Bia đá chùa Thổ Hà bị vỡ trong quá trình thi công - Ảnh: Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Bắc Giang
Di tích quốc gia chùa Thổ Hà (thuộc ngôi làng cổ Thổ Hà nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang) đang được tu bổ toàn diện.
Trong hồ sơ thỏa thuận tu bổ chùa Thổ Hà với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch không có hạng mục di chuyển bia đá cổ tại vị trí sân phía trước tòa Tam Bảo, nhưng do nền thấp, cần nâng cốt nền nên địa phương đã tự ý nhờ nhà thầu làm và điều đáng tiếc đã xảy ra.
Dù vậy, việc tu bổ ngôi chùa cổ này không chỉ có sai lầm với bia đá cổ, theo quan sát của một số nhà chuyên môn.
Không chỉ bia đá cổ bị vỡ đáng tiếc
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Bắc Giang, ngày 8-9, đơn vị thi công tổ chức dịch chuyển bia đá ra vị trí bảo quản, nhằm tạo mặt bằng cho việc nâng cốt nền khuôn viên chùa Thổ Hà.
Đơn vị thi công chọn phương án đào móng xung quanh bia, dùng dây vải buộc thân bia, sử dụng xe cẩu để nâng nhằm luồn dây qua phần bia để buộc bó toàn bộ bia. Tuy nhiên, khi nâng thì thân bia bị tách rời thành nhiều mảng.
Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Bắc Giang, việc di chuyển bia đã không được chủ đầu tư (UBND huyện Việt Yên), đơn vị thi công (Công ty cổ phần Bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt) và ban giám sát địa phương đánh giá hết hiện trạng của bia nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc.
Sở đã yêu cầu chủ đầu tư dừng việc dịch chuyển bia đá, dùng lạt bó buộc thân và đế bia, bảo quản các mảnh vỡ, đóng cọc căng dây tạo hành lang bảo vệ, tạo mái che tạm thời.
Sự việc này đã khiến các nhà nghiên cứu văn hóa, di sản vô cùng nuối tiếc và cả giận dữ.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế - Đại học Mỹ thuật Việt Nam - chua chát đề xuất nên giữ nguyên hiện trạng bia đá cổ bị vỡ để làm chứng tích cho "sự ngu dốt và vô trách nhiệm" này để tránh những chuyện tương tự về sau.
TS Trần Trọng Dương cũng có chung ý tưởng "triển lãm" sự phá hoại này.
Bia đá cổ chùa Thổ Hà năm 2011 - Ảnh: NGUYỄN ĐỨC BÌNH
Ngoài bia đá cổ, TS Nguyễn Hồng Kiên - Viện Khảo cổ học Việt Nam - chỉ ra những mất mát lớn hơn trong quá trình tu bổ chùa Thổ Hà này.
Ông Kiên cho biết, đơn vị thi công đã loại bỏ hoàn toàn các chi tiết chạm khắc ở vì nách tam quan mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, rất có giá trị trong việc xác định niên đại sớm cho công trình này.
Theo ông Kiên - người đã từng khảo sát chùa Thổ Hà để viết bộ sách Kiến trúc chùa Việt, các cấu kiện có chạm khắc này chắc chắn còn tốt, không hề mục mọt, hư hỏng, đáng lẽ phải được bảo vệ tối đa.
Rà soát toàn bộ quá trình triển khai dự án
Xung quanh việc trùng tu chùa Thổ Hà - làm vỡ bia đá cổ, mất các chi tiết vì kèo có giá trị - gây xôn xao dư luận, Cục Di sản văn hóa vừa có công văn đề nghị Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bắc Giang rà soát toàn bộ quá trình triển khai thực hiện dự án.
Cục cũng đề nghị sở kiểm tra công tác hạ giải, xem xét quá trình đánh giá, phân loại để tái sử dụng tối đa cấu kiện gỗ cổ, gỗ cũ, gia cố tu bổ đối với các cấu kiện gỗ hư hỏng một phần, chỉ thay thế mới khi cấu kiện gỗ đã hư hỏng hoàn toàn.
Cục Di sản văn hóa đề nghị phải tái sử dụng tối đa cấu kiện gỗ cổ, gỗ cũ, chỉ thay thế mới khi cấu kiện gỗ đã hư hỏng hoàn toàn - Ảnh: Fanpage Làng Thổ Hà
Với tấm bia đá cổ bị vỡ, cục đề nghị sở chỉ đạo chủ đầu tư bảo vệ tại chỗ bia đá, khẩn trương thực hiện việc xây dựng bệ đặt bia tại vị trí cũ.
Tiếp theo cần lựa chọn tổ chức tư vấn đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm đề xuất phương án tu bổ, gắn chắp bia đảm bảo khoa học - chất lượng, báo cáo UBND tỉnh Bắc Giang cũng như Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chấp thuận trước khi thi công.
Sau khi khắc phục xong, phải đánh giá tình trạng bia khi tu bổ so với thời điểm trước khi bị vỡ để xác định mức độ ảnh hưởng của vụ việc.
Việc Cục Di sản văn hóa kịp thời ra văn bản đề nghị Bắc Giang khắc phục những sai lầm trong tu bổ di tích quốc gia chùa Thổ Hà được những người quan tâm tới di sản tạm yên tâm.
Nhưng những mất mát văn hóa vì công tác trùng tu thiếu hiểu biết này khó lấy lại được và nó sẽ vẫn tiếp tục lặp lại, như câu chuyện thường xuyên lặp lại trong suốt vài thập kỷ qua.
Xót xa trước tình trạng di sản của cha ông ngày càng hao mòn, ông Nguyễn Đức Bình - Câu lạc bộ Đình làng Việt - liệt kê những mất mát di sản đình, chùa cổ gần đây như:
- Đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) bằng gỗ thế kỷ 17 bị bỏ để xây đình bằng bêtông năm 2018.
- Phá cổng phụ chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội) để xây cổng mới to hơn năm 2019.
- Sơn toàn bộ đình Trung Thượng và đình Trùng Hạ (Gia Viễn, Ninh Bình) làm "biến dạng" những ngôi đình có kiến trúc gỗ thế kỷ 17 vào năm 2020.
- Thay mới phần lớn kết cấu gỗ đình Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) năm 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận