Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đã từ chối việc vay vốn ODA mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, thay vào đó là tự huy động vốn tự có và vốn vay trong nước để triển khai dự án - Ảnh: Hữu Khá |
Sự kiện Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng xin không sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA) do Nhật Bản tài trợ để đầu tư mở rộng cảng Tiên Sa đã gây nên một sự ngạc nhiên trong cộng đồng doanh nghiệp.
Trong thời buổi khó khăn như hiện nay, việc doanh nghiệp tìm ra nguồn vốn để đầu tư là một bài toán khó, vậy mà lại có một doanh nghiệp trong nước - Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng - từ chối nguồn vốn ODA của nước ngoài.
Nhiều người cảm thấy vui mừng trước sự việc này vì cho rằng doanh nghiệp trong nước đã lớn mạnh, đủ sức để tự kinh doanh, tự huy động vốn, không lệ thuộc vào vốn viện trợ của nước ngoài. Điều này rất có ý nghĩa trong tình hình chúng ta đã ở trên ngưỡng các nước có mức thu nhập trung bình thấp và nguồn vốn ODA trong tương lai sẽ giảm dần, vì các nhà tài trợ sẽ rút dần để tài trợ cho các nước kém phát triển hơn.
Ai cũng biết khi cấp vốn tài trợ ODA thì phần lớn các nước tài trợ bao giờ cũng thường áp đặt một số điều kiện vay vốn, đặc biệt là phải sử dụng nhà thầu và thiết bị của nước tài trợ.
Vì bắt buộc phải sử dụng thiết bị, công nghệ, nhà thầu của nước tài trợ, chúng ta phải chấp nhận rất nhiều thiệt thòi về giá cả, lựa chọn nhà thầu và công nghệ, cuối cùng doanh nghiệp vay vốn ODA với lãi suất thấp nhưng tính tổng thể cũng không rẻ hơn vay trên thị trường thương mại là bao.
Đó là chưa kể trong thời gian qua, nhiều nhà thầu nước ngoài lợi dụng tư cách là nước tài trợ vốn ODA đã chây ì, gây chậm trễ tiến độ dự án hoặc cung cấp hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế nước ta.
Thêm vào đó, doanh nghiệp từ chối ODA là để họ có thể tự mình huy động vốn, tự mình lựa chọn công nghệ hợp lý, tự chọn chủng loại thiết bị và nhà thầu sao cho hiệu quả nhất. Để làm được việc này đòi hỏi chủ đầu tư phải có tiềm lực rất lớn về tài chính, có uy tín trên thương trường để huy động vốn trên thị trường chứng khoán hoặc thông qua hệ thống tín dụng trong nước.
Nếu ngày càng có nhiều doanh nghiệp tự chủ làm được việc này thì việc từ chối vốn ODA là một tín hiệu tích cực, đưa nền kinh tế chúng ta không còn lệ thuộc vào tài trợ vốn của nước ngoài như trước đây. Điều đó chứng minh rằng chúng ta có thể phát triển kinh tế dựa trên đôi chân mình chứ không còn sống nhờ vào viện trợ.
Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu vui này vẫn có nỗi lo. Cái lo lớn nhất là doanh nghiệp khi từ chối nguồn vốn ODA có đủ tự tin, tiềm lực để thực hiện dự án hay không? Bởi lẽ nếu doanh nghiệp “đánh trống bỏ dùi” thì ngoài doanh nghiệp bị thiệt hại về kinh tế, quan hệ giữa chúng ta và nhà tài trợ cũng rạn nứt, họ cũng sẽ giảm hoặc chuyển dần tài trợ sang nước khác.
Cái lo thứ hai chính là có những luồng dư luận tiêu cực về vấn đề từ chối vay vốn ODA. Chúng ta đều biết nếu sử dụng vốn ODA thì chủ đầu tư khó lòng can thiệp vào việc chọn nhà thầu cung cấp thiết bị, nhà thầu xây dựng... vì nước tài trợ vốn sẽ gần như chỉ định các nhà thầu của họ tham gia.
Việc “đi đêm” với các nhà thầu nước ngoài trong trường hợp này rất khó, vì các nhà thầu nước ngoài lúc này ở “kèo trên”. Trong khi đó, việc chọn thầu là mảnh đất màu mỡ cho những tiêu cực. Việc nhà thầu “đi đêm” với chủ đầu tư để được trúng thầu hoặc chỉ định thầu xảy ra ở rất nhiều dự án trong nước.
Vì vậy cũng có thể sẽ xảy ra trường hợp chủ đầu tư từ chối vay ODA để dễ bề “làm luật” với các nhà thầu trong nước. Cũng có thể chủ đầu tư nhận thức được việc vay vốn trong nước không hiệu quả bằng nhưng vì cái lợi riêng cho bản thân họ sẵn sàng từ chối vay ODA.
Như vậy, việc từ chối vay vốn ODA phải xét cả trên hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Mong rằng xu thế tích cực là chủ yếu, là xu thế phát triển của VN trong những thập kỷ tới vì lúc đó nguồn vốn ODA cho VN sẽ chấm dứt và chúng ta phải phát triển kinh tế bằng chính nội lực của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận