24/06/2015 13:16 GMT+7

Từ cái chết của nữ sinh Đồng Nai, lo lắng mạng xã hội

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Thảo luận dự án Luật an toàn thông tin mạng sáng nay (24-6), đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nêu lại chuyện nữ sinh Đồng Nai uống thuốc diệt cỏ tự tử sau khi bị bạn trai tung clip sex lên mạng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) - Ảnh: Việt Dũng

“Gia đình không biết cầu cứu ở đâu”

“Việc clip bị đưa lên mạng xã hội ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý của nữ sinh. Chỉ trong vòng hai ngày, có tới hơn 15.000 người xem clip này. Nữ sinh đó đã không chịu được áp lực dư luận và tự tử. Có một câu nói của người thân nữ sinh khiến tôi hết sức suy nghĩ: Xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu” - bà Hải nói.

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Hải cho biết sau khi trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son, bà khẳng định rằng clip do bạn trai của nữ sinh đưa lên mạng thuộc loại thông tin riêng. Nhưng “việc bảo vệ thông tin riêng còn chưa được quy định rõ ràng trong dự luật”.

“Có thể nói mạng xã hội đã góp phần đẩy nữ sinh đến kết cục đau lòng như trên, nhưng câu hỏi đặt ra là có cách nào, có biện pháp nào để ứng cứu khẩn cấp đối với người thân, gia đình của nữ sinh đó khi phát hiện ra vấn đề này. Cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp gì khẩn cấp để ứng cứu gia đình này không”.

“Tôi nghĩ trong khoảng thời gian ngắn ba ngày đó thì gia đình đã không biết cầu cứu ở đâu, không biết liên hệ với ai để ngăn chặn việc phát tán clip này. Việc bảo vệ thanh thiếu niên trước những ảnh hưởng xấu của Internet, mạng xã hội đã được nhiều nước quan tâm. Xây dựng luật an toàn thông tin mạng là cơ hội để đạt được mục tiêu này, do vậy bổ sung quy định bảo vệ thông tin riêng trên mạng là hết sức cần thiết” - bà Hải đề nghị.

Tự nhận mình là người hay tham gia mạng xã hội và mỗi ngày truy cập vài lần, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho biết: “mỗi lần vào mạng tôi có cảm giác như sự truy cập của mình đang bị người khác kiểm soát, theo dõi, thậm chí là họ sử dụng thông tin của mình cho mục đích của riêng họ. Tôi cảm thấy bất an”.

Ông Hùng bày tỏ: “Tôi nghĩ quy định về sự công khai, minh bạch trong cung cấp dịch vụ là rất quan trọng. Thứ hai, luật cần điều chỉnh những hành vi thu thập, sử dụng, lưu trữ thông tin cá nhân trên mạng để hạn chế việc truy cập, sử dụng trái phép các thông tin cá nhân”.

Quốc hội cũng có thể bị tấn công

“Chúng ta không thể làm ngơ trước cảnh báo của một số hãng bảo mật trên thế giới rằng Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong danh sách các nước sử dụng Internet, máy tính dễ bị lây nhiễm phần mềm độc hại cục bộ lớn nhất thế giới” - đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nói.

Nguyên nhân theo ông Nhân là “việc lây lan các virus chứa mã độc là do thói quen sử dụng dịch vụ miễn phí trên internet, dịch vụ phần mềm từ các trang mạng xã hội, thư điện tử trá hình, đến việc tải các ứng dụng miễn phí cài mã độc vào điện thoại không ngừng tăng lên cả số lượng lẫn tính chất phức tạp”.

“Ngay trong hội trường này, nguy cơ bị tấn công cục bộ từ nguồn các máy tính xách tay khi kết nối với mạng nội bộ Văn phòng Quốc hội vẫn có thể diễn ra. Các USB, máy tính cá nhân nhiễm virus đều không có quy định để kiểm soát. Mức độ nguy hiểm ở đây không phải là hệ thống bị đánh sập, mà là các phần mềm gián điệp có thể âm thầm kích hoạt điện thoại di động để ghi âm lấy thông tin trong hội trường này và chuyển về máy chủ khi máy tính xách tay kết nối trở lại với Internet bên ngoài” - đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.

Vẫn theo ông Nhân, trên đây là phương thức phổ biến của các hacker chuyên nghiệp có hệ thống, thậm chí có sự tài trợ của chính phủ các quốc gia xung đột chính trị với nước ta.

“Trong 138,6 triệu thuê bao di động hiện nay thì đã có hơn 52% sử dụng điện thoại di động thông minh, 34% sử dụng Internet mạng di động. Trên thị trường, các cửa hàng bày bán công khai các thiết bị điện thoại thông minh, cấu hình vô cùng mạnh nhưng giá thì vô cùng rẻ, xuất xứ từ Trung Quốc. Điện thoại của các thương hiệu nổi tiếng từ cao cấp tới bình dân đều có bo mạch, chíp xử lý cũng được gia công từ Trung Quốc” - đại biểu Nhân nêu con số.

Vẫn theo đại biểu này, “tấn công mạng không còn là nguy cơ mà đang diễn ra hàng ngày hàng giờ và có mức độ nguy hiểm ngày càng tăng, đặc biệt là nhắm đến các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương”.

Ông Nhân đề nghị luật này “phải hướng tới đảm bảo an toàn tối ưu cho hệ thống mạng nói chung, nhằm phục vụ cho an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Bên cạnh đó còn là sự đảm bảo cho các dự án thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tuyệt đối an toàn tuyệt đối cho hàng triệu giao dịch mỗi ngày”.

Vừa qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện video clip quay cảnh ân ái giữa Phạm Tấn Lộc (21 tuổi, ngụ xã Xuân Tây, H. Cẩm Mỹ, Đồng Nai) và nữ sinh N.T.A.T. (16 tuổi, học sinh lớp 9, ngụ xã Xuân Đông, H. Cẩm Mỹ) khiến dư luận xôn xao. 

Xấu hổ, uất ức trước việc bị Lộc tung clip nhạy cảm lên mạng, T. đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Người hàng xóm của gia đình T. chia sẻ: “Cháu T. đã đi rồi nhưng những hình ảnh đáng tiếc của cháu vẫn còn trên mạng. Tôi cũng có con gái, chỉ mong mọi người đừng lan truyền clip đó nữa. Hãy để T. được an nghỉ và cho ba mẹ em - những người ở lại được thanh thản”.

 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp