18/10/2018 15:57 GMT+7

Từ câu chuyện thanh long, nhìn sang nông nghiệp Thái

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Là một nước có nền nông nghiệp phát triển, Thái Lan cũng từng trải qua những giai đoạn khó khăn và trăn trở. Tuy nhiên, thế mạnh lớn nhất họ có được là một triết lý đúng đắn về làm nông.

Từ câu chuyện thanh long, nhìn sang nông nghiệp Thái - Ảnh 1.

Một phụ nữ bán trái cây ở khu chợ nổi Damnoen Saduak gần Bangkok - Ảnh: livingnomads

Đối với Thái Lan, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 là một bài học đắt giá về tăng trưởng mất cân bằng và không bền vững. Nguyên nhân một phần xuất phát từ quá trình phát triển kinh tế, xã hội không phù hợp, trong đó nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn ngoại và các thị trường bên ngoài.

Khu vực sản xuất, trong đó gồm nông nghiệp, chủ yếu định hướng xuất khẩu để kiếm ngoại tệ. Kết quả là nông dân ở một số khu vực phải mua gạo để ăn dù họ trồng lúa. Khủng hoảng xảy ra khi sản xuất mở rộng nhưng lại không có người mua…

"Nền kinh tế sung túc"

Từ năm 1973, trong nhiều dịp phát biểu trước thần dân, cố Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej nhấn mạnh định hướng phát triển dựa trên sự đầy đủ, vừa phải, tiết kiệm, hợp lý hóa, và hình thành nên "miễn dịch xã hội" cho đại đa số người dân làm nông nghiệp.

Nhà vua cảnh báo người Thái không được vô tâm trong lối sống, dù là để kiếm tiền, cần phải có quá trình phát triển thuận theo những lý thuyết đúng đắn và luôn nằm trong khuôn khổ đạo đức. Triết lý này được biết đến với tên gọi "Nền kinh tế sung túc".

Khi đất nước trải qua cuộc khủng hoảng tài chính 1997, nhà vua nhắc nhở thần dân sự cần thiết phải tự chủ. Trong bài phát biểu nhân dịp sinh nhật ngày 4-12-1997, ông giải thích rõ:

"Gần đây, có nhiều dự án đã được triển khai, nhiều nhà máy được xây dựng, người ta nghĩ Thái Lan sẽ trở thành một con hổ bé, rồi thành một con hổ lớn. Mọi người phấn khích về chuyện trở thành một con hổ… Là hổ không quan trọng, điều quan trọng đối với chúng ta là có một nền kinh tế sung túc. Một nền kinh tế sung túc nghĩa là có đủ để nuôi chính chúng ta…".

"Nền kinh tế sung túc" không phải là lý thuyết về cách nền kinh tế của một quốc gia vận hành, đây chỉ là kim chỉ nam trong việc đưa ra quyết sách đúng đắn, có lợi cho sự phát triển, theo cách giải thích của Ủy ban Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDB) – cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm chính thi hành.

Từ câu chuyện thanh long, nhìn sang nông nghiệp Thái - Ảnh 2.

Quốc vương Bhumibol Adulyadej hướng dẫn nông dân Thái canh tác và làm thủy lợi - Ảnh tư liệu

Tầm nhìn của nhà vua

Thái Lan nằm ở một khu vực giàu về đa dạng sinh học, đất đai trồng được nhiều cây lương lực. Từ ngàn xưa, người Thái đã sống với nghề trồng trọt, phát triển nhờ sự phì nhiêu của đất đai, biển cả và sông ngòi.

Cố quốc vương Bhumibol hiểu rất rõ điều đó. Ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng tuyệt đối của đất và nước, hai yếu tố cần thiết trong phát triển nông nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà có đến khoảng 2.000 dự án phát triển tài nguyên nước do Hoàng gia Thái triển khai trên khắp đất nước.

Từ chuyến vi hành đầu tiên khi lên nắm quyền, vua Bhumibol tiếp xúc trực tiếp với nông dân, hỏi han về điều kiện sống của họ, kiểm tra những tấm bản đồ do ông vẽ, chụp ảnh và ghi chép lại tất cả thứ cần nhớ. Người Thái có câu nói "không có nơi nào trên đất nước này chưa từng in dấu chân nhà vua" cũng là từ đây mà ra.

Từ câu chuyện thanh long, nhìn sang nông nghiệp Thái - Ảnh 3.

Không chỉ là nhà lãnh đạo, quốc vương Bhumibol Adulyadej còn là một nhà sáng chế. Ông có rất nhiều phát minh hỗ trợ nông dân, trong đó đáng chú ý nhất là kỹ thuật làm mưa nhân tạo - Ảnh tư liệu

Hiểu được những khó khăn của nông dân, đặc biệt là vấn đề thiếu nước trong mùa khô, vua Bhumibol nghĩ ra "Lý thuyết mới" về nông nghiệp dựa trên triết lý "Nền kinh tế sung túc".

Ông chia 15 rai (24.000m2) đất canh tác của một gia đình trung bình theo tỉ lệ 30:30:30:10, trong đó 30% dùng để đào ao chứa nước đủ dùng cho 1 năm (tính cả yếu tố hạn hán) kết hợp nuôi trồng thủy sản, 30% để trồng lúa, 30% để trồng cây ăn trái, rau, cây theo mùa và 10% cho các hoạt động khác.

"Lý thuyết mới" về thực chất chính là phương pháp quản lý tài nguyên đất và nước cho các trang trại nhỏ trong điều kiện tự nhiên, cả trong thời gian bình thường và khủng hoảng. Nó được hướng dẫn chi tiết từng bước một và người nông dân có thể tự triển khai.

Năm 2007, Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ra thông cáo ghi nhận các hoạt động phát triển nông thôn của vua Bhumibol. Bản báo cáo tựa đề "Vua Bhumibol: Gieo một tương lai cho người nông dân" ca ngợi dưới sự lãnh đạo của nhà vua, Thái Lan đã phát triển hiệu quả từ một xã hội nông nghiệp nghèo thành một nước có thu nhập trung bình dẫn đầu thuộc khối ASEAN.

Quốc vương Bhumibol Adulyadej phát minh ra phương pháp làm mưa nhân tạo giúp người nông dân Thái vượt qua những trận hạn hán. Phương pháp này sau đó được châu Âu cấp bản quyền và được rất nhiều nước đến học hỏi, trong đó có Trung Quốc.

Quản lý nông nghiệp kiểu Thái Lan

Quản lý nông nghiệp trong "Lý thuyết mới" của Vua Bhumibol có 3 giai đoạn, có thể tóm tắt như sau:

1. Trong giai đoạn một, người nông dân hướng đến mục tiêu sản xuất đủ lương thực cho gia đình, sống trong một môi trường trong sạch, không ô nhiễm và có được sức khỏe tốt. Thực hiện bằng cách chia đất canh tác theo tỉ lệ 30:30:30:10 như hướng dẫn.

2. Trong giai đoạn hai, người nông dân được khuyến khích tập họp lại thành từng nhóm hoặc hợp tác xã để phối hợp trong nhiều hoạt động với cơ quan chính phủ chuyên trách, công ty tư nhân, quỹ đầu tư… ví dụ trong khâu hạt giống và cải tạo đất; cung cấp kho chứa, khu phơi sấy, phân phối, xây xát; trong khâu chế biến, ví dụ như làm mắm tôm, nước mắm, thực phẩm sấy; trong phúc lợi, ví dụ như chăm sóc y tế và cho vay; trong giáo dục, ví dụ như trường học và học bổng; và trong nhiều vấn đề xã hội, tôn giáo và cộng đồng khác…

Một khi nông dân liên kết với nhau, họ có thể giảm sự lệ thuộc vào các nhóm khác bên ngoài, đồng thời nâng cao sức mạnh thương lượng trong mua bán sản phẩm. Chi phí có thể giảm trong khâu vận chuyển và tiếp thị, và việc hoạch định sản xuất có thể được thực hiện vì lợi ích chung.

3. Giai đoạn thứ ba liên quan đến việc kết nối với các cơ quan và tổ chức khác về vốn, tiếp thị, năng lượng… để mở rộng hoạt động thương mại, ví dụ như mở nhà máy xay lúa, cửa hàng cộng đồng, trạm dịch vụ. Người nông dân sẽ được tiếp cận cơ hội học hỏi và có thêm kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, tiếp thị và thậm chí là xuất khẩu.

Theo cách này, các gia đình làm nông có thêm thu nhập, sống hạnh phúc và cộng đồng được gắn kết. Nếu theo đúng từng bước, đây là một hình thái của phát triển bền vững.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp