Hầu hết các nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn. Ảnh: cbtrust.org.uk
Một trong những sai sót thường gặp là không đưa bệnh nhân đến điều trị tại các cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời, tự điều trị tại nhà hoặc sử dụng không đúng chỉ định các thuốc điều trị tại chỗ vết bỏng,… điều này có thể để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.
Sự cần thiết phải đưa trẻ bị bỏng đưa đến các cơ sở y tế để điều trị: Trẻ em chiếm khoảng 50% tổng số nạn nhân bỏng, trong đó lứa tuổi 1-5 tuổi chiếm khoảng 50 – 60% số trẻ em bị bỏng. Đây là lứa tuổi trẻ rất hiếu động, thích khám phá tìm hiểu xung quanh nhưng lại chưa ý thức và chưa có khả năng phòng tránh các mối nguy hiểm.
Trẻ em có cơ thể đang lớn (tăng về kích thước, trọng lượng, số lượng) và đang trưởng thành (hoàn thiện chức năng, thay đổi về chất lượng). Đây là hai quá trình sinh học cơ bản của trẻ em. Trẻ em khi bị bỏng dù diện tích nhỏ cũng có thể gây rối loạn toàn thân, diễn biến bệnh bỏng thường phức tạp hơn, quá trình điều trị cũng gặp khó khăn hơn người lớn do các cơ quan chưa hoàn thiện.
Ở trẻ nhỏ, diện bỏng từ 10% diện tích cơ thể là bỏng nặng, cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị đúng cách.
Vấn đề sử dụng thuốc điều trị: Da là hàng rào bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân có hại của môi trường xung quanh tác động tới cơ thể, vì vậy, khi bị tổn thương, khả năng bảo vệ của da không còn, làm thoát dịch, huyết tương, điện giải qua da, các mô tế bào hoại tử tạo môi trường dinh dưỡng thuận lợi cho vi sinh vật xâm nhập và phát triển.
Điều trị bỏng phải kết hợp điều trị toàn thân và tại chỗ, trong đó điều trị tại chỗ vết bỏng là rất quan trọng vì tổn thương bỏng là nguồn gốc gây ra mọi rối loạn bệnh lý trong bỏng. Ngay từ xa xưa, ông cha ta đã sử dụng nhiều loại thuốc có nguồn gốc từ cây cỏ, động vật để điều trị vết thương, vết bỏng, cho kết quả tốt.
Tại Việt Nam, danh y Tuệ Tĩnh đã dùng mật ong để điều trị bỏng; Hải Thượng Lãn Ông dùng dương quy, dầu vừng đúc thành cao dán lên vết bỏng đã nhiễm khuẩn, cho kết quả tốt. Ngày nay, kế thừa vốn y học cổ truyền và kết hợp các kỹ thuật bào chế hiện đại, người ta đã sản xuất ra nhiều thuốc nguồn gốc thảo mộc có tác dụng tốt trên vết bỏng như madhuxin, selaphin, B76,… Tuy nhiên, để có tác dụng tốt thì thuốc phải được dùng đúng chỉ định.
Trên thực tế, bản thân nhiều chất được người nhà bệnh nhân bôi lên vết bỏng như nhựa chuối, nước mắm, thuốc tạo màng không đúng chỉ định,… làm tăng ô nhiễm tại vết bỏng, làm tăng mức độ bệnh, nhiều trường hợp để lại hậu quả đáng tiếc về tính mạng, về chức năng và thẩm mỹ.
Một số khuyến cáo cho các gia đình:
- Bỏng là tai nạn có thể phòng tránh, phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh" hoàn toàn đúng và có ý nghĩa với bỏng. Chính vì vậy cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng ngừa bỏng, đừng để bị bỏng vì thiếu hiểu biết.
- Hầu hết các nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn, trẻ không có lỗi.
- Khi bị bỏng cần biết sơ cứu bỏng đúng cách (ngâm vùng bị bỏng vào nước mát (16 - 200C), sạch hoặc dội nước hoặc hứng vùng bị bỏng dưới vòi nước mát, sạch càng sớm, càng tốt trong khoảng thời gian 20 phút). Sau đó đưa đi khám tại các cơ sở y tế, không nên tự điều trị hoặc đến các thầy lang để chữa bỏng. Đừng để tiền mất tật mang vì sự thiếu hiểu biết của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận