Sách Người tình không chân dung của nhà báo Lê Hồng Lâm ghi nhận dấu ấn điện ảnh của những minh tinh, tài tử Sài Gòn từ 1954-1975.
Đó là 20 năm với nhiều thăng trầm thời cuộc. Điện ảnh miền Nam ngày ấy đầy biến động với các dòng phim giải trí, điểm xuyết những nỗ lực làm phim nghệ thuật.
Những diễn viên được nhắc đến trong Người tình không chân dung là theo lựa chọn của tác giả Lê Hồng Lâm, căn cứ vào những tư liệu báo chí thời trước cùng nhận định của riêng anh.
Đó đều là những cái tên tiêu biểu cho điện ảnh miền Nam trước 1975. Nhiều người không hề xa lạ với công chúng.
Cuốn Người tình không chân dung dày dặn tư liệu và hình ảnh. Các bức ảnh được Lê Hồng Lâm tập hợp từ bộ sưu tập cá nhân, thông qua báo chí điện ảnh thời trước và do các nghệ sĩ cung cấp.
Một số hình ảnh trong cuốn sách - Ảnh: NVCC
Kiều Chinh trong phim đầu tay Hồi chuông Thiên Mụ (1957). Tính đến năm nay, bà đã có 63 năm hoạt động điện ảnh. Nhạc sĩ Phạm Duy nhận xét về bà: "Kiều Chinh là một nghệ sĩ khả kính, đi vào chiến trường nghệ thuật đầy ma thuật nhưng vẫn giữ được tấm lòng trong sạch". Ở tuổi 83, sự nghiệp Kiều Chinh chưa hề dừng lại. Bà vẫn hoạt động trong Nghiệp đoàn diễn viên của Hollywood, chấm các liên hoan phim quốc tế và đóng phim mới.
Vẻ đẹp của Kiều Chinh năm 18 tuổi. Về sau, bà nổi danh với các phim Người tình không chân dung, Hè muộn, The Joy Luck Club (đóng tại Mỹ)... Tippi Hedren, nữ diễn viên Mỹ từng đóng phim của Alfred Hitchcock, nhận xét: "Kiều Chinh thực sự là một trong những phụ nữ dũng cảm, mạnh mẽ và dịu dàng nhất mà tôi từng gặp trong đời".
Năm 2019, nhà báo Lê Hồng Lâm gặp gỡ Kiều Chinh tại Mỹ để phỏng vấn cho cuốn sách Người tình không chân dung. Bà sống tại nhà riêng ở đường Huntington Beach. Để tiếp nhà báo, Kiều Chinh mặc áo dài màu hoàng yến. Trong phòng làm việc, bà trưng bày nhiều kỷ vật trong hơn 60 năm sự nghiệp. Sống tại Mỹ 40 năm, qua mấy lần chuyển nhà, bà luôn trồng một cây liễu trong vườn vì bà nghĩ đó là hình ảnh biểu tượng của phụ nữ Việt Nam. Nhà báo Lê Hồng Lâm nhận xét Kiều Chinh là "một người phụ nữ Việt Nam từ trong cốt cách".
Thẩm Thúy Hằng, một nhan sắc lộng lẫy, "người đàn bà đẹp" của điện ảnh miền Nam, là ngôi sao đúng nghĩa nhất của từ này trong 20 năm thăng trầm. Thời trước, trong "tứ đại mỹ nhân" của điện ảnh Sài Gòn là Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga và Kim Cương, thì Thẩm Thúy Hằng được nhiều khán giả cho là người đẹp nhất. Bà nổi danh ở miền Nam Việt Nam và một số nước châu Á trong thập niên 1960-1970. Bộ phim gắn với tên tuổi Thẩm Thúy Hằng là Người đẹp Bình Dương.
Giữa Thẩm Thúy Hằng và Kim Cương là tình bạn hơn nửa thế kỷ. "Kỳ nữ" Kim Cương từng cho rằng báo chí cố tình gây hiểu lầm giữa bà và Thẩm Thúy Hằng, còn thực tế cả hai vẫn giữ mối thâm tình. Thẩm Thúy Hằng có thể coi là "ngôi sao phòng vé", có tên tuổi ăn khách nên được ưu tiên đóng vai chính trong nhiều bộ phim. Sau 1975 bà ở lại và sinh sống ở Sài Gòn, đóng một số phim của điện ảnh miền Bắc quay tại Sài Gòn. Khi về già, bà ăn chay trường và làm từ thiện.
Kim Cương trên một bìa báo. Là "kỳ nữ" sân khấu với nhiều vai diễn kinh điển, Kim Cương kịp ghi dấu ấn trong điện ảnh khi đóng khoảng 30 bộ phim và có tên tuổi ăn khách. Kim Cương đóng các phim chuyển thể tử sân khấu, cổ tích như Lưu Bình - Dương Lễ, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lý Chân Tâm cởi củi... Cuối thập niên 1960, bà lập hãng phim riêng mang tên mình. Trong số bốn mỹ nhân, Kim Cương là nhân vật còn xuất hiện nhiều trên báo chí Việt sau này vì còn hoạt động.
Ảnh Thanh Nga trên bìa một nhạc phẩm của nhạc sĩ Huỳnh Anh. Cũng là diễn viên từ cải lương, sân khấu qua đóng điện ảnh, Thanh Nga khá nổi bật với nhiều vai nữ chính và thứ chính. Bà đóng trong phim Loan mắt nhung của đạo diễn Lê Dân, tác phẩm mở đầu cho dòng phim giang hồ - du đãng được ưa chuộng ở Sài Gòn suốt nhiều năm sau. Về sau, Thanh Nga còn đóng Mùa thu cuối cùng, Lan và Điệp, Vết thù trên lưng ngựa hoang... Bà được coi là diễn viên tài sắc vẹn toàn.
Kim Vui, "thần Vệ nữ" của Sài Gòn ngày trước, là một trong những nghệ sĩ được Lê Hồng Lâm gặp gỡ và phỏng vấn tại Mỹ. Sự nghiệp điện ảnh của Kim Vui chỉ có vài bộ phim, nên không để lại dấu ấn đậm nét như "tứ đại mỹ nhân". Bà vốn là ca sĩ và nghệ sĩ múa ballet, belly dance, nên tỏa sáng trong vai một nữ ca sĩ nhạc jazz trong phim Chân trời tím. Bà được gọi là "thần Vệ nữ" vì có thân hình đẹp, được so sánh với minh tính Ý Sophia Loren.
Bên cạnh dàn diễn viên nữ nổi tiếng, Trần Quang là tài tử được mệnh danh "Clark Gable Việt Nam", với hàng ria con kiến và đôi mắt nheo đầy đa tình. Sau vai đầu tay trong Xin nhận nơi này làm quê hương, Trần Quang nổi lên như một tài tử trụ cột của điện ảnh miền Nam trước 1975. Ông đóng thêm phim Nàng (đóng cặp với Thẩm Thúy Hằng), vai James Dean Hùng trong Điệu ru nước mắt và vai Hoàng Guitar trong Vết thù trên lưng ngựa hoang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận