13/06/2019 11:03 GMT+7

Tự chủ đại học: Khi trường bỏ cơ quan chủ quản

TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ
TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ

TTO - Xung đột giữa Trường ĐH Tôn Đức Thắng và cơ quan chủ quản (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) vừa bùng nổ làm nóng trở lại vấn đề tự chủ đại học, trong đó nổi lên câu chuyện vai trò hội đồng trường và cơ quan chủ quản.

Tự chủ đại học: Khi trường bỏ cơ quan chủ quản - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân trong một buổi học với giảng viên là người nước ngoài - Ảnh: NAM TRẦN

Trong khi đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (ĐH) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7 được đánh giá cởi mở hơn trong vấn đề trao quyền tự chủ cho các trường.

Chính phủ vừa có nghị quyết đồng ý cho phép thí điểm mở rộng quyền tự chủ của ba trường ĐH. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT xây dựng cơ chế thí điểm mở rộng quyền tự chủ cho ba trường ĐH là Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Các trường này sẽ được mở rộng quyền tự chủ trong quản lý tài chính, tài sản và sử dụng tài sản công, giấy phép cho lao động nước ngoài, kéo dài tuổi hưu của chủ tịch hội đồng trường...

Sẵn sàng tự chủ toàn diện

Trước đó nữa, hồi tháng 4-2018, đích thân bộ trưởng Bộ GD-ĐT mời lãnh đạo ba trường trên làm việc về chủ trương yêu cầu các trường xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản (Bộ GD-ĐT), trình bộ này trong tháng 8-2018.

Theo đó, ba trường ĐH công này sẽ là những trường tiên phong thực hiện cơ chế bỏ cơ quan chủ quản. Ngay sau đó, lãnh đạo các trường này hào hứng bắt tay ngay vào việc xây dựng đề án để "thoát ly" cơ quan chủ quản vì cho rằng lúc đó bộ chủ quản chỉ làm chức năng quản lý nhà nước và trường được tự chủ hoàn toàn.

PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt - chủ tịch hội đồng tư vấn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết: "Việc Bộ GD-ĐT chọn ba trường trên do đây là những trường thực hiện thành công thí điểm cơ chế tự chủ theo quyết định của Chính phủ".

Đến nay, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã hết thời hạn thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ theo quyết định của Chính phủ. PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt cho rằng thực chất của việc bỏ bộ chủ quản là xác lập đúng vai trò của Bộ GD-ĐT trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giáo dục. Đề án sẽ giúp cho sự vận hành tự chủ của trường ĐH một cách đúng nghĩa.

Theo đề án đã xây dựng, hội đồng trường hoạt động thực chất qua việc thảo luận, ra nghị quyết về mục tiêu, phương hướng, kế hoạch phát triển, quy chế tổ chức hoạt động, các vấn đề tổ chức nhân sự, tài chính, tài sản... Đồng thời giám sát hoạt động của trường trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình.

"Nói chung lúc đó vai trò của hội đồng trường hết sức quan trọng. Tất cả những chủ trương mang tính chiến lược của nhà trường đều thông qua hội đồng trường" - bà Nguyệt chia sẻ.

Lãnh đạo trường này còn cho biết trong thời gian thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ vừa qua trường đã làm được nhiều việc cho nhà trường, xã hội và người học. Nhà trường có thêm nguồn lực để đầu tư cho các dự án trên cơ sở sự năng động, tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Đến nay, trường đang vận hành tạm ổn nhưng cơ chế tự chủ nhà trường thực hiện vừa qua chỉ là thí điểm. Đề án nhà trường xây dựng để trường chính thức được tự chủ và đã trình Bộ GD-ĐT.

"Nay trường được Chính phủ cho phép tiếp tục thí điểm mở rộng tự chủ, các hoạt động liên quan đến quản trị, tự chủ trong học thuật và nhân sự của nhà trường sẽ được linh hoạt hơn.

Trong đề án, nhà trường cũng đã kiến nghị, mong muốn có những văn bản chính thức về tự chủ, hành lang pháp lý cụ thể và xác lập mối quan hệ với một số bộ khác. Trường chúng tôi sẵn sàng để được tự chủ toàn diện, không có bất kỳ khó khăn nào" - bà Nguyệt khẳng định.

Tuy nhiên, đến nay Chính phủ mới chỉ cho phép ba trường này tiếp tục thí điểm mở rộng quyền tự chủ, còn việc "thoát ly" bộ chủ quản vẫn chưa được đề cập.

Tự chủ đại học: Khi trường bỏ cơ quan chủ quản - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ GD-ĐT

Chưa thay đổi lớn

Dù chủ trương bỏ cơ quan chủ quản với trường ĐH công lập đã được xác lập từ lâu, nhưng đến thời điểm này vẫn chỉ có một trường công duy nhất xóa bỏ cơ quan chủ quản là Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội.

Thực tế, lịch sử "thoát ly" cơ quan chủ quản của Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội theo chia sẻ của lãnh đạo trường không phải xuất phát từ một chủ trương được nuôi lớn từ trước, mà đặt trong tình thế "không thể khác".

Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội trước đây thuộc chủ quản của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2015 tập đoàn cổ phần hóa. Theo luật, khi đó tập đoàn không thể là cơ quan chủ quản của một trường ĐH công lập được nữa. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực của ngành rất lớn, đòi hỏi đào tạo cấp bách vì nhân lực đang thiếu hụt trầm trọng.

Trước bối cảnh đó, trường được Thủ tướng cho phép thí điểm trở thành trường ĐH công lập đầu tiên không có cơ quan chủ quản. Trong quyết định, Thủ tướng nêu rõ chủ tịch hội đồng trường nhiệm kỳ 1 do Bộ Công thương chỉ định, còn việc công nhận hiệu trưởng cũng do bộ này bổ nhiệm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Xuân Hiệp - hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ với cơ chế không có cơ quan chủ quản, trường được chủ động nhiều hơn và ít phải báo cáo hơn. Trong đó, vấn đề tự chủ nhân sự vốn là vướng mắc thì Trường ĐH Công nghiệp dệt may hầu như không gặp khó khăn gì. Theo đó, chỉ có ban giám hiệu do cơ quan cấp trên bổ nhiệm, còn nhân sự phía dưới là do trường quyết định và tự bổ nhiệm.

Kể cả việc thành lập hay giải thể một đơn vị cũng thuộc thẩm quyền của trường, chỉ cần thực hiện theo đúng quy định trong quy chế tổ chức hoạt động do tập đoàn phê duyệt, mà không phải xin phép cơ quan cấp trên.

"Ở cơ chế không có cơ quan chủ quan thì hoạt động chủ động hơn. Mọi việc chỉ cần thông qua hội đồng trường và trong hội đồng trường đó đã có ý kiến của đại diện cơ quan quản lý tham gia, trường xử lý rất nhanh, không phải báo cáo qua nhiều cấp. Từ năm 2015 bỏ cơ quan chủ quản, quyền tự chủ nâng lên, trường tự chủ mở rộng ngành đào tạo cũng như ký kết hợp đồng với doanh nghiệp" - ông Hiệp nhấn mạnh.

Thế nhưng Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội đã thực sự được tự chủ hoàn toàn? "Luật đầu tư công còn đó, quy định về thang bảng lương của Bộ Nội vụ vẫn như vậy, nên thực sự chưa có thay đổi lớn. Những điểm vướng vẫn chưa được cởi. Ví dụ theo Luật đầu tư công, những công trình đầu tư bằng tiền tự có do trường tự tích lũy thì trường cũng không được tự quyết" - ông Hiệp trăn trở.

Ông Hiệp dẫn chứng thêm: theo luật này, cứ đầu tư công trình trên 100 triệu đồng là phải đấu thầu, đấu thầu là phải trình cấp trên theo đúng quy định, rồi cấp trên duyệt mới được làm. Nhưng hiện tại trường không còn cơ quan chủ quản thì cấp trên là ai?

"Hiện tại, Bộ Công thương "nhờ" Tập đoàn Dệt may Việt Nam quản lý trường theo văn bản đồng ý của Chính phủ. Như vậy, dù "thoát ly" cơ quan chủ quản, nhưng để đầu tư những công trình có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì vẫn phải nhờ tập đoàn để xin ý kiến", ông cho hay.

Theo ông Hiệp, Luật giáo dục đại học (sửa đổi) có một dòng để các trường có quyền "được tự quyết định" các khoản đầu tư từ nguồn do trường tự tích lũy, nên trường đang chờ luật có hiệu lực từ ngày 1-7 tới để vận dụng. "Lúc đó mới là mở, còn hiện nay chưa làm được gì" - ông Hiệp chia sẻ.

Tự chủ đại học: Khi trường bỏ cơ quan chủ quản - Ảnh 3.

Dữ liệu: TRẦN HUỲNH - Đồ họa: N.KHANH

Không họp được hội đồng trường do... bộ trưởng đi nước ngoài

Lãnh đạo nhiều trường ĐH cho rằng khi có bộ chủ quản thì tư duy muốn "quản" vẫn còn. Tại một trường ĐH, nhiều tháng liền không họp hội đồng trường được do chủ tịch hội đồng trường là bộ trưởng của bộ chủ quản nhà trường bận đi công tác, đi nước ngoài liên tục. Do đó, nhiều quyết sách quan trọng lẽ ra phải do hội đồng quyết định nhưng đều bị ách lại do không họp được.

"Tự chủ hiện nay của các trường ĐH chỉ là tự chủ nửa vời. Tất cả đầu tư công của các trường đều phải xin phép bộ chủ quản. Khi không còn bộ chủ quản, các trường ĐH sẽ phát triển nhanh do không có rào cản. Các nước chỉ quản chất lượng trường ĐH khi đăng ký kiểm định, còn lại do thị trường quyết định" - hiệu trưởng một trường ĐH đang được áp dụng cơ chế tự chủ nhận định.

4 mô hình tự chủ ĐH

Báo cáo tổng quan về xu thế quản trị ĐH trên thế giới của Ngân hàng Thế giới năm 2008 cho biết có bốn mô hình tự chủ ĐH như sau: nhà nước kiểm soát hoàn toàn (state control) như ở Malaysia, bán tự chủ (semi-autonomous) như ở Pháp và New Zealand, bán độc lập (semi-independent) ở Singapore và mô hình độc lập (independent) ở Anh, Úc. Nhưng dù là mô hình nào thì vẫn có sự kiểm soát của nhà nước theo tùy cấp độ.

Theo Hiệp hội các trường ĐH châu Âu, tự chủ ĐH được chia làm bốn lĩnh vực: tự chủ tổ chức, tự chủ nhân sự, tự chủ học thuật và tự chủ tài chính.

Về mặt quản trị, các trường được tự do hơn nhà nước và hội đồng trường có sự tham gia của các thành viên bên ngoài trường ngày càng nhiều. Các thành viên bên ngoài này được trường tự do bổ nhiệm hay chính phủ chỉ định tùy nơi.

Về học thuật, tự chủ học thuật cho phép trường tự quyết định chương trình học nội bộ và các vấn đề khác như tuyển sinh, nội dung học tập, đảm bảo chất lượng, giới thiệu các chương trình cấp bằng và ngôn ngữ giảng dạy. Ngoài ra, quyền quyết định chỉ tiêu và tiêu chí tuyển sinh cũng là các khía cạnh cơ bản của tự chủ học thuật.

Tự chủ nhân sự đề cập đến khả năng của trường ĐH trong việc tự do quyết định các vấn đề liên quan đến quản lý nguồn nhân lực, bao gồm tuyển dụng, trả lương, sa thải và thăng chức.

Về tài chính, trường ĐH được tự do quyết định các vấn đề tài chính nội bộ của mình. Khả năng quyết định học phí cũng đóng góp tỉ lệ đáng kể vào ngân sách ĐH trong một số hệ thống giáo dục ĐH. (Minh Khôi)

ĐH Tôn Đức Thắng: Nói trường ĐH Tôn Đức Thắng: Nói trường 'chống lệnh' là vu khống, bôi nhọ

TTO - Trường ĐH Tôn Đức Thắng phản đối việc Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đưa thông tin lãnh đạo trường chống lệnh cơ quan cấp trên. "Việc đưa thông tin này có ý bôi nhọ và vu khống lãnh đạo và toàn thể nhà trường"

TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp