Tự chủ đại học là một trong những điều kiện tiên quyết để trường phát triển. Trong ảnh: sinh viên đại học Sài Gòn trong giờ học - Ảnh: TỰ TRUNG
Cả nước hiện có 237 trường đại học. Nếu tất cả hiệu trưởng đều chăm lo nâng cao chất lượng, xây dựng "thương hiệu", uy tín cho trường như một số trường đang thí điểm tự chủ chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều so với chỉ để cơ quan chủ quản hay Bộ GD-ĐT lo. Đây là cơ chế chúng ta phải theo và phải thực hiện cho được.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT - khẳng định thúc đẩy và mở rộng tự chủ đại học là tất yếu.
Từ hỗ trợ ngân sách sang đầu tư mục tiêu
* Việc thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá có chuyển biến tích cực. Theo bà, các trường đã tự chủ đúng hướng hay chỉ mới về tài chính?
- Thực tế, hoạt động chuyên môn là lĩnh vực quan trọng nhất cần được tự chủ đầu tiên và các trường đã có quyền tự chủ ở mức độ khá cao trong hoạt động chuyên môn. Về tài chính, tài sản, tổ chức và nhân sự, các trường công vẫn phải thực hiện các quy định về thủ tục, thẩm quyền, chế độ tuyển dụng và thôi việc...
Như vậy, để các trường được thực sự tự chủ, trước hết cần chuyển nhanh từ hỗ trợ ngân sách theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đầu tư theo mục tiêu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Nhà nước tạo cơ chế thuận lợi và quy định trách nhiệm của các bên trong mối quan hệ hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, trong việc thương mại hóa sản phẩm khoa học... để tạo điều kiện tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ, phục vụ cộng đồng... Học phí được tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo, công khai, minh bạch để thị trường lựa chọn.
* Tuy nhiên, thưa bà, có một thực tế đang khiến các trường trăn trở là làm sao để tự chủ mà không vướng luật?
- Vấn đề tự chủ bao trùm lên tất cả mọi hoạt động của nhà trường chứ không chỉ là ba lĩnh vực thường được nhắc đến: hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự và tài chính.
Trường đại học hoạt động không chỉ tuân theo Luật giáo dục đại học mà là một thực thể. Mỗi hoạt động của trường đều có luật tương ứng điều chỉnh. Luật giáo dục đại học không thể giải quyết hết tất cả hoạt động của trường đại học.
Thời gian qua có rất nhiều kiến nghị rằng các luật phải đồng bộ với nhau thì trường đại học mới có thể tự chủ được. Vì vậy, Luật giáo dục đại học đã được sửa đổi nhưng hiện còn rất nhiều luật liên quan như Luật đầu tư công, Luật ngân sách, Luật công chức viên chức... đang được sửa đổi. Nếu các luật đồng bộ được thì hiệu quả tự chủ sẽ rất tốt.
Giảm dần vai trò cơ quan chủ quản
* Theo các trường, một số cơ quan chủ quản trường đại học ban hành những quy định có nội dung mâu thuẫn với Luật giáo dục đại học. Trong tình huống đó, theo bà, các trường nên làm gì?
- Nếu cơ quan chủ quản trường đại học ban hành những quy định dưới luật mâu thuẫn với Luật giáo dục đại học thì giải quyết mâu thuẫn này đã có trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đó là nếu có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì thực hiện theo quy định tại văn bản có cấp độ hiệu lực cao hơn.
Trường hợp cùng cấp độ hiệu lực thì thực hiện theo quy định tại văn bản ban hành sau. Vì vậy, luật đã quy định vấn đề tự chủ giao cho hội đồng trường rồi mà cơ quan chủ quản nào còn ban hành quy định trái với quy định đó thì trường cứ làm theo luật. Văn bản của cấp bộ không thể phủ được luật.
Tuy nhiên, tôi được biết nhiều trường cho rằng cơ quan chủ quản đang chi phối nhiều về công tác nhân sự.
Về việc này, điều 16 quy định về hội đồng trường đại học công lập có nội dung quy chế tổ chức hoạt động của trường phải quy định cụ thể về "thủ tục hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng và các chức danh quản lý khác của trường đại học trong quy trình bổ nhiệm nhân sự".
* Luật giáo dục đại học được xây dựng phù hợp với xu hướng giảm dần vai trò của cơ quan chủ quản, trong khi các trường mong muốn tiến tới xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản và tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm?
- Trong hoạt động chuyên môn và tổ chức, cơ quan chủ quản sẽ quản lý trường thông qua đại diện mà mình cử vào hội đồng trường, công nhận hiệu trưởng, công nhận hội đồng trường, tiếp nhận báo cáo và yêu cầu giải trình... chứ không theo kiểu chỉ đạo trực tiếp, cấp biên chế... từ trên xuống nữa.
Với tinh thần xây dựng luật theo cách như thế, chúng ta đã thực hiện giảm dần vai trò của cơ quan chủ quản. Hoặc sau này khi trường công tự chủ hoàn toàn kinh phí, chế độ công chức, viên chức thay đổi... thì vai trò của cơ quan chủ quản ngày càng mờ đi.
Phải đặt trong "quy trình bổ nhiệm nhân sự"
Mặc dù luật quy định hội đồng trường được quyết định nhân sự hiệu trưởng nhưng vẫn phải đặt trong "quy trình bổ nhiệm nhân sự" là các quy định của Đảng, luật liên quan đến công chức viên chức... chi phối.
Do đó, việc này vẫn còn có sự chi phối bởi một số quy định, cơ quan có thẩm quyền chứ không chỉ là quyền độc lập của hội đồng trường. Khi sửa các luật khác cần tiếp nối tinh thần của Luật giáo dục đại học có cơ chế tự chủ đồng bộ cho các trường công để cơ quan chủ quản không chi phối trực tiếp, tránh ảnh hưởng đến hiệu quả tự chủ của nhà trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận