17/05/2017 09:49 GMT+7

Từ Điện Biên đến đền Hùng đất Tổ

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Ông Phạm Đức Cư (87 tuổi) - người lính Điện Biên năm xưa - được chọn là người cùng lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành trao đất thiêng gửi Trường Sa.

Ông Phạm Việt Dũng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Điện Biên, khẽ khàng lấy chút lớp đất trên đồi A1 - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Phạm Việt Dũng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Điện Biên, khẽ khàng lấy chút lớp đất trên đồi A1 - Ảnh: NAM TRẦN

“Xin hãy nhẹ tay và chỉ lấy lớp đất mặt, không đào xuống vì trong đất này vẫn còn nhiều hồn cốt cha anh...” - ông Phạm Việt Dũng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Điện Biên, khẽ khàng dặn chúng tôi khi thắp nén nhang, xin anh linh các anh hùng liệt sĩ cho phép lấy đất quê nhà gửi Trường Sa.

Đồi A1 là ngọn đồi thiêng liêng ở Điện Biên Phủ. Đây là ổ đề kháng mạnh nhất của Pháp trong chiến dịch mang tên địa danh này với nhiều hệ thống hầm, hào kiên cố, được bố trí hỏa lực mạnh. Phải mất nhiều đợt tấn công, quân ta mới giành được nửa đồi.

Và cho đến khi quân ta bí mật đào hầm thọc sâu, đưa bộc phá vào đánh thốc từ bên dưới thì mới chiếm được cứ điểm quan trọng quyết định này.

Sau mỗi đợt tấn công, biết bao chiến sĩ đã nằm lại. Mỗi tấc đất, gốc cây hòa máu xương của bao anh hùng vô danh. Với người dân Điện Biên, từng hạt đất, từng viên sỏi của đồi A1 đều thiêng liêng vô hạn.

Máu xương Điện Biên hòa quyện Trường Sa

Ông Phạm Đức Cư (87 tuổi) - người lính Điện Biên năm xưa - được chọn là người cùng lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành trao đất thiêng gửi Trường Sa.

Trước gần 50 sinh viên, các bạn trẻ và một số du khách thăm đồi A1 tại lễ tiếp nhận đất sáng 12-5, người lính già xúc động: “Tôi chưa từng ra Trường Sa, nhưng Trường Sa luôn trong trái tim tôi...”.

Ông cho biết ông làm rất nhiều bài thơ về Trường Sa, về lính đảo. Ông bày tỏ: “Việc báo Tuổi Trẻ có ý tưởng tổ chức đưa đất thiêng từ Điện Biên và những địa danh lịch sử ra Trường Sa lần này cực kỳ có ý nghĩa.

Các bạn trẻ, các cháu sinh viên hôm nay được dự lễ này cần biết rằng mỗi nắm đất nơi này có máu thịt của cha anh”. Trong đó có phần máu thịt của ông.

Người cựu binh già nói từng nắm đất của mảnh đất anh hùng được gửi tới Trường Sa “là chúng tôi, lớp lính già mong muốn các thế hệ đi sau hãy tiếp bước cha anh, không nao núng trước quân thù, kiên cường, dũng cảm, vượt mọi khó khăn để giành chiến thắng. Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam và chúng ta phải giữ lấy sự toàn vẹn lãnh thổ”.

Ông Dương Ngọc Thế, phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên, cũng chung cảm xúc với người lính già: “Những người lính Điện Biên năm xưa không còn nhiều, cả tỉnh chỉ còn 307 cụ, và lời cụ Cư chính là những gì cựu chiến binh chúng tôi muốn gửi gắm qua nắm đất thiêng này. Mong các anh ngoài đảo xa vững tâm, chắc tay súng gìn giữ biển đảo”.

Là người cùng đại diện Tuổi Trẻ tiếp nhận đất từ tay người cựu chiến binh Điện Biên Phủ và lãnh đạo tỉnh, ông Vừ A Bằng - bí thư Huyện ủy huyện Điện Biên Đông, cũng là thành viên của chuyến hành trình Trường Sa trao nhận đất thiêng lần này - không giấu nổi xúc động: Cảm ơn Tuổi Trẻ nói thay nỗi niềm của bao lớp thanh niên!

Ông Bằng trước đây là một cán bộ Đoàn. Ý tưởng chuyển đất thiêng Điện Biên mang tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ tới Trường Sa ông đã ấp ủ nhiều năm nay.

Dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, khi đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” của Trung ương Đoàn tổ chức, ông đã gửi theo nắm đất thiêng từ đồi A1 - hồn cốt của tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ ra Trường Sa, như một sự khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với Trường Sa, thể hiện đồng bào các dân tộc Tây Bắc luôn bên cạnh, sát cánh cùng các cán bộ, chiến sĩ, người dân đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương. Lần này chính tay được trao nắm đất Điện Biên, ông vô cùng xúc động.

Thiêng liêng đất Tổ

Hành trình tiếp nhận “Đất thiêng gửi Trường Sa” của chúng tôi tiếp tục từ Điện Biên Phủ về đền Hùng - Phú Thọ, đất Tổ vua Hùng thiêng liêng trong mỗi trái tim con dân người Việt Nam.

Cũng tại nơi đây, ngày 19-9-1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trên đường trở về Hà Nội để tiếp quản thủ đô, Bác Hồ đã chọn đền Hùng là nơi dừng chân để nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ đại đoàn quân tiên phong.

Tại đây, Người đã nói câu nói nổi tiếng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Một điều cực kỳ ngạc nhiên và chia sẻ, là các lãnh đạo tỉnh cũng như Ban quản lý di tích đền cho biết: đất đền Hùng cực kỳ thiêng liêng, nhiều địa phương, đơn vị từng có ý xin đất thiêng vùng đất Tổ nhưng không được chấp thuận.

Tỉnh Phú Thọ chưa từng có một lễ xin đất, trao nhận đất thiêng nào như việc mà Tuổi Trẻ đề nghị. Nhưng tất cả đều nhận thấy chương trình “Hồn đất quê nhà gửi Trường Sa” của Tuổi Trẻ đặc biệt có ý nghĩa nên nhanh chóng hội ý và chấp thuận.

Hơn 8h sáng, đoàn chúng tôi cùng lãnh đạo Tỉnh đoàn Phú Thọ, Ban quản lý khu di tích lịch sử đền Hùng và gần 30 đoàn viên thanh niên tập trung trước sân đền Thượng, ngôi đền linh thiêng nhất nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để làm lễ xin đất. Cụ từ giữ đền gieo mấy lần quẻ và được thuận. Lễ lấy đất được tiến hành trang nghiêm, kính cẩn.

Chứng kiến việc xin đất, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Ban quản lý khu di tích Đền Hùng - xúc động: “Hôm nay, từ nơi đất Tổ, tuổi trẻ Phú Thọ mong muốn gửi tình cảm, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt đến với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mong các anh chắc tay súng giữ gìn biển đảo của Tổ quốc”.

Kết nối non sông liền một dải

Các bạn trẻ tỉnh Phú Thọ thỉnh đất thiêng từ đền các vua Hùng gửi ra Trường Sa - Ảnh: VIỆT DŨNG
Các bạn trẻ tỉnh Phú Thọ thỉnh đất thiêng từ đền các vua Hùng gửi ra Trường Sa - Ảnh: VIỆT DŨNG

Hồng Phương - một bạn trẻ tham dự lễ xin đất Tổ đền Hùng - bày tỏ: “Chương trình “Hồn đất quê nhà gửi Trường Sa” của báo Tuổi Trẻ thể hiện sự kết nối, khẳng định chủ quyền, non sông liền một dải.

Là một người con trên quê hương đất Tổ, là người đã may mắn được tới Trường Sa, tôi thấy rất tự hào khi nắm đất thiêng của quê hương được hòa quyện cùng với đất thiêng của các vùng trên cả nước để gửi ra Trường Sa”.

Hồng Phương cũng cho rằng: với tuổi trẻ đất Tổ, đây là một hoạt động giáo dục truyền thống và tình yêu biển đảo hết sức ý nghĩa và thiêng liêng.

Thông qua hoạt động này, các bạn trẻ trên quê hương đất Tổ nói riêng và tuổi trẻ cả nước thêm yêu Tổ quốc, từ đó thấy rõ được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn biển, đảo quê hương.

Tự hào mang theo nắm đất

Tự hào mang theo nắm đất Nhiều thành viên trong chuyến đi lần này bày tỏ sự vui sướng và xúc động khi biết chuyến hành trình đặc biệt do Tuổi Trẻ tổ chức lần này mang “Hồn đất quê nhà gửi Trường Sa”.

● PGS.TS Lê Thị Thu Thủy (giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội):

Nắm đất là quê hương

Hôm đoàn đi lấy đất thiêng ở đền Hùng, tôi lại đang đi công tác ở nước ngoài không tham gia được. Đến khi họp đoàn, nghe các anh nói về việc này, tôi ngồi nghe mà nổi da gà vì xúc động.

Tôi không biết đến lúc mình thực sự được đặt chân lên Trường Sa, cùng với mọi người mang theo nắm đất từ đất liền ra với đảo, thì mình sẽ thấy vinh dự và xúc động đến thế nào.

Tôi hình dung ra sự gắn kết không thể tách rời giữa đất liền và biển đảo Trường Sa. Nắm đất tưởng chừng nhỏ bé, bình thường nhưng khi bạn đi xa, bạn thấy nắm đất đó là quê hương, là tình cảm thiêng liêng máu thịt.

Tôi nghe các anh mô tả những khó khăn vất vả ngoài đảo, ngoài nhà giàn mà các chiến sĩ và người dân vẫn kiên cường bám trụ, tôi cảm thấy vô cùng khâm phục, muốn gửi ra thật nhiều tình cảm, nhiều thương yêu từ đất liền.

Tôi tự thấy rằng mình ở đất liền thuận lợi hơn, phải cố gắng thật nhiều, mang những tình cảm từ biển đảo truyền cho lớp lớp sinh viên của mình để những tình cảm máu thịt giữa biển và bờ mỗi ngày lại được nhân lên.

● Nguyễn Thị Kim Diên  (sinh viên):

Một việc làm thiêng liêng

Được ra Trường Sa là ước mơ cháy bỏng trong tôi từ lâu lắm. Khi được báo tin, tôi đã vui sướng đến mất ngủ.

Tôi hỏi một chú từng công tác ngoài đảo 10 năm, rằng cháu muốn mang quà ra cho các anh chiến sĩ ngoài đảo thì có thể mang những gì? Chú ấy bảo ngoài đảo không thiếu gì, chỉ cần tình cảm thôi. Vậy là tôi sẽ mang mấy tập thơ viết tay và những món quà tự làm để tặng các anh, các chú.

Những món quà của tôi tuy nhỏ bé nhưng là tấm lòng và tình cảm dành tặng các anh lính đảo.

Khi biết đoàn công tác của mình sẽ mang theo đất lấy từ những nơi thiêng liêng của Tổ quốc để mang ra đảo, tôi cảm động vô cùng. Đó là việc làm quá thiêng liêng mà tôi may mắn được tham gia.

Vậy là ngoài những món quà nhỏ của riêng mình, thì lần này tôi còn mang ra đảo món quà lớn từ đất liền: đó là đất từ quê nhà gửi Trường Sa...

 

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp