Lê Anh Tiến, CEO Công ty CP công nghệ Chatbot Việt Nam là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 - Ảnh: NVCC
Đến nay, chàng trai 9X trở thành CEO Bot bán hàng trực tuyến (Chatbot) tại Việt Nam, được định giá hơn 1 triệu USD.
"Vốn ban đầu khoảng 1 tỉ đồng, sau khi có quỹ đầu tư chúng tôi gọi vốn thành công, định giá tăng lên hơn 1 triệu USD. Giai đoạn đầu khởi nghiệp chỉ có ba thành viên kiêm cả làm sản phẩm, bán hàng.
Một ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng, thời gian còn lại tôi dành cho công việc, vừa dành thời gian làm thuê cho một công ty khác kiếm tiền chạy dự án" - Lê Anh Tiến, 30 tuổi, CEO Công ty cổ phần công nghệ Chatbot Việt Nam, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019, nhớ lại những bước đi đầu tiên.
Miệt mài với công việc, mình luôn tâm đắc một câu nói: “Kỳ tích là một tên gọi khác của sự nỗ lực“, mình luôn nỗ lực và cố gắng thì kỳ tích sẽ xuất hiện.
LÊ ANH TIẾN
1 triệu người tương tác hằng tháng
Trước khi khởi nghiệp với Chatbot, Tiến kinh qua nhiều dự án, làm thuê cho một số công ty cho đến cùng cộng sự vận hành một quán cà phê. Anh bộc bạch năm 2016, thế giới mới biết đến khái niệm Chatbot (công cụ kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) đã được lập trình sẵn để tương tác với con người).
Sau một năm, Chatbot có mặt ở Việt Nam với mục đích giải quyết vấn đề tự động hóa, giúp khách hàng dễ dàng giao tiếp với các nền tảng nhắn tin hơn.
"Chúng tôi nghĩ tại sao không nhân đôi giải pháp này? Tháng 11-2017, nền tảng Chatbot ra đời giải quyết về công nghệ giúp doanh nghiệp vận hành, kèm theo việc tiết kiệm rất nhiều chi phí" - Lê Anh Tiến chia sẻ.
Anh giải thích: Chatbot đóng vai trò như một lễ tân, thay vì mất nhiều nhân sự để trả lời câu hỏi của khách hàng thì Chatbot sẽ tự động trả lời.
"Nếu một ngày có khoảng 1.000 người inbox vào fanpage doanh nghiệp thì số lượng nhân sự để trả lời rất khó khăn, việc chốt đơn hàng cho doanh nghiệp cũng rất khó. Cứ một nhân công không thể trả lời cùng một thời điểm cho nhiều khách hàng, trong khi khách hàng đang chờ đợi mà không trả lời nhanh sẽ mất khách, tỉ lệ chốt đơn sẽ thấp.
Chatbot sinh ra nhằm giúp doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu, cũng như giúp doanh nghiệp bán hàng dễ hơn thông qua việc chạm để kết nối - chạm để mua sắm ngay trên nền tảng nhắn tin OTT" - Tiến cho biết.
Anh Tiến cho hay nhờ ứng dụng nền tảng Chatbot, doanh nghiệp có thể giảm được 40% chi phí quảng cáo, tăng 20% lợi nhuận. Thay vì hằng tháng hạch toán trả tiền cho hàng trăm nhân sự, doanh nghiệp chỉ phải trả một lần cho Chatbot.
Sau hai năm, hiện có hơn 14.000 doanh nghiệp đang sử dụng nền tảng Chatbot và hơn 1 triệu người dùng tương tác hằng tháng.
Bứt "ký sinh", sống độc lập
Những ngày đầu tiên, khó khăn lớn nhất là làm sao thuyết phục người dùng sử dụng nền tảng mới Chatbot. Để thuyết phục doanh nghiệp, anh Tiến cùng cộng sự sử dụng chiến lược cho khách hàng dùng thử.
"Chúng tôi nhận được gói tài trợ của Facebook và Amazon khoảng 80.000 USD, số tiền đó hỗ trợ chi phí hạ tầng server, quảng cáo, còn giúp chúng tôi hỗ trợ khách hàng sử dụng trong vòng chín tháng. Trong thời gian này, chúng tôi hướng dẫn, đào tạo khách hàng quen với sản phẩm của mình. Sau thời gian dùng thử, nếu sản phẩm có hiệu quả, khách hàng sẽ vui vẻ trả phí" - Lê Anh Tiến chia sẻ.
Chưa kể khối lượng công việc nhiều mà đội ngũ sáng lập chỉ có ba người, Tiến cho biết với công nghệ mới, nếu để khách hàng làm quá nhiều thao tác sẽ rối. Do đó, bắt buộc đội ngũ sáng lập phải lập trình, tạo ra sản phẩm đơn giản cho khách hàng, giảm được việc hỏi - đáp tránh mất thời gian.
Khoảng thời gian cam go nhất là khi Facebook bị rò rỉ dữ liệu. Sống trên nền tảng Facebook nên Chatbot hay các ứng dụng trên nền tảng này đều bị dừng hoạt động.
"Tôi nhớ thời gian đóng là sáu tháng. Không để rơi vào trạng thái bị động, chúng tôi tìm giải pháp, lập trình lại hệ thống, định hướng sản phẩm trở thành nền tảng "data driven" - điều hướng dữ liệu. Cuối năm 2018, chúng tôi chính thức tách ra khỏi nền tảng Facebook" - đồng sáng lập Chatbot cho biết.
Anh Tiến cho biết hiện Chatbot có trụ sở chính ở Hà Nội, phát triển chi nhánh ở TP.HCM, thu hút hơn 10 triệu người dùng từ năm quốc gia, vùng lãnh thổ: Việt Nam, Đài Loan, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Sinh ra ở Đà Nẵng, làm việc ở Hà Nội, Lê Anh Tiến "bay đi bay lại" giữa Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM. Tiến bộc bạch hầu hết thời gian đều dành cho công việc, tranh thủ thời gian rảnh là chơi thể thao để bảo vệ sức khỏe cho bản thân chứ ít khi tham gia các cuộc gặp gỡ.
Có thời điểm anh đảm đương luôn hai công việc: vừa khởi nghiệp vừa đi làm thuê cho công ty để kiếm tiền phục vụ dự án khởi nghiệp của mình. Một ngày anh dành trọn 20 giờ cho công việc: 8 tiếng làm thuê ở công ty, 12 tiếng còn lại cho dự án và chỉ có 3 - 4 giờ/ngày để ngủ.
Tiến bày tỏ bất kỳ ai làm về khởi nghiệp cũng vậy, đặc biệt lĩnh vực công nghệ luôn dành hết tâm huyết để làm sao tạo ra sản phẩm cho hàng triệu người dùng. Đó là động lực để họ làm ra sản phẩm tốt hơn nữa.
Chung tay chống dịch bằng ứng dụng
Anh Lê Anh Tiến cho biết trước tình hình dịch COVID-19, Chatbot phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam hỗ trợ khai báo y tế thông qua ứng dụng NCOVI, cung cấp và cập nhật thông tin, chung tay phòng chống dịch.
Theo đó, Chatbot cung cấp đường dẫn tải về và hướng dẫn sử dụng NCOVI, cập nhật thông tin dịch bệnh liên tục đến cộng đồng. Ngoài ra, chia sẻ, gửi lời mời khai báo y tế đến bạn bè trên nền tảng nhắn tin như Messenger, Facebook, Zalo, WhatsApp, Viber.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận