11/01/2015 10:30 GMT+7

​Tư duy thành tích dẫn đến oan sai

 Luật sư - ThS TRỊNH MINH TÂN
Luật sư - ThS TRỊNH MINH TÂN

TT - Chính tư duy thành tích đã tạo ra tâm lý phải tìm ra kẻ thủ ác bằng mọi giá, nhưng lại quên một điều là không phải vụ án mạng nào cũng có thể khám phá ra một cách dễ dàng.

Ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan sau 10 năm ngồi tù với mức án chung thân - Ảnh: Xuân Long
Áp lực phải điều tra khám phá tội phạm lớn, dễ dẫn đến những sai lầm khi đánh giá chứng cứ hoặc sử dụng bức cung nhục hình để mong mau chóng kết thúc giai đoạn điều tra. Đây là khởi đầu của những sai lầm tiếp theo nếu như các khâu truy tố, xét xử không làm tốt trách nhiệm của mình
Luật sư - ThS Trịnh Minh Tân

Hơn nữa, không phải điều tra viên nào cũng có khả năng phá án.

Trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải tìm ra và xử lý nghiêm minh kẻ thủ ác. Thế nhưng thực tế cũng có một số vụ oan sai, dẫn đến bức xúc trong dư luận xã hội. Từ trước đến nay ta hay chú trọng đến thành tích mà chưa chú trọng đến trách nhiệm nghề nghiệp và chức năng xã hội của nghề điều tra, nghề công tố (kiểm sát viên) và nghề thẩm phán.

Khi nói đến nghề thì người làm nghề phải am hiểu nghề và có kỹ năng nghề nghiệp. Khi khám phá ra một vụ trọng án, ta thường tán dương thành tích mà không thấy được đó là cái việc mà điều tra viên phải làm.

Lọt lưới cả ba giai đoạn điều tra

Trong giai đoạn điều tra, viện kiểm sát là một chủ thể phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra những vi phạm pháp luật tố tụng hình sự trong quá trình điều tra gây nên. Một vụ án oan không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cơ quan điều tra.

Chế định kiểm sát điều tra đã được quy định rất rõ trong Bộ luật tố tụng hình sự. Nhưng để làm được việc này thì kiểm sát viên (cũng như điều tra viên) ngoài kiến thức cơ bản phải có kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp.

Kỹ năng kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố khác với kỹ năng và kinh nghiệm điều tra. Nếu kiểm sát viên không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định một cách nghiêm túc sẽ không phát hiện những vi phạm pháp luật của điều tra viên, không đề ra được các yêu cầu về điều tra, tư duy buộc tội sẽ diễn ra một chiều.

Đối với tòa án, kỹ năng và kinh nghiệm của thẩm phán cũng khác với kỹ năng, kinh nghiệm của kiểm sát viên. Một thẩm phán hời hợt hoặc thiếu kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp sẽ rất dễ thuận chiều với ý kiến buộc tội của kiểm sát viên, không coi trọng ý kiến bào chữa của luật sư.

Thời gian vừa qua có một số vụ án oan, nhất là án giết người, lọt lưới cả ba giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Phá được một vụ trọng án như án giết người không hề đơn giản vì hung thủ thường có nhiều mánh lới để che giấu hành vi phạm tội như: tiêu hủy vật chứng, xóa bỏ dấu vết hoặc tạo dấu vết giả để đánh lạc hướng điều tra. Những vụ này đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ năng của những người tham gia tố tụng, đặc biệt là điều tra viên.

Một ví dụ điển hình

Tháng 12-2001, tại TP.HCM xảy ra một vụ án giết người. Người bị khởi tố tội danh “giết người” và “cướp tài sản” là ông Trương Bá Nhàn. Từ việc khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết tại hiện trường, cơ quan điều tra thu được dấu vân tay trong hộc tủ nhà bị hại - bà K.A., sau đó nhanh chóng xác định được dấu vân tay là của ông Nhàn, người bà con với gia đình chồng của bà K.A.. Cuộc điều tra hướng vào đối tượng Trương Bá Nhàn và ông ta bị khởi tố và bắt tạm giam.

Nhưng quá trình điều tra lại không chứng minh được ông Nhàn có mặt tại nhà bị hại ở các thời điểm trước, trong và sau khi xảy ra án mạng. Tài liệu xác minh lại chứng minh bị can đang ở những địa điểm khác, ngay cả số vàng thu giữ tại nhà bị can cũng không phải là vàng do ông Nhàn cướp mà là do bán nhà. Như vậy, chỉ có duy nhất một đấu vết là dấu vân tay của ông Nhàn để lại trong hộc tủ. Trong bản cung, bị can khai là trước khi án mạng xảy ra khoảng 5-7 ngày, ông ta có đến dọn nhà và kéo đẩy tủ giùm bà K.A..

Viện kiểm sát lập cáo trạng truy tố ông Nhàn về tội “giết người” và “cướp tài sản”. Vụ này nếu tòa án chấp nhận truy tố của viện kiểm sát thì chắc chắn hình phạt cao nhất sẽ được áp dụng cho ông Nhàn. Ông này sẽ không có thời gian ngồi tù như ông Nguyễn Thanh Chấn để được minh oan, vì ông Chấn là con liệt sĩ nên được khoan hồng tha tội chết, chỉ bị hình phạt tù chung thân, trong khi ông Nhàn không có tình tiết nào thuộc về nhân thân và gia đình để được hưởng chính sách khoan hồng.

Nhưng may mắn thay, cáo trạng của Viện Kiểm sát TP không được Tòa án TP chấp nhận. Nhiều lần tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng viện kiểm sát và cơ quan điều tra không đáp ứng được yêu cầu bổ sung của tòa án. Đình chỉ vụ Trương Bá Nhàn là một quyết định pháp lý đúng đắn. Dù thủ phạm giết bà K.A. chưa bị trừng trị thì các cơ quan tiến hành tố tụng TP cũng nhẹ nhõm là người bị oan được minh oan, nếu không hậu quả nghiêm trọng sẽ không bao giờ sửa được.

Luật sư - ThS TRỊNH MINH TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp