Những ngày này, chàng trai Trịnh Quang Thạch (ngụ trên đường Phan Chu Trinh, TP Đà Nẵng) đang tất bật chuẩn bị giáo án để bước vào hành trình mới của một người thầy. Thạch học sư phạm và kiên định theo đuổi đam mê tới cùng.
Thạch từng là học sinh Trường chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng, đoạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia năm lên lớp 11 và thuộc diện xét tuyển thẳng vào nhiều trường, nhưng Thạch đã chọn theo nghề dạy học.
Vì sao chọn ngành sư phạm?
Trong ngôi nhà trên đường Phan Chu Trinh, ông ngoại của Thạch là ông Nguyễn Văn Nhân (70 tuổi) thỉnh thoảng lại bấm điện thoại gọi cho cháu để hỏi han tình hình. Việc Thạch theo đuổi nghề dạy học có sự ủng hộ rất lớn từ ông.
Thầy giáo Hoàng Kim Mỹ - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) - là người đã đồng hành với Thạch suốt 3 năm THPT.
Theo thầy Mỹ, Thạch học nổi trội và đủ điều kiện để chọn cho mình một ngành học "hot", nhưng việc em chọn vào sư phạm đã khiến nhiều người bất ngờ.
Trịnh Quang Thạch nói ước mơ làm thầy giáo được khởi nguồn khi Thạch lên lớp 2. Trong một lớp học thêm để thi vào một trường được xem là "top" của TP Đà Nẵng, giờ giảng bài của cô giáo dạy môn tiếng Việt đã khơi dậy những cảm xúc mãnh liệt.
Ước mơ đó cứ lớn dần cho tới khi Thạch đậu vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn địa lý.
Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia năm 2017, Thạch lọt vào đội tuyển tham dự và đoạt giải nhì. Năm lên 12, Thạch tiếp tục giật giải khuyến khích.
Khi nghe con trai bày tỏ nguyện vọng chọn học Đại học Sư phạm, mà lại là một ngành học "ít hot" như sư phạm địa lý, bà Nguyễn Thị Khánh Duyên - mẹ Thạch - đã kiên quyết ngăn cản.
Hiện thực hóa giấc mơ làm thầy
Hàng tháng trời trôi qua, sự chín chắn trong suy nghĩ của Thạch cùng sự ủng hộ của ông ngoại và người cha đã khiến người mẹ dần thay đổi cách nghĩ về lựa chọn của con trai.
Thạch cho biết khi vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội, những tiết dạy của thầy cô giáo luôn làm cậu háo hức.
"Ngay tiết ban đầu các thầy cô đều đưa ra thông điệp rằng chúng tôi đã ngồi vào đây thì lý tưởng lớn nhất, cái quan trọng nhất là làm một người thầy.
Muốn thế thì học phải vì mục tiêu làm thầy, giáo dục nhân cách, chứ không phải học để qua môn, đối phó. Tôi thấm những câu nói đó và luôn học với tất cả lòng say mê" - Thạch kể.
Những ngày giữa năm 2023, sau 3 năm rưỡi miệt mài học tập (Thạch ra trường sớm 5 tháng), Thạch nhận được điện thoại từ Phòng hành chính, đối ngoại đề nghị viết bài phát biểu đại diện cho 1.300 sinh viên trong lễ tốt nghiệp ra trường.
Lúc đó cậu mới biết mình đã đậu "thủ khoa", đại diện xuất sắc của trường trong đợt ra trường này với điểm trung bình là 3,984/4.
Chúng tôi ghé nhà Thạch khi cậu vừa trúng tuyển chính thức, trở thành giáo viên dạy học tại THCS FPT Đà Nẵng. Mẹ Thạch là công nhân, ba làm trong một doanh nghiệp nhỏ. Thạch là con đầu, sau cậu còn có một người em hiện đang theo học cao đẳng nghề.
Thạch tốt nghiệp thủ khoa, điểm tốt nghiệp trung bình cao nhất lịch sử khoa sư phạm địa lý của Đại học Sư phạm Hà Nội, tiếng Anh IELTS 7.0 và đăng ký tuyển dụng vào THCS FPT Đà Nẵng.
Khi mời phỏng vấn nhận công việc và đọc hồ sơ của cậu, bộ phận nhân sự ở nơi tuyển dụng đã rất bất ngờ.
Với thành tích học tập vượt trội, chàng thủ khoa quê Đà Nẵng nhận được rất nhiều lời mời về làm việc, trong đó các thầy cô ở Đại học Sư phạm Hà Nội cũng ngỏ lời muốn giữ lại trường, nhưng Thạch chọn con đường về quê làm việc để gần gia đình.
"Tôi sẽ làm việc ở FPT 2 năm và sau đó sẽ đi qua Hàn Quốc du học, tiếp tục theo con đường học tập" - Thạch nói.
"Khi chọn theo học sư phạm thì mỗi người trong chúng ta đều đau đáu, suy tư về hành trình của chính mình. Nhưng khi có đam mê, lòng nhiệt huyết thì chúng ta sẽ được dẫn dắt. Nếu ai cũng không chọn ngành sư phạm thì sẽ không có người thầy trong xã hội" - Thạch nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận