07/08/2015 07:58 GMT+7

Từ chiếc xe đạp của Tuổi Trẻ

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TT - Không chỉ giúp tôi nuôi dưỡng nghề báo, Tuổi Trẻ còn trao cho tôi ý tưởng làm chương trình học bổng, một hoạt động phía sau trang báo rất ý nghĩa mà tờ báo đã làm nhiều năm qua, tiếp sức cho không biết bao nhiêu người vượt khó thành công.

Tác giả Lưu Đình Long (phải) trao học bổng “Ước mơ xanh” năm 2014 cho bạn Tăng Quang Tú (xã Quế Trung, Nông Sơn, Quảng Nam) - Ảnh: T.K.
Tác giả Lưu Đình Long (phải) trao học bổng “Ước mơ xanh” năm 2014 cho bạn Tăng Quang Tú (xã Quế Trung, Nông Sơn, Quảng Nam) - Ảnh: T.K.

Một ngày cuối tháng 6-2003, tôi nhận được tin báo Tuổi Trẻ sẽ tặng cho mình một chiếc xe đạp từ chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 162. Lúc đó tôi - một học trò nghèo vừa tốt nghiệp trung học phổ thông - đã mừng rơi nước mắt.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết Tuổi Trẻ. Cầm tờ báo trong buổi nhận quà tặng, tôi đã mơ ước mình sẽ thi đậu vào ngành mình vừa đăng ký: báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM. Và mùa tuyển sinh năm 2003 tôi đã đạt được mơ ước ấy như niềm mong của tôi và của mẹ.

Chiếc xe đạp của báo Tuổi Trẻ tặng gắn bó với tôi suốt hai năm đầu đại học, đưa tôi vượt qua con đường nắng chang chang dẫn từ ký túc xá đến trường. Chiếc xe đạp ấy cũng chính là phương tiện để tôi đi làm thêm trong năm đầu đại học, nuôi nấng ước mơ làm báo của cậu học trò nghèo.

Cũng từ những năm đại học, tôi tiếp xúc với Tuổi Trẻ thông qua những trang báo dán ở bảng tin của ký túc xá. Vào khoảng giữa năm hai đại học, tôi tập tành viết, tập tành học cách gửi bằng email cho tòa soạn. Phương tiện tôi đi tìm kiếm đề tài vẫn là chiếc xe đạp của Tuổi Trẻ.

Bài báo đầu tiên tôi được đăng là một mẩu nhỏ trong mục “Tản mạn cuối tuần” của Tuổi Trẻ và nhuận bút lần đầu tiên tôi nhận được là 180.000 đồng - một số tiền khá lớn đối với sinh viên ngày ấy (vì thời đó cơm ký túc xá chỉ có 3.000 đồng/đĩa).

Bắt được nhịp viết ấy, tôi trở thành cộng tác viên của báo qua những bài ý kiến, hình ảnh “thấy & viết"... giúp tôi có nhuận bút để trang trải học hành, đời sống, vượt qua được bốn năm đại học.

Năm 2007, tôi nghĩ tới việc “sẽ làm gì đó” cho học trò nghèo quê mình (Nông Sơn, Quảng Nam). Trước đó, tôi đọc bài “Đáp đền tiếp nối” trên báo Tuổi Trẻ ngày 4-11-2006 và đồng cảm với ý tưởng “khi ai đó giúp đỡ bạn, xin đừng trả ơn mà hãy làm ơn cho ba người khác và ba người sẽ giúp chín người, chín người sẽ giúp 27 người, cứ thế mà tiếp nối và mọi người sẽ mang lại điều tốt cho nhau...”. Tôi đã được cổ vũ rất nhiều từ quà tặng chiếc xe đạp của báo Tuổi Trẻ, tôi chắc rằng những học trò nghèo quê tôi cũng sẽ được cổ vũ như thế nếu như được nhận một học bổng.

Tôi dành dụm tiền nhuận bút và phát động, nhận về những chia sẻ từ những người bạn thân thiết của mình rồi tổ chức học bổng nhỏ đặt tên là “Ước mơ xanh”.

Học bổng đầu tiên được trao nhân mùa tuyển sinh năm 2007 cho bạn Nguyễn Thái Bình (Trường THPT Nông Sơn, Quảng Nam). Và may mắn cho tôi là bạn ấy đã đỗ thủ khoa vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM.

Nói là may mắn, bởi vì chính nhờ như thế tôi mới có thêm động lực tiếp tục đeo đuổi, thực hiện học bổng nho nhỏ ấy dành cho học trò quê mình. Và đến nay đã là năm thứ 9 tôi thực hiện học bổng "Ước mơ xanh", mỗi năm 3 suất (1 triệu đồng/suất) tặng cho các bạn học trò ở Nông Sơn đỗ vào đại học.

Mời bạn đọc viết “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi”  

Trong suốt 40 năm hình thành và phát triển (2-9-1975 - 2-9-2015), báo Tuổi Trẻ đã nhận được sự gắn bó, sẻ chia của biết bao thế hệ bạn đọc.

Không chỉ với tư cách người đọc báo mà bạn đọc còn cùng làm báo, góp sức, hiến kế để Tuổi Trẻ ngày càng lớn mạnh, vững vàng và chuyên nghiệp hơn.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập báo, như một sự tri ân bạn đọc, tòa soạn báo Tuổi Trẻ tổ chức tuyến bài trên trang bạn đọc mang chủ đề “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi” để bạn đọc chia sẻ những câu chuyện kỷ niệm với Tuổi Trẻ.

Đó có thể là câu chuyện, là bài học rút ra từ chính những nhân vật của Tuổi Trẻ như những tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường, những nông dân chân chất với chương trình Tiếp sức nhà nông... chia sẻ những hỗ trợ để họ vượt qua lúc khó khăn nhất trong cuộc đời và bắt đầu gặt hái được thành công.

Đó có thể là câu chuyện của chính những người “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” khi chia sẻ thông tin đến đường dây nóng, đồng thời lăn lóc cùng phóng viên Tuổi Trẻ thâm nhập thực tế với ước mong ngăn chặn cái xấu, tìm lại sự công bằng cho người yếu thế, những số phận kém may mắn.

Đó cũng có thể là những tâm tình của bạn đọc khi gửi gắm những kỳ vọng đến Tuổi Trẻ, khi cảm nhận được những điều mới mẻ từ những bài học vượt khó của các nhân vật mà Tuổi Trẻ giới thiệu.

Và đó cũng có thể là những hiến kế khả thi mà bạn đọc đề nghị báo Tuổi Trẻ thực hiện để góp phần nâng chất lượng tờ báo với mục tiêu phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Báo Tuổi Trẻ hi vọng sẽ đón nhận được nhiều bài viết chia sẻ về chủ đề “”.

Những bài viết hay, tâm huyết sẽ được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ và 20 tác giả có bài viết hay, hiến kế thiết thực sẽ tham gia giao lưu, nhận quà tặng trong dịp kỷ niệm 40 năm của Tuổi Trẻ.

Bài viết chia sẻ vui lòng gửi đến báo Tuổi Trẻ qua đường bưu điện: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ghi rõ: Tham gia "Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi) hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected].

Thời gian nhận bài từ ngày 1-8-2015 đến 22-8-2015.

 

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp