Mặc dù chưa thực sự để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử điện ảnh thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa Đông Nam Á không sản sinh ra những đạo diễn tài năng có những bộ phim đã từng được tôn vinh ở các liên hoan phim quốc tế lớn.
Có thể kể đến The woman who left của điện ảnh Philippines giành được giải thưởng Sư tử Vàng tại Venice năm 2016, tại năm 2010, bộ phim Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives của đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakul đã dành được giải thưởng Cành Cọ Vàng...
Dù vậy, những tiếng nói từ Đông Nam Á chưa đủ sức tạo ra những làn sóng lớn đủ sức ảnh hưởng đến điện ảnh thế giới. Điều này có lẽ sẽ thay đổi.
Trên tờ Hollywood Reporter, sáng lập viên và chủ tịch của công ty chuyên nghiên cứu thị trường điện ảnh và phân tích doanh thu Rance Pow đã nói rằng: "Sự phát triển đa diện diễn ra ở các nước Đông Nam Á đang mang đến những cơ hội tuyệt vời. Chúng tôi đang tìm cách đẩy Hollywood đến với Đông Nam Á."
Đông Nam Á là một khu vực có sự đa dạng về sắc tộc, tôn giáo và lịch sử phát triển, đó chính là mảnh đất màu mỡ cho điện ảnh. Disney và Netflix có trụ sở tại Singapore. Điện ảnh Việt Nam hay Thái Lan đang từng bước xây dựng thị trường chuyên nghiệp hơn, và Hollywood đang nhắm tới Đông Nam Á như một phim trường khổng lồ.
Kong: Skull Island của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã quay ở Việt Nam đến 6 tuần, mang những địa danh đẹp như Tràng An, Vịnh Hạ Long... đến với khán giả trên khắp thế giới.
Đó là sự khởi đầu báo hiệu tư duy cởi mở hơn của chính quyền và hạ tầng cơ sở tốt hơn đang lôi kéo các đoàn làm phim chọn Việt Nam làm bối cảnh.
Nó mở ra viễn cảnh biến Việt Nam thành địa điểm thu hút quốc tế, đồng thời cho chính phủ thấy được lợi ích kinh tế trong việc mở cửa cho các dự án phim lớn trên thế giới.
Tại liên hoan phim Cannes năm nay, tham dự hạng mục Director’s Fortnight, bộ phim Les confins du monde của điện ảnh Pháp với sự có mặt của tài tử Gerard Depardieu và diễn viên gốc Việt Trần Lãng Khê đã có hơn 6 tuần quay tại vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Trailer To the ends of the world (Les confins du monde)
Đây là một tác phẩm có bối cảnh chiến tranh làm nền cho câu chuyện tình yêu giữa người lính Pháp và cô gái Việt. Nó được kì vọng sẽ là một bộ phim mang dáng dấp của The Lover của Jean-Jacques Annaud từ năm 1992.
Ngoài ra, một tác phẩm khác có tên Monsoon cũng sẽ được quay tại Việt Nam với sự tham gia của dàn diễn viên Hollywood do nhà làm phim Campuchia Hong Khaou thực hiện, nội dung kể về câu chuyện anh chàng người Anh gốc Việt quay lại Sài Gòn để khám phá nguồn gốc của mình.
Trailer phim Thiên tài bất hảo
Nhưng so với điện ảnh Thái Lan thì điện ảnh Việt vẫn còn cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Năm 2017, bộ phim Bad Genius (đã chiếu ở Việt Nam với tên Thiên tài bất hảo) của điện ảnh Thái đã thu về đến 50 triệu đô la toàn cầu.
Tác phẩm của đạo diễn Nattawut Poonpiriya là một trường hợp tiêu biểu về sự xuất sắc của kịch bản và diễn xuất, điều mà điện ảnh Việt Nam vẫn còn tương đối yếu.
Năm 2018, một đại diện của Thái Lan được chọn đến Cannes trong hạng mục Những suất chiếu đặc biệt. Đây là bộ phim được làm lại từ tác phẩm Ten Years của Hong Kong vốn bị Trung Quốc cấm chiếu vì những vấn đề liên quan đến chính trị.
Ten Years Thailand là tuyển tập 4 câu chuyện ngắn được thực hiện bởi 4 đạo diễn trong đó đạo diễn từng đoạt Cành Cọ Vàng Apichatpong Weerasethakul sẽ đảm nhiệm phần phim mang tên Song of the city, đạo diễn Aditya Assarat làm phần phim Sunset, phần phim Planetarium của đạo diễn Chulayarnnon Siriphol và cuối cùng là Catopia của Wisit Sasanatieng.
Trailer phim Ten years Thailand
Thái Lan có tình hình chính trị và xã hội đầy bất ổn trong suốt 12 năm qua, do đó, theo đạo diễn Aditya, bộ phim sẽ là một dấu hỏi về nền dân chủ, tương lai của đất nước và ảnh hưởng của chính trị lên tình hình xã hội.
Điểm đến tiếp theo của điện ảnh mà không thể không kể đến là Singapore. Đây là thị trường giải trí phát triển tốt nhất Đông Nam Á.
Singapore là nơi có trụ sở của những hãng phim như Lucasfilm, HBO và Netflix. Doanh thu đến từ điện ảnh trong 5 năm qua đã đạt con số 150 triệu đô-la theo thông tin của Artisan Gateway. Rất nhiều công ty sản xuất phim đang muốn tiếp cận thị trường này.
Frank Smith - giám đốc điều hành của công ty IFA Media đã chia sẻ rằng: "Singapore có ngành công nghiệp điện ảnh mở rộng hơn các nước khác, nên rất dễ để chúng tôi làm việc giữa hai lối suy nghĩ, chúng tôi có thể hiểu điều mà Netflix hay HBO mong đợi về chất lượng cũng như những gì mà khán giả địa phương mong muốn".
Do đó, nếu coi Đông Nam Á là một khu vực, thì việc đặt Singapore là trung tâm với các trụ sở đại diện, từ đó chọn lựa các vùng đất khác trong Đông Nam Á để làm phim là một điều khôn ngoan. Singapore với nền kinh tế phát triển có thừa kinh nghiệm về tài chính và quản lý, còn các vùng đất khác quá màu mỡ về bối cảnh và con người.
Phải chăng, đó chính là xu thế để điện ảnh Đông Nam Á thoát ra khỏi vùng trũng và có thể vùng vẫy với các nền điện ảnh khác trong tương lai?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận