27/01/2020 06:37 GMT+7

Từ Bắc Ninh đến Mỹ dạy toán

LAN ANH
LAN ANH

TTO - “Tôi sinh ra và lớn lên tại Trang Liệt, Từ Sơn, Bắc Ninh - một làng văn hóa có lịch sử lâu đời. Bố tôi là giáo viên toán cấp II đã về hưu và mẹ là nông dân” - Vũ Thái Luân đã kể về mình giản dị như thế.

Từ Bắc Ninh đến Mỹ dạy toán - Ảnh 1.

Vũ Thái Luân cùng vợ con ở Mỹ

Ở tuổi 36, Luân vừa được bổ nhiệm vị trí giáo sư tại khoa toán và thống kê Trường đại học bang Mississippi, Mỹ. Từ một chàng trai Bắc Ninh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội I, Luân đã đến châu Âu rồi đến Mỹ để nghiên cứu và dạy toán.

Luân bảo mình đang mơ ước có thể hỗ trợ nhiều sinh viên Việt Nam giỏi sang Mỹ làm nghiên cứu bậc tiến sĩ về toán ứng dụng.

Bế tắc và may mắn

Ít người có thể tưởng tượng được một chàng trai quê, chọn nghề dạy toán để theo nghiệp bố, học sư phạm để đỡ học phí lại trở thành một giáo sư toán, nghiên cứu về toán ứng dụng ở Mỹ. Trước Luân, cả gia đình anh chưa có ai xuất ngoại, họ chỉ biết thôn Trang Liệt và xa hơn là Hà Nội, nơi Luân cùng em trai học đại học.

"Đó là một chặng đường dài - Vũ Thái Luân bắt đầu câu chuyện - Tháng 9-2001, tôi học toán ở Sư phạm Hà Nội I, với hi vọng sau này cũng dạy toán như bố. Tuy làm khóa luận tốt nghiệp về hình học, nhưng tôi đặc biệt hứng thú và đam mê với môn giải tích số (numerical analysis), vì có thể giải gần đúng các bài toán mà ta không thể tìm nghiệm chính xác (dù tồn tại), nên nó có nhiều ứng dụng thực tế.

Tôi học môn này thấy rất hợp và đạt điểm tuyệt đối. Do vậy, ngay khi ra trường tôi quyết định tiếp tục học lên cao học chuyên ngành toán học tính toán 2005-2007 tại Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội để học sâu hơn về giải tích số".

May mắn được phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh hướng dẫn và truyền cảm hứng say mê nghiên cứu qua các bài báo tiếng Anh, nên ngay sau khi bảo vệ thạc sĩ cuối 2007, đầu 2008 Luân được nhận về công tác tại phòng các phương pháp toán học trong công nghệ thông tin, Viện công nghệ thông tin, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.

Trong 2 năm làm ở viện, anh đã công bố một số bài báo khoa học với giáo sư Đặng Quang Á, đồng thời có cơ duyên tham dự một số hội thảo, hội nghị quốc tế, nơi anh được gặp một số nhà toán học nước ngoài mà trước đó Luân chỉ biết trên sách vở hay bài báo, như giáo sư Uri Ascher, một chuyên gia đầu ngành, sau này viết thư giới thiệu cho Luân xin vị trí giáo sư ở Mỹ.

"Khi nói chuyện với họ, tôi có thêm động lực tìm cơ hội học ở nước ngoài để có thể theo đuổi sâu hơn lĩnh vực toán học tính toán. Duyên số tới khi tôi được 2 giáo sư ở Đại học Innsbruck, Áo phỏng vấn qua Skype, sau đó họ chọn tôi vào nhóm nghiên cứu cho chương trình đào tạo tiến sĩ liên ngành (10 ngành khác nhau, mỗi ngành chọn 2 ứng viên). Tôi nhận được thư họ báo tin nhận tôi là vào giữa tháng 7-2010, thời gian nhập học là 1-10 năm đó" - giáo sư Luân chia sẻ.

Sau 3 năm ở Áo và 6 tháng ở Đức, năm 2013 lại một cơ duyên nữa tới, khi Luân có dịp đi báo cáo tại Tây Ban Nha. Tại đây, Luân gặp 2 giáo sư rất quan tâm tới kết quả công việc của anh và đầu 2014, hai vị này đã mời Luân tới Mỹ để cùng tham gia nghiên cứu.

Khi sang Mỹ được khoảng 2 năm, Luân phát hiện ý tưởng đang nghiên cứu bị người cùng trường lợi dụng sửa đăng báo và ghi vào hồ sơ xin tài trợ cho riêng họ, sau đó dùng những công trình đó để được đề bạt sớm lên full professor (học hàm giáo sư) trước 2 năm dù không hề xứng đáng.

“Lúc đó tôi - một người trẻ tuổi mới vào nghề - khá nản và phải thừa nhận một sự thật là chuyện gian xảo, lợi ích cũng xảy ra trong các đại học ở Mỹ.

Đó là những thời điểm mà tôi thấy bế tắc. Tuy nhiên tôi cố gắng nén gạt sang một bên để tiếp tục nghiên cứu tìm con đường riêng cho mình. May mắn là tôi luôn gặp được những đồng nghiệp tốt giúp tôi ở những thời điểm khó khăn” - giáo sư Luân nói với Tuổi Trẻ.

Mong thêm nhiều người Việt qua Mỹ học toán

Có một câu chuyện xảy ra trước ngày đi châu Âu mà đến tận bây giờ giáo sư Luân nghĩ lại thấy còn buồn cười về sự trẻ con ngây thơ của chính mình. Và sự ngây thơ đó giúp anh tìm được người vợ hiền mà gần 10 năm sống chung, anh chị chưa giận nhau quá một ngày: “Đó là tháng 6-2010, tôi tìm hiểu và làm quen với một cô gái ở Đại học Hà Nội - người sau này là vợ tôi.

Tôi đã giấu cô ấy tin mình sắp được đi Áo để có thêm thời gian “cưa” với hi vọng “đổ” trước ngày 1-10 (thời gian phải sang châu Âu). Và tôi đã thành công! Tuy nhiên vì say “yêu đương”, tới hạn 1-10 tôi không nỡ đi vội, xin sang muộn cả tuần để có thêm thời gian đi chơi và tạm biệt bạn gái.

Sau đó sang châu Âu tôi mới biết vì lý do trên mà tôi lỡ cơ hội gặp mặt giao lưu quan trọng với 10 giáo sư của chương trình và 20 tân nghiên cứu sinh tới từ nhiều nước khác nhau của Trường đại học Innsbruck”.

Trong năm đầu tiên ở châu Âu (nước Áo), Luân đã về Việt Nam 2 lần để cưới vợ rồi đưa vợ sang Áo. Là sinh viên du học có vợ đi cùng, Luân nói anh cảm thấy rất may mắn, nhất là khi vợ anh lúc đó đã có một công việc tốt ở Hà Nội. Giờ anh chị đã có 2 cháu Kit và Mit, 2 đứa trẻ gốc Trang Liệt, Bắc Ninh ở Mississippi.

Luân vừa được bổ nhiệm giáo sư, đang nộp hồ sơ xin tài trợ nghiên cứu ở Bộ Năng lượng và Quỹ khoa học quốc gia Mỹ. Anh mong sẽ được tài trợ để có điều kiện hỗ trợ một số sinh viên giỏi của Việt Nam sang làm tiến sĩ về toán ứng dụng: “Tôi thấy các giáo sư Trung Quốc ở Mỹ đã làm rất tốt điều này, nên tôi mong mình có thể làm được điều tương tự để giúp các em sinh viên đam mê toán học ở Việt Nam”.

Từ con đường đã và đang trải nghiệm, Luân luôn tin cơ hội sẽ dành cho ai có đam mê, có mục tiêu rõ ràng để tạo động lực phấn đấu. Gần đây Luân có giúp duyệt hồ sơ của các ứng viên quốc tế cho một chương trình tiến sĩ liên ngành ở Áo.

Anh nói một trong các tiêu chí quan trọng mà họ đánh giá cao hơn nhiều yếu tố khác, kể cả điểm tốt nghiệp hay thư giới thiệu, đó chính là motivation letter (động cơ của ứng viên): “Có đam mê và mục tiêu, sau đó tôi nghĩ cần sự kiên trì dành thời gian để thực hiện, không từ bỏ khi có những thất bại.

Trong thời đại Internet mở như ngày nay, chúng ta có thể tìm hiểu và tự học được rất nhiều điều từ bên ngoài. Rất khó có thể nói ta không làm gì mà các cơ hội sẽ tự tìm tới. Một điều nữa như đã nói ở trên, để vươn ra bên ngoài, ngoại ngữ (như tiếng Anh) là vô cùng quan trọng”.

Những ngày cuối năm là những ngày bận rộn của giáo sư Vũ Thái Luân. Ở một nơi xa xôi như nước Mỹ, Luân kể anh rất nhớ quê nhà, nơi có cha mẹ, người em trai tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, và có làng quê Trang Liệt. Con đường đã đi, như Luân nói rất dài, nhưng anh chưa bao giờ quên nguồn cội, quên Bắc Ninh, quên Trang Liệt quê anh.

Ở Việt Nam giờ không hiếm người đi du học từ cấp II rồi cấp III. Luân không có điều kiện ấy, anh học đại học và cả bậc cao học ở trong nước. Luân học tiếng Anh, ban đầu nhờ sự “hảo tâm” của một cô giáo gần nhà, người đã dạy cả hai anh em Luân nhưng chỉ thu có một suất học phí.

Và rồi việc học ấy cũng bị bỏ ngang vì gia đình anh không có tiền. Nhưng rồi Luân đã đi được những bước đi đầu tiên của một nhà khoa học trẻ, ở một nơi rất xa làng Trang Liệt, nơi anh nói đã luôn nhớ về trong những giấc mơ.

Nữ sinh đam mê đồ họa đến Mỹ tranh tài Nữ sinh đam mê đồ họa đến Mỹ tranh tài

TTO - Những ngày này, Nguyễn Trần Thảo Nguyên - sinh viên năm 3 Học viện Bưu chính viễn thông (cơ sở TP.HCM) - đang làm thủ tục để sang Mỹ tranh tài thiết kế đồ họa thế giới vào cuối tháng 7.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp