Chủ nghĩa lãng mạn Pháp ở Sài Gòn
Sài Gòn 100 năm trước, thẩm mỹ kiến trúc bất ngờ có lẽ là những hàng cây xanh mát lòa xòa trên nóc villa cho hương vị gắn liền với chủ nghĩa lãng mạn cùng thời ở Pháp. Với một trò nhỏ mới ngồi lớp trung học thì từ nhà đến trường đã là một "lãng mạn".
Từ Trường tiểu học Chí Hòa đường Lê Văn Duyệt đến Trường trung học Trưng Vương kiến trúc Pháp quét vôi màu vàng nhiệt đới... tất cả cho một cảm giác lãng mạn không có nơi xóm nhỏ.
Ở Trưng Vương, linh mục Trần Văn Hiến Minh giảng lãng mạn là "sóng vỗ tràn bờ". Không chỉ kiến trúc, Sài Gòn từ năm 1954 đã có nhiều cơn sóng tràn bờ.
Dù ảnh hưởng chính trị của Pháp đã giảm sút nhưng người Sài Gòn vẫn yêu văn hóa Pháp, từ văn học phong phú đến âm nhạc diễm lệ, phim ảnh màu sắc và thời trang quyến rũ... vẫn khiến người Sài Gòn không cần ra khỏi biên giới vẫn chạm tay vào nước Pháp.
Người Bắc di cư năm 1954 gọi bánh mì là "bánh Tây". Cà phê phin là thế giới người lớn vào buổi sáng. Sài Gòn 14 tuổi tóc cụp vào như Sylvie Vartan líu lo như thật "Em đẹp nhất đêm nay... Ce soir je serai la plus belle pour aller danser".
Sài Gòn 15 tuổi hát "C'est le temps de l'amour" như Francois Hardy. Sài Gòn 16 tuổi váy chật áo chemise đen như Brigitte Bardo, nhún nhảy điệu Mambo cha-cha-cha Nam Mỹ nhưng yên chí đó là Tây. Centre Culture Français (Trung tâm Văn hóa Pháp) gần nhà thương Grall, một Paris thu nhỏ, học trò lẫn thầy giáo cứ như tài tử.
Trường trung học Trưng Vương - Ảnh: Trần Thị Vĩnh -Tường
Chủ nghĩa lãng mạn Hà Lan ở Indonesia
Không xa lắm, láng giềng của Việt Nam là Indonesia, "làn gió lãng mạn" kiến trúc đưa chân du khách khắp mấy ngàn hải đảo. Hà Lan đô hộ Indonesia 350 năm, cũng như người Pháp, để lại Indo nhiều di sản: ngôn ngữ, món ăn, lối sống và kiến trúc.
Giành được độc lập năm 1945, Indo cũng phân vân giữa "đập phá - giữ lại" các kiến trúc thuộc địa. Suốt 45 năm giằng co... rốt cuộc người Indo chấp nhận rằng những di tích ấy đã làm nên lịch sử Indo, không thể chạy trốn hay chối từ.
Người Indo tự tin không đập phá, trái lại, coi kiến trúc như đại diện cho sự đa dạng của lịch sử và cũng đại diện cho sự phát triển của Indonesia.
Dinh Bogor là một thí dụ. Năm 1744, toàn quyền Hà Lan Gustaaf Willem Baron von Imhoff muốn chạy trốn cái nóng hải đảo nên xây dinh Bogor ba tầng giữa mảnh đất rộng 284.000m2, thả nai Nepal, nai Ấn Độ để săn bắn.
Năm 1834, núi lửa phun hủy diệt dinh. Dinh được xây dựng lại khoảng năm 1850 - 1860 hầu như cùng thời với dinh Thượng Thơ Sài Gòn, 59-61 Lý Tự Trọng, Sài Gòn.
Dinh Thượng Thơ, căn nhà xưa thứ hai ở Sài Gòn chỉ sau nơi cư ngụ của giám mục Bá Đa Lộc hiện trong khuôn viên tòa Tổng giám mục giáo phận Sài Gòn.
Năm 1950, Bogor được chọn làm một trong sáu dinh tổng thống. Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo chọn Bogor làm văn phòng làm việc và tiếp quốc khách. Các nguyên thủ quốc gia Đức, Mỹ, Nhật, Phi, Ấn Độ, Trung Hoa... đều thoải mái được tiếp đón ở tòa dinh thự này.
Dinh Bogor rộng 18.492m2 vẫn ở giữa khu vườn Bogor Botanical 284.000m2, đàn nai vẫn êm đềm gặm cỏ. Dinh có sưu tập 450 bức tranh và 360 tác phẩm điêu khắc. Vườn mở cửa quanh năm cho công chúng, dinh chỉ mở cửa một số ngày. Với người Indo, được vào trong dinh là một may mắn.
Du khách đắm mình trong khung cảnh huyễn hoặc của quá khứ vương quốc hải đảo đã ghi dấu chân thương nhân trên "Con đường hương liệu" 2.000 năm trước.
Từ kệ trưng bày, văn minh bản địa, Phật giáo, Islam, Tây phương... thoáng mỉm cười nhìn nhau, thấu hiểu giới hạn của nhân tính, điềm đạm chịu đựng khiếm khuyết của con người và sự bất toàn của những quốc gia.
Đàn nai giờ đây vẫn êm đềm gặm cỏ trong dinh Bogor - Ảnh: RajnishPathak
"Làn gió lãng mạn" Indonesia
Chủ nghĩa dân tộc Indo ban đầu thắng thế dẫn đến một cuộc "săn lùng" dữ dội và đập phá dường như vô tận các kiến trúc thuộc địa.
Nhưng cũng chính sự săn lùng này đập vào những cái đầu còn biết nghĩ khiến từ năm 1980, học giả và một số nhà hoạch định chính sách ở cả Indo và Hà Lan bới tàn tích cũ và công nhận khía cạnh tích cực của quá khứ thuộc địa, đặc biệt là di sản.
Giới trung lưu và trí thức Indo dần dần nhận ra rằng sức mạnh của chính quyền thuộc địa là đã đúc quần đảo thành một thực thể hành chính duy nhất ngẩng mặt ra thế giới và hiên ngang đứng ở vị trí ngã ba của hải lộ Đông Nam Á.
Phá hủy tàn dư thời thuộc địa sẽ không làm thay đổi hoặc xóa bỏ lịch sử đó, mà chỉ làm cho phân tích lịch sử phức tạp hơn và khiến thế giới văn minh xa lánh hay dè dặt, không dám đầu tư vào Indo, hoặc miễn cưỡng vào nhưng trong dạ khinh thường như công dân hạng hai.
Rốt cuộc, việc ủng hộ di sản dẫn đến việc đánh giá lại kiến trúc và quy hoạch thuộc địa, bảo tồn và sử dụng thay vì bỏ bê, từ bỏ hoặc đơn thuần phá hủy.
Khi thế giới yên tâm
Kết quả là, sự dè bỉu dần dần được thay thế bằng một thái độ tích cực: báo Indonesia, đặc biệt các ấn bản chủ nhật nhằm vào tầng lớp trung lưu, thường xuyên có các bài viết về Công ty Đông Ấn Hà Lan và di sản xây dựng thuộc địa.
Tác giả hoặc khen ngợi thẩm mỹ và sự liên quan lịch sử của các tòa nhà hoặc nêu bật nhiều mối đe dọa mà Indo phải đối mặt. Với người Mỹ và châu Âu, Indo nhắc nhở thoải mái về quá khứ thực dân của người Hà Lan là một bất ngờ tạo nên một tương quan ấm áp ẩn giấu sau những thương thảo kinh tế thương mại và cả quân sự.
Tánh cao thượng của người da trắng trỗi dậy và ngấm ngầm vừa thán phục vừa không dám coi thường: "Dân tộc Indo can đảm nhìn nhận quá khứ, không đau khổ không xấu hổ. Một dân tộc vượt lên khỏi tầm thường như thế đáng được kính nể và tin cậy".
Sài Gòn - Ảnh: Tim Doling sưu tầm
Mấy ngày nay, tin tức dinh Thượng Thơ, 59-61 đường Lý Tự Trọng tức đường Gia Long cũ, sắp bị đập bỏ để mở rộng trụ sở UBND khiến quá khứ và cả tương lai Sài Gòn hiện ra rất rõ. Vai trò của dinh Thượng Thơ Sài Gòn được xây dựng những năm 1880 cũng giống dinh Tổng thống Bogor.
Bài học 50 năm đối phó với di sản từ hải đảo Indo vẫn còn nguyên đó. Chỉ tiếc là người Pháp đang muốn trở lại vùng Indo-Pacific đã không biết lên tiếng bảo vệ chính di sản của mình.
Chứ còn người Sài Gòn, tử tế và cao thượng, từ năm 1954 đã hết lòng quý mến và gìn giữ di sản cho người Pháp mà chẳng mưu cầu điều gì cho họ. Sau Thế chiến thứ hai, từ Syria qua Lebanon đến Việt Nam, người Pháp đã đánh mất thời Khai sáng, mất người mất cả lòng người.
Về phần Việt Nam, khá khó hiểu khi tháng 12-2014, 11 thiết kế cho trung tâm hành chính thành phố đều giữ lại tòa nhà chính phủ Pháp ở 59-61 Lý Tự Trọng, nhưng hôm nay lại đòi giật sập?
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, phương án tốt nhất với dinh Thượng Thơ là...
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận