10/08/2019 09:30 GMT+7

Từ 47 hồ sơ của du học sinh Việt Nam: New Zealand siết chặt visa

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Truyền thông New Zealand ngày 8-8 công bố thông tin về vụ 47 hồ sơ du học sinh Việt Nam bị làm giả để qua mặt cơ quan hữu trách, một vụ việc gian lận "đáng kể" do văn phòng tại Mumbai (Ấn Độ) trực thuộc cơ quan di trú New Zealand phát hiện.

Từ 47 hồ sơ của du học sinh Việt Nam: New Zealand siết chặt visa - Ảnh 1.

Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, thăm một số nhóm du học sinh bị phát hiện gian lận trú ẩn tại nhà thờ Unitarian ở Auckland năm 2017 trước khi bị trục xuất - Ảnh: RNZ

Đài TVNZ của New Zealand dẫn phát biểu của bà Jeannie Melville, trợ lý tổng giám đốc Cơ quan Di trú New Zealand (INZ), cho biết: "Chúng tôi đã phát hiện 47 trường hợp có gian lận thông tin tài chính cụ thể tại thị trường Việt Nam và sẽ triển khai phương án xử lý phù hợp, bao gồm hủy bỏ visa và ngăn không để những người này tới New Zealand".

Quy trình cấp visa đã bị ảnh hưởng

Cũng theo bà Melville, đã có một số cơ sở tư vấn giáo dục dính líu tới vụ gian lận này. Các học sinh liên quan thuộc nhiều đơn vị khác nhau trong hệ thống giáo dục New Zealand gồm THPT, các cơ sở đào tạo tư thục (PTE), các viện công nghệ và bách khoa và các trường ĐH.

Bà Melville cho biết chính các nhân viên rất dày dạn kinh nghiệm tại văn phòng của cơ quan di trú ở Mumbai đã phát hiện bê bối gian lận.

Từ sự việc này, INZ và Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) đã cùng hợp tác nhằm một mặt ngăn chặn gian lận, song vẫn tiếp tục tạo điều kiện thu hút nhiều hơn các du học sinh chất lượng cao của Việt Nam tới New Zealand.

Bà Melville cho biết hệ thống quản lý di trú của New Zealand vốn dựa trên lòng trung thực và những khai báo thành thật của các ứng viên xin cấp visa. "Nếu trách nhiệm trung thực này bị vi phạm, chúng tôi sẽ có quan điểm không dung thứ với hành vi như vậy và sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết" - bà nói.

Trên thực tế, quá trình xử lý hồ sơ với các đơn xin cấp visa thời gian qua cũng đã lâu hơn do số đơn xin ngày một tăng, cộng thêm cả những lo ngại về tình trạng gian lận.

"Một số ứng viên chất lượng có ý định (du học) hợp pháp đã không may bị ảnh hưởng trong bối cảnh có nhiều đơn kém chất lượng cần được xác thực ở cấp độ cao hơn - bà Melville nói - Nhưng chúng tôi vẫn đang tích cực làm việc với ENZ và các cơ sở giáo dục đào tạo để hỗ trợ thêm các hồ sơ xin cấp visa chất lượng cao từ Việt Nam và từ nhiều thị trường khác".

Du học sinh phải chịu mọi trách nhiệm

Theo Đài RNZ (New Zealand), theo diễn giải mới về các điều luật hiện hành liên quan được công bố với giới luật sư New Zealand tuần trước, các du học sinh quốc tế sẽ phải chịu mọi trách nhiệm trong trường hợp hồ sơ của họ bị phát hiện gian dối, ngay cả khi họ nói không biết gì về thông tin đã bị khai man trong đó.

Nhiều luật sư, trong đó có ông Alastair McClymont, bày tỏ quan điểm với Đài RNZ cho rằng quy định này quá khắc nghiệt với du học sinh. Bởi theo ông, trên thực tế có không ít nhân viên tư vấn du học tại các quốc gia đã ăn tiền hoa hồng của cơ sở giáo dục tại New Zealand rồi khai thông tin, cốt lấy được tiền hoa hồng, sau đó bỏ mặc người đi học phải gánh chịu mọi hệ lụy nếu có về sau.

"Rất nhiều gian lận đang diễn ra là từ các nhân viên tư vấn giáo dục nước ngoài không được quản lý, họ đã được các trường New Zealand trả hoa hồng rất lớn, và những người này có động lực đáng kể để cung cấp thông tin sai, hồ sơ giả cho INZ" - vị luật sư này nói.

"Tuy nhiên, thay vì giải quyết vấn đề từ các nhân viên giáo dục không được quản lý đó, họ (cơ quan chức năng New Zealand) lại đổ mọi trách nhiệm lên các học sinh" - luật sư Alastair McClymont tiếp.

Ông Mandeep Singh-Bela, điều phối viên của Liên minh mạng lưới di dân New Zealand, cũng cho rằng gốc rễ của vấn đề là ở các nhân viên tư vấn giáo dục nước ngoài, vì họ không hề bị quản lý.

Còn theo anh Lukas Kristen - chủ tịch Hội Sinh viên quốc tế New Zealand, các du học sinh thường không biết chính xác những thông tin nào đã được gửi đi trong hồ sơ ghi tên họ. Anh Kristen cho rằng việc giám sát chặt các cơ sở đào tạo tư nhân sẽ giúp kiểm soát gian lận tốt hơn.

Tuy nhiên, INZ vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng du học sinh phải chịu mọi trách nhiệm nếu hồ sơ du học của họ sai phạm. Thông cáo của cơ quan này cho rằng INZ luôn yêu cầu các sinh viên phải khẳng định rõ ràng mọi thông tin cung cấp trong đơn xin cấp visa của họ là chính xác, bất kể việc họ đã nhờ một nhân viên cố vấn di trú hay nhân viên tư vấn giáo dục khai cho.

"Như với mọi đơn xin cấp visa, trách nhiệm đặt ra với người làm đơn để đảm bảo họ cung cấp thông tin trung thực, chính xác là một phần trong đơn xin cấp visa của họ" - trưởng bộ phận hỗ trợ dịch vụ của INZ, ông Michael Carley nói.

Bà Lisa Futschek thuộc bộ phận phụ trách quốc tế của Bộ Giáo dục New Zealand khẳng định New Zealand có quan hệ hợp tác giáo dục quan trọng và ngày một phát triển hơn với Việt Nam.

Theo bà Futschek, từ tháng 6-2013 (thời điểm đã có 1.401 visa được cấp cho du học sinh Việt Nam), số visa học sinh hợp lệ cấp cho công dân Việt Nam đã tăng 55%. Tới tháng 6-2019, con số này tăng lên 2.174 visa. Số du học sinh Việt Nam tăng mạnh ở khối trung học và đại học.

Thông cáo của INZ cũng cho biết các đại diện của INZ Mumbai sẽ tham dự các buổi đào tạo cho nhân viên tư vấn du học do ENZ tổ chức vào nửa sau tháng 8-2019 tại Việt Nam để thảo luận các vấn đề và hướng dẫn các nhân viên tư vấn địa phương về những đơn xin visa đã xong mọi thủ tục hồ sơ.

Nguyễn Anh Quân - Cựu du học sinh Việt Nam tại ĐH Auckland, New Zealand:

Dễ nhưng đừng... gian

Việc chứng minh tài chính khi học ở New Zealand so với những cường quốc giáo dục khác là tương đối dễ thở. Nếu đi học dưới 36 tuần, số tiền cần chứng minh tương đương 1.250 NZD sinh hoạt phí/tháng. Trường hợp du học trên 36 tuần, số tiền cần chứng minh tương đương 15.000 NZD sinh hoạt phí/năm. Nguồn tiền chứng minh có thể là từ sổ tiết kiệm, bảo lãnh tài chính hay chứng minh từ những nguồn thu nhập, tài sản có giá trị.

Tuy nhiên, do việc kiểm tra hồ sơ không quá khắt khe như các nước Anh, Mỹ… các gia đình chưa đủ điều kiện chứng minh tài chính vẫn có thể nhờ cậy người thân giúp cho đứng tên vào một số hoạt động kinh doanh để tăng nguồn thu nhập trên "lý thuyết", tăng cơ hội được chấp nhận visa.

Theo kinh nghiệm cá nhân, hầu hết trường hợp xin visa thường khó trượt, trừ những giai đoạn bên phía New Zealand siết chặt thì những hồ sơ có vấn đề sẽ không thể lọt qua.

TR.NHÂN ghi

New Zealand phát hiện 47 hồ sơ gian lận của du học sinh Việt Nam

TTO - Cơ quan di trú New Zealand đang siết chặt hồ sơ du học của sinh viên Việt Nam sau khi phát hiện nhiều trường hợp gian lận giấy tờ, theo Đài truyền hình quốc gia TVNZ.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp