Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên không được trợ cấp thôi việc kể từ 1-2-2021 - Ảnh: H.Q.
Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Nghị định nêu rõ người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại điều 46 của Bộ luật lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại điều 34 của Bộ luật lao động, trừ các trường hợp sau:
- Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại điều 169 của Bộ luật lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội,
- Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên quy định tại điều 36 của Bộ luật lao động. Trường hợp được coi là có lý do chính đáng theo quy định tại điều 125 của Bộ luật lao động.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại điều 47 của Bộ luật lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại điều 34 của Bộ luật lao động.
Trường hợp người lao động có thời gian làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm ít hơn 24 tháng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động ít nhất bằng 2 tháng tiền lương.
Nghị định cũng nêu rõ kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm đối với người lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của người sử dụng lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận