Nhà máy đường - Ảnh: Tấn Minh
Theo đó, từ ngày 18-4 đến 17-5, đơn vị này đã mua thành công 61.600.900 cổ phiếu, tương ứng 11% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh, với mỗi cổ phần được mua với giá bình quân 17.856 đồng/cổ phần, SBT đã chi ra tổng cộng gần 1.100 tỷ đồng để thực hiện việc mua cổ phiếu quỹ.
Theo các chuyên gia, dù điều kiện thị trường không thuận lợi, đơn vị này vẫn mua 74% số lượng cổ phiếu đã đăng ký trước đó. Việc mua lại này được đánh giá là có quy mô trên thị trường chứng khoán từ trước đến nay với giá trị CPQ đạt trên 11% Vốn điều lệ. Giá cổ phiếu SBT bước đầu ổn định trong thời gian gần đây.
Theo đại diện đơn vị này, việc mua lại CPQ là bước đi quan trọng trong nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và cổ đông, hạn chế rủi ro pha loãng cho cổ đông hiện hữu, hỗ trợ gia tăng giá trị của cổ đông trong tương lai.
Được biết, ngoài việc nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, SBT tiếp tục mở rộng phân khúc thi trường tiêu chuẩn cao (đạt được các tiêu chí đánh giá nhà cung cấp về chất lượng của các tên tuổi lớn như Nestle, Vinamilk…).
Đồng thời, đơn vị này cũng tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao như đường hữu cơ tiêu chuẩn Châu Âu (Organic), đường ăn kiêng, đường vàng thiên nhiên… để đáp ứng nhu cầu cao cấp và đa dạng của các nhóm khách hàng kênh tiêu dùng.
"Các sản phẩm có giá trị gia tăng cao đang góp phần cải thiện tốt biên lợi nhuận ở mảng kinh doanh cốt lõi", đại diện đơn vị này cho biết.
Cũng theo đại diện đơn vị này, sau sáp nhập, 9 tháng đầu năm niên độ tài chính 2017-2018, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của đơn vị này tăng lần lượt 153% và 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng tài sản tương đương 833 triệu đô la Mỹ, tăng gấp 2,4 lần so với đầu niên độ. "Nhờ chất lượng dòng tiền cải thiện tích cực, công ty đã sử dụng tiền nhàn rỗi cho khoảng đầu tư sinh lợi hiệu quả trong tương lai", đại diện đơn vị này cho biết thêm.
Đại diện TTC cho biết, đơn vị này đặt mục tiêu đạt sản lượng tiêu thụ hơn 1,1 triệu tấn đường, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của sản lượng tiêu thụ lên đến 35%/năm, tiếp tục nâng cao thị phần trong vị thế dẫn đầu.
"Ban lãnh đạo có cơ sở đạt được mục tiêu nói trên, sau khi đã hoàn thiện được chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khách hàng, chiến lược phủ rộng thị trường, đầu tư theo chiều sâu, liên tục nghiên cứu phát triển và tung ra sản phẩm mới phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng", vị này cho biết.
Cổ phiếu SBT có tính thanh khoản tương đối tốt
Cổ phiếu SBT đang được định giá khá thấp với P/E chỉ đạt 12,8 lần, thấp hơn đáng kể so với P/E các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như VNM (25,5 lần) và MSN (29,0 lần). Vị thế dẫn đầu ngành đường, cơ sở khách hàng liên tục được củng cố và mở rộng, cũng như tiềm năng tăng trưởng vững chắc cho giai đoạn 2018-2020, định giá cổ phiếu SBT chưa thực sự tương xứng với giá trị thực của đơn vị này.
Theo đánh giá phân tích trong Quý 1 và 2, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), Chứng khoán Mirae Asset (MASC) khuyến nghị mua cổ phiếu SBT dựa trên đánh giá tiềm năng tăng trưởng, chiến lược kinh doanh của đơn vị này trong dài hạn. Trong Quý 3, đa số các chỉ số về kinh doanh và tài chính đều cải thiện, giúp doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế hoàn thành 83% và 72% kế hoạch năm.
Theo các chuyên gia, cổ phiếu SBT có tính thanh khoản tương đối tốt thể hiện qua hoạt động giao dịch sôi động với khối lượng và giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân lần lượt đạt khoảng gần 4 triệu cổ phiếu và 95 tỷ đồng trên một phiên giao dịch. Trong nửa đầu tháng 5, một số quỹ có tiếng nói trên thị trường đang nắm giữ cổ phiếu SBT trong danh mục bao gồm VanEck Vectors Vietnam ETF (2,44%), FTSE Vietnam Index (1,22%), E1VFVN30 ETF (1,196%), FUESSV50 ETF (0,49%), iShares MSCI Frontier 100 ETF (0,2%).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận