Các bạn trẻ cần cẩn trọng khi xem và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội - Ảnh: XUÂN HƯNG
Để bảo vệ mình và tránh bị 'ngộ độc', các công dân mạng cần có những kỹ năng cơ bản trong việc chọn lọc tin và tham gia, để tự bảo vệ mình và cộng đồng.
Vào mạng xã hội: đọc là... tin
Hiện trên Internet có rất nhiều mạng xã hội (MXH) với mục đích chung là kết nối, chia sẻ giữa các thành viên với nhau. Bên cạnh những MXH đại chúng như Facebook, Twitter, Google+, Zalo..., còn có những MXH mang tính chuyên biệt hơn, dành cho một số cộng đồng nhất định như LinkedIn, Xing, Viadeo...
Và cũng như đời thực, thành viên của các cộng đồng này cũng "thượng vàng hạ cám". Không những thế, đối với ngay cả những thành viên nổi trội trong cộng đồng thì không phải lúc nào chia sẻ của họ cũng là hữu ích hay không có dụng ý cá nhân.
Với việc tiếp cận Internet dễ dàng, số lượng người dùng MXH ở Việt Nam đang ngày càng tăng nhanh, đặc biệt là Facebook. Tại Việt Nam, Facebook được coi là MXH lớn nhất khi có gần 50 triệu người dùng.
Một thống kê mới đây của Facebook cho biết trung bình 9/10 người sử dụng điện thoại ở Việt Nam có điện thoại thông minh. Hơn thế nữa, trung bình mỗi ngày, những người này bỏ ra khoảng hai giờ rưỡi để vào mạng Internet.
Nhưng thói quen sử dụng Facebook, theo quan sát của người viết, có sự khác nhau giữa người Việt và người phương Tây. Trong khi phần lớn người phương Tây sử dụng Facebook như một kênh để theo dõi thông tin bổ trợ, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân thì người Việt có vẻ làm ngược lại.
Có thể nói ở Việt Nam, thông tin được tham vấn từ Facebook áp đảo so với các phương tiện thông tin truyền thông khác, nên đây là nơi tập trung lượng thông tin vô cùng phong phú.
Chính vì sự phụ thuộc nhiều vào nguồn tin từ Facebook, cho nên khi thiếu những kỹ năng cần thiết trong việc suy luận, kiểm chứng thì việc vội tin tưởng và chia sẻ rộng rãi là tiêu cực không chỉ với cá nhân mà cả với cộng đồng.
Rất nhiều người vội tin và chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, phổ biến nhất là những thông tin liên quan đến sức khỏe, như chữa bệnh bằng cây cỏ (chưa qua kiểm định lâm sàng hay chứng nhận của y học cổ truyền), thậm chí không dùng văcxin.
Thói quen sử dụng và những kỹ năng cần thiết khi tham gia MXH là một bộ lọc hữu hiệu để phòng tránh những thông tin giả và độc hại. Một khi chưa thật chắc thông tin là khả tín và có ích, mỗi người dùng có lẽ nên nhịp ngón 7 lần trước khi like hay share
VÕ ĐÌNH TRÍ
Cần hoài nghi và biết kiểm tra
Để tránh ngộ độc thông tin trên MXH, theo kinh nghiệm của người viết, có thể thực hiện một số cách thức như sau:
Thứ nhất, thói quen sử dụng của người dùng sẽ "định hướng" các thông tin được nhận ưu tiên theo thuật toán của Facebook. Do đó, nếu người dùng theo dõi hay có phản hồi với những trang hay cá nhân nghiêm túc, thì tần suất xuất hiện các thông tin rác sẽ giảm đi rất nhiều.
Bên cạnh đó, nếu không thích loại tin tức nào thì cần cho Facebook biết, qua việc bấm vào "không tiếp tục theo dõi" hay "không muốn nhận những tin tương tự/liên quan".
Tiếp đến, khi đọc được thông tin mới lạ, cần biết hoài nghi và kiểm tra nguồn tin. Đơn giản nhất là kiểm tra sơ lược thông tin được công khai của người đưa tin.
Nếu thông tin mập mờ, thời gian tham gia cộng đồng ngắn thì độ tin cậy là rất thấp. Ngay cả thông tin được chia sẻ từ một người nổi bật trong cộng đồng thì cũng cần kiểm tra thêm vì vẫn có khả năng thông tin được truyền tải không đầy đủ, có dụng ý riêng.
Nếu thông tin đến từ một website, có thể kiểm tra tính an toàn của website đó (có chuẩn https hay không), kiểm tra ai là người quản lý/sở hữu tên miền thông qua trang https://whois.icann.org, hay Google từ khóa đang hoài nghi bằng tiếng Anh để tìm hiểu thêm thông tin.
Bên cạnh tạo bộ lọc cho mình, với những thông tin chưa được kiểm chứng hay chưa chắc có lợi cho cộng đồng thì khoan bấm like hay share. Vì việc lan tỏa thông tin trong trường hợp này sẽ như cấp số nhân. Hiệu ứng càng mạnh hơn khi người chia sẻ là người có uy tín nhất định trong những mạng lưới của mình.
Pháp sẽ có luật về chống tin giả
Tin giả cũng là chuyện đau đầu ở các nước phát triển khi tự do ngôn luận bị lợi dụng ở các nước này.
Năm 2016 ở Pháp, một số trang web về chống phá thai với thông tin sai lệch có chủ ý được lan truyền nhanh chóng trên các MXH, và trở thành những trang web được tìm kiếm nhiều nhất với từ khóa liên quan, thay vì các trang web chính thống.
Sự việc thu hút dư luận đến mức các nhà lập pháp phải can dự. Và mới đây, tổng thống Pháp tuyên bố sẽ sớm có luật về chống tin giả, sau khi ông cũng là nạn nhân trong chiến dịch bầu cử vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận