Dự báo dân số Việt Nam "siêu già" là một nội dung đáng chú ý về Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Y tế trình xin ý kiến các bộ, ngành trung ương.
Tính đến trước cuộc họp thẩm định do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì ngày 28-7, quy hoạch này đã trải qua 9 lần dự thảo, đã xin ý kiến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cùng các vụ, cục của Bộ Y tế.
Theo Bộ Y tế, dân số cả nước được dự báo tăng dần qua các năm, nhưng tốc độ tăng dân số bình quân giảm dần, từ 0,93% trong giai đoạn 2020-2025 xuống còn 0,42% trong giai đoạn 2040-2045.
Dân số nước ta vào năm 2030 và năm 2050 dự kiến sẽ ở mức tương ứng từ 105 và 115 triệu người. Trong 6 vùng kinh tế - xã hội, quy mô dân số của vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc Trung Bộ - Duyên hải miền Trung luôn đứng đầu cả nước.
Trong khi, vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên thuộc nhóm có quy mô dân số thấp nhất trong toàn bộ giai đoạn dự báo.
Việt Nam được dự báo sẽ bắt đầu thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2%.
Thời kỳ dân số già của nước ta sẽ kéo dài 20 năm, từ năm 2036 - 2055. Sau giai đoạn này, từ năm 2056 - 2069 sẽ có cơ cấu dân số "siêu già", tương ứng với tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 21%.
Đây cũng là lý do mà các nhà nhân khẩu học đưa ra cảnh báo Việt Nam cần có sự chuẩn bị phù hợp ngay từ bây giờ mới có thể thích nghi được với quá trình già hóa dân số.
Mức sinh thấp (1,53 con/phụ nữ), chênh lệch giới tính tăng (106-108 trẻ nam/100 trẻ nữ), bệnh tật gia tăng, đặc biệt các bệnh mãn tính. Các nhà nhân khẩu học thường dùng một thuật ngữ đó là dân số Việt Nam đang đứng trước nguy cơ "già trước khi giàu".
Cũng theo Bộ Y tế, dân số thành thị đã tăng từ 33,1 triệu người năm 2019 lên 75,8 triệu người năm 2069. Như vậy, sau 50 năm số dân thành thị của nước ta dự báo tăng thêm gần 42,7 triệu người. Bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 850.000 người.
Đến năm 2030, dự báo nước ta sẽ có 50% dân số sống ở khu vực thành thị. Đến cuối thời kỳ dự báo (tức năm 2069), tỉ lệ dân số sống ở khu vực thành thị chiếm 64,8%.
Phát triển mạng lưới y tế: "Không được cào bằng"
Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 28-7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế là rất quan trọng, quy hoạch cần phân tích rõ hiện trạng mạng lưới cơ sở y tế hiện nay.
Một trong các bất cập lớn nhất của ngành y tế hiện nay, theo các đơn vị là khả năng tiếp cận tới bệnh viện trung ương ở một số vùng rất thấp.
Từ đó, phó thủ tướng định hướng việc quy hoạch cần bao trùm cả địa giới hành chính lẫn vùng địa lý tự nhiên khác nhau, hệ thống cơ sở y tế chuyên khoa, chuyên sâu, mạng lưới kiểm định, kiểm chuẩn thuốc, mỹ phẩm; thậm chí cả hoạt động bảo quản, vận chuyển, phân phối thuốc.
"Nhưng cần lưu ý quy hoạch không cào bằng trong phát triển mạng lưới cơ sở y tế, mà phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý tự nhiên của từng vùng, từng địa phương" - Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận