiên đến chướng mắt.
“Xin lỗi, tôi có cuộc điện thoại gấp” - ông nói.
Không chút vội vã, cứ như đó là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu trên đời, ông đi về phía bốt điện thoại gần cửa ra vào. Mồ hôi lạnh tứa ra trên trán chúng tôi. Chỉ lúc này tất cả mới vỡ lẽ là Ziegler không có vợ đi cùng và điều đó cho phép ông cơ động hơn hẳn.
Ziegler không bao giờ quay lại. Mấy tuần sau, một nhân chứng tự xưng cho biết Ziegler thực sự đi vào bốt điện thoại, xong xuôi ông vẫy vẫy về phía bàn ăn trước khi rời nhà hàng.
Không ai thấy ông vẫy tay cả. Ông có vẫy thật không? Và ngay cả khi ông có vẫy thật thì tình hình cũng không thay đổi: Ai thanh toán?
Nhóm thực khách tiếp tục thưa dần, không khí căng thẳng nặng nề thêm. Tôi nguyền rủa sự khinh suất đã khiến vợ chồng tôi chọn chỗ ngồi quay lưng lại gã bồi bàn, do đó không thấy gã đang ủ âm mưu gì.
Chúng tôi đang đứng trước nguy cơ lớn nhất trở thành nạn nhân của gã. Bất cứ lúc nào gã bồi bàn đứng chếch sau lưng tôi cũng có thể cúi xuống và đẩy cho tôi phiếu thanh toán được đậy lịch thiệp dưới khăn ăn. Tôi không còn đường tháo lui. Tôi bất lực. Đúng lúc đó một chuyện kinh hoàng xảy ra.
Kunstetter thất thanh: “Ôi lạy Chúa!” và nhảy bật dậy, mắt dán vào đồng hồ. “Cô trông trẻ nhà tôi!” và chúng tôi chưa kịp định thần thì vợ chồng Kunstetter rời khỏi bàn.
Kỹ sư Glick há miệng như định gọi với theo câu gì, nhưng ông chỉ phát ra một âm thanh khò khè và thả người xuống ghế, mặt xám ngoét không còn hột máu.
Kunstetter là hi vọng cuối cùng của chúng tôi. Giờ thì, sau cuộc tháo lui hèn hạ của ông, đám quân bị bỏ lại trong vòng vây chỉ gồm ba đôi: vợ chồng Glick, vợ chồng Bar-Honig và chúng tôi.
Tôi ngoái lại phía sau. Gã bồi bàn vẫn đứng trong góc và đóng đinh chúng tôi với tia mắt dưới cặp sâu róm. Tôi chưa bao giờ thấy ai có lông mày sâu róm như thế trong đời. Liệu hóa đơn sẽ là nhiêu tiền? Các món tráng miệng nguội và nóng, steak nướng trên than, rượu vang hảo hạng...
Chợt bà Bar-Honig cất tiếng nói với chồng bằng tiếng Ba Lan. Chẳng cần thông ngôn cũng biết họ nói chuyện gì. Tôi quyết tâm không nhượng bộ. Như một lời động viên, tôi nhận thấy bàn tay của vợ luồn vào tay mình.
Hạnh phúc thay, khi ta không đơn côi trong những hoàn cảnh thực sự gay cấn mà số mệnh run rủi đẩy vào. Tôi đáp lại cái nắm tay của vợ. Hai chúng tôi biết đây là khởi đầu của cuộc chiến sống còn. Đi chệch một bước là thua. Hãy cảnh giác, hỡi tôi ơi!
Lúc này ai thoáng để lộ sự yếu nhược nội tâm hay thậm chí khẽ làm một động tác mà gã bồi bàn có thể đoán nhầm là gọi trả tiền, người ấy tự chịu.
Trong đầu tôi hiện ra hình ảnh vô số hoàn cảnh bi thảm mà một kẻ vô tội phải thanh toán cho cả bàn, chỉ vì hắn bâng quơ khoát tay đuổi con ruồi. Nhanh như chớp, gã bồi bàn đã tiến lại và dúi tờ giấy định mệnh vào tay hắn.
Không động tay! Hoàn toàn không động đậy!
Im lặng. Nghe cả tiếng thở nhẹ.
Đã gần ba giờ sáng. Mặc dù bàn chúng tôi là bàn duy nhất có khách từ hai tiếng đồng hồ trở lại đây, chúng tôi cảm thấy bị tách biệt nhau hoàn toàn. Không ai liều mạng đề nghị ra về. Vì ai động đậy thì chắc chắn sẽ làm gã bồi bàn ngẩng lên và lao lại đưa hóa đơn.
Kìa, có chuyện gì thế?
Bar-Honig và kỹ sư Glick bỗng dưng nói chuyện với nhau với vẻ hăng hái nổi bật, vợ họ xen vào lời chồng, nói leo hoặc ngắt lời lẫn nhau, càng lúc càng sôi nổi...
Rõ rồi, tôi hiểu ngay trò này: chắc chắn gã bồi bàn đang tiến lại gần, và khi những người kia đang mải hàn huyên thì gã sẽ chọn tôi là người duy nhất bắt chuyện.
Tôi chỉ còn vài giây nữa thôi. Óc tôi làm việc như máy. Rồi tôi nảy ra một trong những sáng kiến thiên tài. Tôi sẽ cho những người kia tin là tôi sẵn sàng thanh toán, sẽ rút vài tờ bạc để chiếm được lòng tin của họ, và ai đó trong số họ sẽ bị đẩy đến nước phải làm bộ lẩm bẩm mấy câu sáo mòn như: “Thôi... cứ để tôi...” hay đại khái thế.
Và người đó sẽ ngã ngửa khi tôi nhanh nhảu đáp: “Vậy thì, tôi nhường ông, như ông muốn!” và đẩy hóa đơn cho người đó, rồi cùng vợ biến mất.
Tôi quay lại, gọi rành rọt: “Cho xin hóa đơn!”.
Tức khắc vợ chồng Bar-Honig và Glick im bặt, khoan khoái ngả lưng dựa vào ghế, trong khi tôi rút ví ra với vẻ lịch thiệp vô biên và thản nhiên đợi sự việc tiếp diễn.
Nhưng lần này tôi thất bại thảm hại. Cả Glick lẫn Bar-Honig đều không mảy may khởi đầu cho động thái đứng đắn mà người ta hoàn toàn có quyền trông đợi ở những người ít nhiều thụ hưởng ánh sáng của nền văn minh.
Họ im như thóc, mắt cắm xuống, chỉ cánh mũi họ khẽ phập phồng và thế là hết. Tôi có cảm giác đã thoáng nhận ra trong khóe miệng kỹ sư Glick một nụ cười hèn hạ, song có lẽ đó chỉ là một hoang tưởng chế ngự đầu óc kẻ vừa nghe tuyên án tử hình.
Tôi nhón hai ngón tay kéo góc khăn ăn lên, chỉ vừa đủ hé ra tổng số trên hóa đơn.
160 bảng.
“Xin ông ký chứng nhận là đủ” - gã bồi bàn nói. “Ông Kunstetter đã trả hết qua tài khoản của ông ấy”.
Tôi bập các ngón tay kia vào khăn trải bàn. Không, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho Kunstetter hành vi đêm nay. Không bao giờ.
Vì sao ông ta làm thế? Vì sao ông ta để chúng tôi hồi hộp run rẩy trong nỗi kinh hoàng ngạt thở mấy tiếng đồng hồ liền? Chỉ những đồ đểu giả tàn ác mới nghĩ ra những ngón đòn như thế!
Tôi bình thản ký vào hóa đơn, nhét ví vào túi và rời khỏi bàn, không thèm ngó lại những con ký sinh trùng bỉ ổi đang đờ ra vì cảm phục. Rốt cuộc chúng đã được chứng kiến một đại gia thực thụ biết làm chủ tình hình ra sao.
Tiếng thơm của tôi lan ra khắp nơi. Ở đâu cũng nghe: “Muốn nói gì về Kishon thì tùy, nhưng ông ấy là người hào phóng. Hào phóng thực sự”. ■
Lê Quang dịch
Ephraim Kishon tức Ferenc Hoffmann (1924-2005) là một nhà văn người Israel gốc Do Thái Hungary. 50 đầu sách tiếng Hebrew và 70 cuốn tiếng Đức của ông được bán ra toàn cầu với số lượng khoảng 43 triệu bản, trong đó 33 triệu bằng tiếng Đức, ngoài ra được dịch ra 37 ngôn ngữ. Phim của Kishon được đề cử hai lần cho giải Oscar và được vinh danh với ba giải Quả cầu vàng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận