08/10/2014 10:33 GMT+7

Từ 3D phố cổ đến Đất Rồng

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TT - Nhìn những bức tranh bằng công nghệ 3D sống động, nhiều người từng đến thăm phố cổ Hà Nội phải thốt lên: “Phố cổ đây sao? Đẹp quá vậy!”.

Ô Quan Chưởng rực rỡ trong nắng cuối thu với lá vàng phủ kín, rồi phố Hàng Bạc, Hàng Buồm, tháp Hòa Phong, rạp Công Nhân... Hình ảnh phố cổ trong những khung tranh 3D cổ kính và sống động đến nỗi người xem như hòa cùng quá khứ.

Đinh Việt Phương và những bức ảnh 3D Hà Nội - Ảnh: V.TH.
Đinh Việt Phương và những bức ảnh 3D Hà Nội - Ảnh: V.TH.

Từ tình yêu Hà Nội

“Phố cổ ngày nay giống một con phố mới nổi, dở cũ dở mới chứ không còn cái hồn cốt xưa. Người Hà Nội từng có một phố cổ rất đẹp đẽ, cổ kính để tự hào và chúng tôi muốn tìm lại vẻ đẹp ấy”. Ðó là lý do mà Ðinh Việt Phương - một chàng trai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội - cùng với nhóm bạn quyết định phục dựng lại bằng kỹ thuật 3D những khung cảnh phố cổ mà đến cả người Hà Nội bây giờ cũng không còn hình dung được nữa.

Năm 2007, lúc bắt tay vẽ phố cổ, kỹ thuật 3D của cả nhóm còn rất kém. Biết đang mặc một cái áo rất rộng, anh và cả nhóm đã phải cố gắng học hỏi rất nhiều “cho béo lên để vừa cái áo”.

Nhóm phục dựng chủ yếu dựa trên tư liệu ảnh chụp của người Pháp, vốn hiểu biết về kiến trúc phố cổ Hà Nội và kiến trúc nhà lô đã từng học trong trường, mày mò đi xin cả những nghiên cứu đo lại hiện trạng của phố cổ, từ đó vẽ một loạt mặt đứng nhà sau đó “tạo ra cái không gian mang thần thái phố cổ”.

“Nhiều nhóm 3D lúc đó chê nhóm vẽ 3D xấu nhưng nhóm không ngại mà cố gắng để hoàn thiện mình” - Phương kể.

Ðiều lạ là trong những bức 3D phố cổ, bên cạnh vẻ đẹp công trình và kiến trúc cổ kính, thâm trầm còn có cả khung cảnh đổ nát của Hà Nội trong chiến tranh. Phương bảo đó là vẻ đẹp của con người. Khi Hà Nội bị xâm chiếm, người ta đem bàn ghế, đồ đạc trong nhà ra làm lô cốt, đục tường nhà nọ thông với nhà kia, mang cả của cải, vàng bạc ra hiến cho cách mạng.

“Thời gian Pháp đến chiếm đóng, Hà Nội chìm trong đổ nát, hủy diệt, chết chóc và điêu tàn. Ðó là quá khứ đau buồn nhưng đối với tôi cái đổ nát cũng mang một vẻ đẹp - vẻ đẹp của tình yêu quê hương, đất nước trong con người Hà Nội, sẵn sàng bỏ tất cả những gì gây dựng được để bảo vệ một giá trị sâu hơn trong tâm hồn” - chàng trai trẻ chia sẻ.t

Niềm vui của Phương và cả nhóm khi những bức tranh được đưa ra triển lãm là nhiều nhà sử học tên tuổi đã đánh giá cao, khen ngợi tư duy sáng tạo của giới trẻ muốn tìm lại vẻ đẹp của vùng đất mình đang sống.

Kỷ niệm của những người xem tranh để lại cho họ rất nhiều. Có một bác chụp ảnh nhiều năm ở hồ Gươm bảo tháp Hòa Phong không thể như thế này, nhưng lại có một bác đã rất già nước mắt lã chã khi xem một bức ảnh và bảo chỗ này giống y hệt chỗ bác sống hồi xưa.

Thế nhưng Phương bảo những gì anh mang đến qua dự án 3D phố cổ mới chỉ là cho người ta nhìn Hà Nội bằng cái thần thái, gợi ký ức, còn hỏi đây là phố nào thì cần phải có nhiều thời gian hơn.

“Ðây mới chỉ là cuộc tập dượt, mô phỏng Hà Nội bằng công nghệ ba chiều. Là một chất liệu mới, giống màu dầu, màu nước để thể hiện tư duy về phố cổ. Còn để “phục dựng” phố cổ như từ mọi người dùng để nói về công trình này thì cần có sự nghiên cứu bài bản, những đề tài khoa học về tất cả mọi thứ” - Phương thẳng thắn.

Anh hóm hỉnh bảo thành công lớn nhất của nhóm ở chỗ “không ai ném đá vì là người đầu tiên”.

Từ thành công của 3D phố cổ, nhóm 3D Hà Nội tiếp tục chinh phục phố Pháp ở Hà Nội cũng bằng 3D và năm 2009 nhóm đã đoạt giải thưởng kiến trúc Bùi Xuân Phái về tình yêu Hà Nội.

Tranh 3D Phở gánh Hà Nội - Ảnh nhân vật cung cấp
Tranh 3D Phở gánh Hà Nội - Ảnh nhân vật cung cấp

Viết tiếp truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh

Sau những thể nghiệm về 3D phố cổ, Phương và nhóm bạn đã mở ra một công ty nhỏ chuyên về 3D, “lợi nhuận không cao nhưng đủ để duy trì mỗi tháng tiếp tục đi theo đam mê tìm về những giá trị xưa cũ”.

Năm 2011, nhóm bắt tay vẽ truyện tranh Ðất Rồng, viết tiếp truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh xuất phát từ ý tưởng “nghe có vẻ già nua”: truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên.

Nhưng đối tượng của Ðất Rồng lại là những cô bé, cậu bé 15-17 tuổi với ngôn ngữ “thần thánh một tí, đánh đấm một tí” và nét vẽ hiện đại. Bối cảnh vẫn là Hà Nội với cà phê Ðinh - quán cà phê thân thuộc của giới trẻ Hà Nội, hàng ngô nướng, trà chanh Nhà Thờ...

Phương lý giải về truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên trong truyện tranh Ðất Rồng như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá khứ, hiện tại, tương lai. Khi gặp khó khăn người Việt luôn nghĩ có một chỗ dựa tinh thần, sức mạnh tinh thần.

Trong truyện, Sơn Tinh là thủ lĩnh duy trì, bảo vệ hàng rào tâm linh các vua Hùng đã tạo ra mà các thế lực gian ác, đứng đầu là Thủy Tinh, tìm cách phá hủy cho bằng được. Sức mạnh của các vua Hùng tạo ra từ nguồn năng lượng của sự sống, của sự đoàn kết, là cái thiện; còn Thủy Tinh là hiện thân nguồn năng lượng của cái ác, của sự hủy diệt.

Năm 2012, Phương gửi Ðất Rồng tham dự cuộc thi International Manga Award của Nhật Bản và nhận được giải ba, giải duy nhất của truyện tranh Việt Nam trong số 400 tác phẩm trên toàn thế giới. Ðó là động lực để người trẻ như Phương tiếp tục đi tìm những giá trị xưa.

Ðến nay nhóm đã vẽ hơn 15 tập Ðất Rồng và đang đăng dần trên một website dành cho giới trẻ, đồng thời lên ý tưởng vẽ tiếp phần 2 của Ðất Rồng.

Phần 2 chứa đựng những lo lắng của người trẻ khi mà cái xấu, cái ác lan tràn trong xã hội, trong đó lực lượng của Thủy Tinh dần thắng thế, cái ác ngự trị. Lực lượng của Sơn Tinh bị tiêu diệt gần hết và chính Sơn Tinh cũng bị phong ấn ở một đảo chìm. Lúc đó một nhóm bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội có nhân duyên biết được câu chuyện đó đã đi tìm chìa khóa để giải cứu Sơn Tinh, mở nguồn sức mạnh dự trữ để đánh bại Thủy Tinh.

Với Phương, truyện tranh cũng là đam mê của anh, nhất là truyện tranh chủ đề thần thoại, truyền thuyết Việt Nam.

Theo quan điểm của anh, truyền thuyết phải được sống, tương tác với cộng đồng thì mới không mai một nhưng kho tàng truyền thuyết ở nước ta chỉ được đóng trong những cái hòm.

“Chúng ta có tâm lý cái gì cũng phải làm hoành tráng, nhưng nếu mình kém thì làm những việc vừa sức thôi. Cứ cho là kỹ xảo, công nghệ kém, có thể không xuất sắc nhưng ít ra còn có cái mốc để sau này có người làm tiếp” - Phương nói.

__________

Kỳ tới: Giữ cho liền mạch nghề xưa

 

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp