Nhân lực CNTT Việt Nam được đánh giá hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực thiết kế phần mềm - Ảnh: KMS Tech
Thông tin về việc các ứng dụng phần mềm thiết kế 100% bởi chất xám Việt được bán hoặc gọi vốn thành công hàng triệu USD hiện không còn là "hàng hiếm".
Ngành CNTT phát triển nóng dẫn đến tình trạng "khát" nhân sự, nảy sinh nhiều trường hợp lôi kéo người, đẩy mức lương lên cao dẫn đến tình trạng ảo tưởng năng lực ở ứng viên, các công ty cũng không đủ tin tưởng và thời gian để trau dồi "nội lực" lao động.
Anh NGUYỄN HỮU QUANG
Kobiton, ứng dụng phần mềm với đội ngũ kỹ sư hoàn toàn từ Việt Nam, vừa gọi vốn thành công 5,2 triệu USD vào cuối tháng 8-2019 (nâng tổng số tiền đầu tư nhận được là 8,2 triệu USD).
Trước đó ứng dụng dạy nói tiếng Anh ELSA của Hồng Vũ - một 8X Việt - gọi vốn thành công 7 triệu USD, đội ngũ thiết kế sản phẩm của GotIt (của tiến sĩ Trần Việt Hùng) giành được giải thưởng thiết kế công nghệ quốc tế danh giá A’ Design Award vào tháng 4-2019...
Đó là những điểm son liên tục khiến giới công nghệ Việt năm nay phấn khởi.
Tín hiệu trên liệu có đồng nghĩa tiềm năng lớn? Và những thử thách, bước chuẩn bị cần thiết là gì?
Chấp nhận bước ra khỏi "vùng an toàn"
Với góc nhìn của người có thâm niên trong ngành, anh Nguyễn Hữu Quang (CEO, EXE Corp) cho biết tuy ngành CNTT ở Việt Nam còn khá non trẻ nhưng sau hai thập kỷ phát triển đã có một số bước tiến nhất định trong lĩnh vực gia công phần mềm, được ghi tên vào bản đồ công nghệ thế giới.
"Trong mắt nhiều công ty nước ngoài thì chất lượng kỹ sư gia công phần mềm Việt được đánh giá cao, chi phí cạnh tranh. Nhưng không dừng lại ở đó, một số công ty Việt đã manh nha thử nghiệm đầu tư phát triển, thiết kế sản phẩm (TKSP) để tạo lợi thế cạnh tranh và tăng tính đột phá. Làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ gần đây ở Việt Nam cũng góp phần đáng kể vào việc thay đổi tư duy của giới công nghệ trong nước" - anh Hữu Quang nhận định.
Còn theo anh Trương Đức Lượng (CEO kiêm đồng sáng lập Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam), Việt Nam đi sau nhiều nước về trình độ phát triển cũng như nhu cầu xã hội, chi phí nhân lực thấp nên sự phát triển của ngành gia công phần mềm là chuyện tất yếu.
"Dẫu vậy, một tín hiệu khá tốt là với xu thế phát triển kinh tế của đất nước cùng sự hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn mà ngày càng nhiều các nhóm, công ty đứng ra tự phát triển, TKSP, không chỉ là phần mềm mà có cả phần cứng" - anh Đức Lượng nói.
Còn một CEO chia sẻ dù sản phẩm thiết kế của công ty anh thất bại hơn năm lần nhưng anh sẽ vẫn kiên trì với hướng "chuyển mình" trên vì muốn "thử lửa" sự sáng tạo, nội lực của đội ngũ công ty với thị trường.
Thực tế, những năm gần đây số lượng hội thảo chuyên đề xoay quanh câu chuyện "làm gia công hay làm sản phẩm?" mỗi lúc một nhiều, thu hút sự tham gia đáng kể của người trong giới.
Theo tìm hiểu của người viết, một số công ty thuần gia công của Việt Nam chọn giải pháp an toàn là dịch chuyển dần sang TKSP theo hướng: tách riêng đội ngũ kỹ sư, một bộ phận vẫn tiếp tục làm gia công để tích lũy tài chính, kinh nghiệm, bộ phận kỹ sư còn lại tham gia nghiên cứu làm sản phẩm với tham vọng tạo bước ngoặt trong tương lai.
Chị Nguyễn Phương Mai (CEO công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search, thuộc Tập đoàn Navigos Group) có phần dè dặt hơn.
"Chúng tôi chưa nhận thấy sự dịch chuyển quá mạnh mẽ vì mảng gia công phần mềm vẫn luôn đóng vai trò chủ đạo trong ngành CNTT tại Việt Nam. Các công ty TKSP ở Việt Nam hiện đa phần là các start-up hoặc công ty nước ngoài đặt chi nhánh trong nước. Số lượng công ty trong nước có quy mô lớn và chuyên TKSP đặc biệt ở công nghệ tiên phong thì chúng tôi ghi nhận không quá nhiều" - chị Phương Mai nói.
Thử thách không nhỏ
Với câu hỏi "Nếu các doanh nghiệp phần mềm Việt muốn "tấn công" vào thị trường TKSP có thể gặp những khó khăn gì?", chị Nguyễn Thị Thanh Hương (phó tổng giám đốc Công ty cung cấp dịch vụ tư vấn nhân sự Talentnet) cho biết trước mắt có hai thử thách chính.
Đầu tiên, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh và thay đổi hạng mục cơ cấu sản phẩm đồng nghĩa doanh nghiệp cần tái cấu trúc, đầu tư thêm vào bộ phận chuyên môn là điều tất yếu. Bên cạnh đó, câu chuyện về chuyên môn, năng lực và nhận thức của người lao động cũng là điều đáng lưu ý.
"Các công ty phải tập trung hơn nữa vào L&D (phát triển và đào tạo nhân sự), thay đổi tư duy để có cái nhìn rộng hơn vào bức tranh toàn cảnh, chú ý hơn cơ chế lương thưởng để khuyến khích, giữ chân nhân sự..." - chị Thanh Hương chia sẻ.
Chị Phương Mai cho rằng việc các doanh nghiệp gia công hiếm khi nhận được những đơn hàng thiết kế hoặc gia công toàn bộ sản phẩm đã dẫn đến một thực tế là phần lớn nhân lực CNTT Việt Nam đã quen làm theo khuôn mẫu cụ thể, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến tính sáng tạo và sự "liều lĩnh" cần có để thiết kế một sản phẩm công nghệ mới.
Một số công ty chuyên phần mềm cho rằng việc giữ chân nhân sự chuyên phần mềm là cực kỳ khó khăn vì hiện cầu vượt xa cung.
Cụ thể với anh Hữu Quang, vấn đề lớn nhất hiện nay của ngành CNTT ở Việt Nam là chi phí lương tăng quá cao so với năng lực thực tế của lao động, điều dẫn đến chi phí sản phẩm, dịch vụ tăng theo. Điều này đẩy các doanh nghiệp Việt vào thế khó và giảm lợi thế cạnh tranh về giá so với những quốc gia khác. Còn theo khảo sát lương Mercer đầu năm 2019, vị trí kỹ sư phát triển phần mềm có kinh nghiệm không chỉ rất "hot" trên thị trường mà cũng rất khó giữ.
Tích cực xây dựng môi trường làm việc
Theo anh Trần Trọng Đại (tổng giám đốc KMS Technology Việt Nam), nguồn nhân lực chất lượng cao liên tục là vấn đề thách thức với các công ty công nghệ trong nước năm năm gần đây.
"Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp nên tích cực chủ động xây dựng môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp chất lượng và tạo cơ hội nghề nghiệp để thu hút và giữ chân, phát triển nhân tài. Không ngừng nâng tầm sản phẩm hoặc dịch vụ cao hơn nữa để tạo ra giá trị và cho phép doanh nghiệp cải thiện chính sách đãi ngộ nhân viên" - anh Trọng Đại nêu góc nhìn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận