13/09/2020 08:05 GMT+7

Tứ giác kim cương Mỹ - Nhật - Ấn - Úc siết chặt tay

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Thỏa thuận hậu cần quân sự Ấn - Nhật được ký hôm 10-9 đánh dấu một giai đoạn hợp tác mới giữa bộ tứ Mỹ - Nhật - Ấn - Úc (Tứ giác kim cương) khi cho phép các máy bay và tàu chiến của bốn nước này có thể sử dụng các căn cứ của nhau.

Tứ giác kim cương Mỹ - Nhật - Ấn - Úc siết chặt tay - Ảnh 1.

Ấn Độ được dự đoán sẽ mời Úc tham gia tập trận hải quân Malabar dự kiến diễn ra cuối năm nay, đánh dấu lần thứ hai QUAD tập trận chung sau lần đầu năm 2007. Trong ảnh: tàu sân bay Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản trong tập trận Malabar năm 2017 - Ảnh: US NAVY

Thực tế thì Tokyo và New Delhi đã có ý định ký thỏa thuận hậu cần quân sự vào tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Abe Shinzo đã bị hủy vào phút chót khiến kế hoạch không thành. Việc thỏa thuận được ký vào thời điểm hiện tại có thể được xem như một nỗ lực chuyển thông điệp tới Trung Quốc, vốn đang có vấn đề chủ quyền lãnh thổ với cả Nhật và Ấn Độ.

Bước tiến đáng kể

Giới chức quốc phòng Mỹ và Nhật Bản trước đó đã công khai ý định biến Đối thoại an ninh bốn bên (QUAD) - hay còn được gọi là Tứ giác kim cương gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc - thành một cơ chế đa phương chính thức có thể thu hút sự tham gia của các nước khác. QUAD vốn luôn bị Trung Quốc cáo buộc là một nỗ lực răn đe nước này kể từ khi được hồi sinh vào năm 2017.

Với thỏa thuận hậu cần quân sự với Nhật, Ấn Độ đã hoàn tất việc ký thỏa thuận hậu cần với tất cả các nước trong Tứ giác kim cương. New Delhi đã ký thỏa thuận với Canberra hồi tháng 6 năm nay và trước đó là Washington trong năm 2016. Mỹ, Úc và Nhật đã ký các thỏa thuận hỗ trợ hậu cần quân sự lẫn nhau trước đó.

Mặc dù đây chỉ là các thỏa thuận song phương, tức chỉ việc giữa hai nước với nhau, việc các thành viên QUAD cùng có các thỏa thuận hậu cần với nhau đánh dấu một bước tiến đáng kể. 

Đây được xem là nền tảng để biến QUAD thành một tổ chức an ninh mạnh mẽ trong tương lai như Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun nhắc đến hồi đầu tháng này. Bản thân các nước khi ký kết cũng xác định rõ trong văn bản chính thức đây chỉ là "nền tảng và điều kiện cơ bản", hàm ý có thể nâng cấp và mở rộng.

Ngoài cung cấp nhiên liệu, thực phẩm và chỗ nghỉ ngơi cho các binh sĩ, các tàu chiến và máy bay chiến đấu của QUAD có thể sử dụng các căn cứ quân sự của nhau. Lấy ví dụ thỏa thuận gần nhất giữa Ấn và Nhật gồm 7 điều, trong đó quy định hai nước sẽ hỗ trợ hậu cần lẫn nhau trong các hoạt động quân sự chung hoặc các hoạt động gìn giữ hòa bình và hỗ trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc.

Khi có yêu cầu hỗ trợ, bên còn lại phải cung cấp các linh kiện cần thiết cho máy bay chiến đấu, tàu chiến hoặc các phương tiện quân sự. Thỏa thuận này có hiệu lực 10 năm và sẽ tự động gia hạn mỗi 10 năm trừ khi một trong hai nước thông báo rút lui.

Tập hợp đối phó Trung Quốc?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung - giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế (ĐH KHXH&NV TP.HCM) - nhận định trước mắt QUAD sẽ chỉ tập trung vào việc củng cố hợp tác nội bộ để tăng cường sức mạnh và hiểu biết lẫn nhau.

Trong khi đó, Derek Grossman, một nhà phân tích cấp cao thuộc Tổ chức RAND (Mỹ), cho rằng trong số các thành viên của QUAD, Mỹ là nước có nhiều vấn đề nhất với Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay ba thành viên còn lại của QUAD là Úc, Ấn, Nhật vẫn công khai chống lại định nghĩa đây là một tập hợp chống Trung Quốc.

Trong khi nhiều người tin rằng thỏa thuận giữa Ấn và Nhật là một phản ứng trước các động thái của Trung Quốc, thỏa thuận mới nên được hiểu như một trong nhiều nỗ lực củng cố quan hệ giữa các nước QUAD. Cả Ấn và Nhật đều khẳng định trong thỏa thuận sẽ không cung cấp vũ khí và đạn dược cho bên còn lại.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono, trong một sự kiện trực tuyến do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) tổ chức ngày 9-9, khẳng định QUAD sẵn sàng hoan nghênh sự gia nhập của các nước "cùng chí hướng". Tuy nhiên, việc mở rộng thành QUAD + hay đại loại như vậy chưa phải là ưu tiên hàng đầu vào lúc này.

"Một trật tự hàng hải tự do và cởi mở không chỉ đem lại lợi ích cho bốn nước này mà còn rất nhiều nước khác. Nếu tình hình thực tế yêu cầu chúng ta phải làm một cái gì đó cụ thể và chắc chắn hơn, chúng ta phải thực hiện một số bước đi hướng tới thể chế hóa. Nhưng nếu mọi thứ lắng xuống, không cần phải đi xa như vậy. Rất nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra vào năm tới, khi đại dịch đã được kiểm soát" - ông Kono lập luận.

Dấu ấn cuối của ông Abe

Thỏa thuận hậu cần quân sự Ấn - Nhật được ký hôm 10-9 như một lời tạm biệt của ông Abe đến người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi. Đây cũng là một trong những nỗ lực cuối cùng của ông Abe nhằm tăng cường hợp tác an ninh trong nội bộ Tứ giác kim cương trước khi rời nhiệm sở vào tuần tới.

Có thể bắt gặp chút gì đó luyến tiếc và trăn trở trên Twitter của nhà lãnh đạo Nhật sau lễ ký kết. Ông Abe chia sẻ các hình ảnh với thủ tướng Ấn Độ, căn dặn người kế nhiệm tiếp tục theo đuổi một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà ông đã tích cực thúc đẩy.

Giữa căng thẳng Ấn - Trung, Ấn bất ngờ ký thỏa thuận quân sự với Nhật Giữa căng thẳng Ấn - Trung, Ấn bất ngờ ký thỏa thuận quân sự với Nhật

TTO - Nhật Bản và Ấn Độ đã ký thỏa thuận tương trợ quân sự giữa hai nước, tạo cơ sở để quân đội hai bên hỗ trợ nhau về vũ khí, khí tài cũng như hậu cần hiệu quả hơn.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp