Nhưng sự thật đó cũng rất cần thiết lúc này cho cơ quan quản lý, các nhà làm chính sách y tế nhận diện điều gì đang xảy ra với ngành.
Phải khẳng định chương trình thí điểm đào tạo bác sĩ thực hành 18 tháng tại bệnh viện đa khoa gắn liền với trạm y tế và kết thúc bằng một ngày hội việc làm là sự sáng tạo của ngành y tế TP.HCM.
Đúng nghĩa "một mũi tên, trúng nhiều đích" - giúp các bệnh viện tuyển dụng đúng người, bác sĩ trẻ chọn đúng nơi muốn gắn bó. Và thay vì phải đi xin việc như trước đây, các bác sĩ có quyền được chọn lựa một nơi phù hợp với năng lực, chuyên môn và sở thích của mình.
Đặc biệt, ngày hội việc làm này còn là một "phép thử" giúp ngành y tế có được một bức tranh cung - cầu về thị trường tuyển dụng thực tế của ngành. Có đến 13/64 cơ sở y tế (chủ yếu là trung tâm y tế khu vực vùng ven) không tuyển được bác sĩ. Một số chuyên ngành rất vắng bác sĩ dự tuyển như tâm thần, chưa kể có chuyên ngành không có ai lựa chọn như bác sĩ cấp cứu ngoại viện.
Rõ ràng một bác sĩ trẻ giỏi bây giờ có nhiều sự lựa chọn tốt cả về thu nhập và môi trường làm việc. Thay vì về cơ sở, họ có thể chọn bệnh viện công "có tiếng" hoặc đầu quân cho một bệnh viện tư nhân nào đó.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ khi nói về vấn đề này khẳng định chính quyền TP.HCM đã rất "ưu ái" cho địa phương nhiều cơ chế đặc thù.
Cần Giờ cũng đã "lót ổ" bằng rất nhiều chính sách như bố trí nhà công vụ, tạo điều kiện học sau đại học, "chia sẻ" tiền tiết kiệm cơ quan và mở ra cơ hội thăng tiến nghề nghiệp... nhưng vẫn không thể thu hút được các bác sĩ về công tác.
Về lý thuyết, các bác sĩ có khoảng sáu khoản thu nhập gồm: lương cơ bản, thu nhập tăng thêm, tiền trực, phụ cấp độc hại, công mổ và các chi phí dịch vụ khác... Nhưng thực tế còn tùy vào chuyên khoa, thứ hạng và tình trạng "sức khỏe tài chính" của bệnh viện.
"Có khi thu nhập tụt xuống còn gần 6 triệu đồng/tháng, chưa bằng thu nhập của một công nhân lao động phổ thông", một bác sĩ trẻ rầu rĩ nói.
Vậy vấn đề mấu chốt nằm ở đâu?
Vẫn là ở lương bổng, phụ cấp, môi trường làm việc và cơ hội học tập. Rõ ràng thời gian học tập, áp lực nghề nghiệp và nhu cầu cuộc sống, các bác sĩ trẻ đang đòi hỏi được sự quan tâm ở một cấp độ cao hơn.
Và để giải quyết, đòi hỏi một quyết sách ở tầm vĩ mô, chứ chỉ phụ thuộc vào một cơ sở y tế, một địa phương, một ngành khó có thể giải quyết.
Ở rất nhiều hội nghị, trong các đợt dịch COVID-19 và ngày kỷ niệm nghề y 27-2, chúng ta vẫn thường nghe rất nhiều lời tôn vinh dành cho các bác sĩ, nào là "người hùng thầm lặng", "chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch", "thầy thuốc như mẹ hiền". Dĩ nhiên, với lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, nghề y vẫn luôn phải thế.
Nhưng phải chi các mỹ từ hô hào tôn vinh này được hiện thực hóa bằng một chính sách cụ thể, nhanh chóng, sát sườn sẽ giúp các bác sĩ trẻ bớt đi phần nào nỗi lo "cơm, áo, gạo, tiền" để yên tâm thực hiện nhiệm vụ cao cả - chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận