30/06/2023 07:53 GMT+7

Từ các vụ lọt đề thi kỳ thi tốt nghiệp: Bịt kẽ hở ra sao?

Môn thi ngữ văn, toán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được xác định lọt đề thi ra ngoài khi chưa hết thời gian làm bài. Bịt các kẽ hở dẫn tới lọt đề thi thế nào?

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) được giám thị kiểm tra lại thông tin trước môn thi ngữ văn - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) được giám thị kiểm tra lại thông tin trước môn thi ngữ văn - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Lọt đề có thể đến từ đâu và bịt kẽ hở này như thế nào?

Xảy ra nhiều lần

Ba năm gần đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT nào cũng xảy ra lọt đề. Năm 2021, thí sinh ở điểm thi THPT Lệ Thủy (Quảng Bình) mang điện thoại di động vào phòng thi và chỉ bị phát hiện vào giờ thu bài thi môn toán. Sự việc được Bộ Công an xác minh và Bộ GD-ĐT kết luận là lọt đề thi.

Năm 2022, tại một điểm thi ở Đà Nẵng, một thí sinh cũng dùng điện thoại chụp đề thi gửi lên ứng dụng gia sư trực tuyến để nhờ hỗ trợ giải đề. 

Hành động của thí sinh không bị giám thị phát hiện nên thí sinh làm bài xong và ra về. Khi đề thi được phát tán trên mạng ở thời điểm buổi thi đang diễn ra, cơ quan công an mới truy vết và xác minh vụ việc.

Năm nay cũng xảy ra hai trường hợp lọt đề thi môn ngữ văn và toán trong ngày thi 28-6. Theo thông tin từ A03 Bộ Công an, thí sinh ở Cao Bằng và Yên Bái đã dùng điện thoại chụp đề gửi ra ngoài nhờ người thân giải đề. 

Sau đó, đề thi được phát tán trên mạng. Trong hai trường hợp năm nay, đề thi môn ngữ văn bị lọt sau khi tính thời gian làm bài khoảng gần 30 phút.

Bộ GD-ĐT cho rằng đây chỉ là hành vi sai phạm của cá nhân thí sinh. Hiện chưa ghi nhận có thông tin giải đề hoặc hướng dẫn giải đề từ bên ngoài gửi vào phòng thi.

Ngăn ngừa ra sao?

Để ngăn ngừa lọt đề từ điểm thi do sơ suất ở khâu bảo quản đề dư sau khi đã mở niêm phong các túi đề, những năm qua Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn cụ thể trong tập huấn nghiệp vụ về thi.

Việc kiểm tra niêm phong các túi đề thi khi giao cho giám thị, và giám thị chọn 1-2 thí sinh trong phòng thi chứng kiến niêm phong còn nguyên trên túi đề thi trước khi mở là quy định bắt buộc. 

Đề thi còn dư tại hội đồng cũng được hướng dẫn niêm phong có chữ ký của lãnh đạo điểm thi và các thành phần khác với sự giám sát của thanh tra và cán bộ an ninh cắm chốt.

Các trường hợp để lọt đề do thí sinh cố ý vẫn là nguy cơ khó kiểm soát triệt để nhất. Theo quy chế, thí sinh mang theo thiết bị có chức năng gửi và nhận thông tin, điện thoại di động đều bị xử lý kỷ luật mức cao nhất là đình chỉ thi, hủy kết quả đã thi. Nhưng năm nào cũng có tình trạng thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.

Từ năm 2022, A03 và A06 (Bộ Công an) đã cảnh báo về hình thức gian lận tinh vi, thường là có tổ chức để kết nối giữa thí sinh với đối tượng bên ngoài khu vực thi. 

Những thiết bị mini, ngụy trang trong hoa tai, nhẫn, vòng cổ, đồng hồ, cúc áo, giấu trong bút, máy tính bỏ túi... được thí sinh mang vào phòng thi có chức năng kết nối với một thiết bị trung gian để trong đồ dùng, tư trang của thí sinh ở ngoài phòng thi.

Năm 2022, khuyến cáo của bộ phận nghiệp vụ của Bộ Công an cho rằng thiết bị trung gian để ngoài phòng thi trong khoảng cách 25m có thể bắt tín hiệu của thí sinh trong phòng thi để chuyển ra ngoài và gửi thông tin ngược lại. 

Nhưng năm nay, khi đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi trong đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Trọng Thái (Cục A06 Bộ Công an), cho rằng khoảng cách 25m chỉ là mức tối thiểu.

Còn phương án tối ưu là đồ dùng, tư trang của thí sinh nên để cách xa trong khoảng 100m nếu có điều kiện. Trước kỳ thi, đại diện của Bộ Công an tham gia kỳ thi cũng cho biết có hiện tượng gia tăng mua bán thiết bị có thể sử dụng vào việc gian lận thi cử.

Chặt chẽ trong nhiều khâu

Theo ThS Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, những vụ đề thi lọt ra ngoài ngay trong thời gian đang diễn ra kỳ thi không phải mới xảy ra năm nay.

"Điều này cho thấy dù các hội đồng thi đều thực hiện nghiêm các quy định để ngăn chặn gian lận thi cử nhưng vẫn có thí sinh cố tình mang điện thoại vào phòng thi để chụp ảnh đề thi chuyển ra ngoài. 

Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận trong các sự vụ này, cán bộ coi thi đã thiếu kinh nghiệm hoặc không làm tròn trách nhiệm khi để thí sinh cố tình gian lận. Để khắc phục, cần lựa chọn người tham gia coi thi phải có năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm và được tập huấn kỹ", ông Sơn đề nghị.

Trong khi đó, nhiều cán bộ khảo thí nhận định khả năng lọt đề thi trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT do thí sinh cố tình gian lận bằng thiết bị công nghệ cao không thể loại trừ và rất khó phát hiện. 

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nêu ý kiến: "Với các gian lận bằng thiết bị công nghệ cao, cán bộ coi thi là giáo viên bình thường sẽ rất khó phát hiện triệt để. Muốn ngăn chặn việc này, có thể thực hiện dùng máy quét an ninh để kiểm tra các thí sinh trước khi vào phòng thi. 

Hai năm qua, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã áp dụng việc này trong kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường và rất hiệu quả".

ThS Phùng Quán (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) còn cho rằng ngoài hành vi gian lận thi cử, tội phạm công nghệ cao thì việc chủ quan, mất cảnh giác của chính những người làm việc phục vụ công tác tổ chức thi cũng là nguy cơ lớn. 

"Các trường, hội đồng thi cần hướng dẫn kỹ cho thí sinh việc để lộ lọt đề thi, sao chụp đề thi trong thời gian làm bài là vi phạm pháp luật hình sự về bảo vệ bí mật nhà nước để răn đe, ngăn ngừa hành vi này", ông Quán kiến nghị.

Phụ thuộc mức độ nghiêm túc của giám thị

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đề thi chủ yếu lọt ra ngoài do hai nguồn: 1. Thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, chụp và chuyển ra ngoài. 2. Từ chỗ sao in đề thi. Ở các trung tâm in sao và phân phát đề thi cũng là mối lo lớn lộ lọt đề.

Việc ngăn mang điện thoại vào phòng thi phụ thuộc nhiều vào mức độ nghiêm túc của giám thị. Tuy nhiên, ở các vùng sâu vùng xa khi các trường ĐH chỉ làm nhiệm vụ giám sát còn cán bộ coi thi thì người tại địa phương nên mức độ nghiêm túc không cao.

Cán bộ coi thi là người của các trường ĐH thì việc coi thi sẽ nghiêm túc hơn và việc lọt đề thi ra ngoài sẽ giảm.

Thi trên máy tính

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nếu được thì nên thi trên máy, có ngân hàng đề thi đủ lớn, mỗi năm tổ chức thi vài lần (giao cho các trung tâm khảo thí cấp quốc gia làm). Như vậy sẽ không lo đến việc lộ lọt đề thi nữa.

Nên coi kỳ thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi cuối cấp để công nhận tốt nghiệp và là cơ sở dữ liệu đánh giá các trường phổ thông và nên làm vào giữa năm học lớp 12. Các trường ĐH có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực riêng hoặc sử dụng kết quả của các trung tâm khảo thí có uy tín.

Lại xuất hiện hình ảnh nghi lọt đề thi toán, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo Bộ Công anLại xuất hiện hình ảnh nghi lọt đề thi toán, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo Bộ Công an

Chiều 28-6, một bạn đọc đã thông tin tới Tuổi Trẻ Online về việc đề thi toán nghi bị truyền ra ngoài khi thí sinh đang làm bài thi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp