08/08/2022 07:19 GMT+7

Truyền và hành trình đi đến phép màu

TRẦN MAI ghi
TRẦN MAI ghi

TTO - 'Mình đã bắt đầu hành trình trải nghiệm 3 tháng tại khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, đúng với chuyên ngành mình học', Lê Thanh Truyền viết trong những ngày 'Tiếp sức đến trường' khởi động mùa thứ 20.

Truyền và hành trình đi đến phép màu - Ảnh 1.

Hành trình đến với giấc mơ bác sĩ đầy nhọc nhằn và trắc trở của Lê Thanh Truyền giờ đây đã thành hiện thực. Đó là hành trình mà Truyền ví như một phép màu của cuộc đời anh - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Lê Thanh Truyền, nhân vật từng xuất hiện trong phóng sự ảnh Vững chãi trong cuộc đời buồn (Tuổi Trẻ ngày 16-8-2015). Năm ấy, nhiều bạn đọc đã rơi nước mắt trước câu chuyện của anh chàng tân sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM "nghèo hơn cả nghèo" này!

Mẹ bỏ đi khi Truyền mới hơn 1 tuổi, em trai tròn 2 tháng tuổi, cha Truyền lâm bệnh nằm liệt nhiều năm rồi qua đời. Nhưng Truyền chưa bao giờ từ bỏ ước mơ của đời mình. 

Từng nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" của Tuổi Trẻ năm 2015, bảy năm sau, Truyền đã là bác sĩ và đang trải nghiệm 3 tháng làm việc tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM.

Anh nhớ lại những năm tháng nhọc nhằn và trắc trở đã qua để hoàn thành giấc mơ.

Trụ lại ở TP.HCM

Mùa thu năm 2015, mình vui đến phát khóc khi nhận tin báo trúng tuyển ngành bác sĩ y học dự phòng Trường ĐH Y dược TP.HCM. Và nỗi lo cũng ập đến liền sau đó. Tiền đâu vào TP học, rồi ai lo cho em trai? Ngày quyết tâm khăn gói lên đường, để đứa em trai ở lại quê nhà, mình tin sẽ có cánh cửa và cơ hội mở ra, giúp mình hiện thực ước mơ.

Truyền và hành trình đi đến phép màu - Ảnh 2.

Ước mơ ngày xưa của Truyền "tôi sẽ làm bác sĩ" - Ảnh: TRẦN MAI

Ngày đầu tiên đặt chân xuống Sài Gòn, hành trang của mình là bao gạo và chiếc balô với vài bộ quần áo. Nói thật, nỗi sợ lớn nhất khi ấy chỉ là sợ đói! 

Nhưng suất học bổng "Tiếp sức đến trường" của Tuổi Trẻ cùng sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm, nhà trường, Đoàn thanh niên... đã đưa mình vào giảng đường, dần ổn định cuộc sống, bắt đầu hành trình sinh viên.

Mình đi làm thêm từ học kỳ 2 của năm thứ nhất với rất nhiều công việc: bán bánh dạo, phục vụ tiệc cưới, chạy Grab, giao thuốc cho bệnh nhân, gia sư, quản lý phòng trọ. Nhưng mình thích nhất là làm cộng tác viên bán áo blouse, khẩu trang. Chính công việc này đã nuôi giấc mơ kinh doanh của mình hiện tại.

Rồi cậu em trai Phù Sa của mình trúng tuyển Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. "Chuyến xe" Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ một lần nữa đón cậu em trai vào Sài Gòn cùng với mình bằng suất học bổng như đã trao cho mình trước đó. Nhưng bệnh trầm cảm của Phù Sa tái phát, em đành phải dang dở và hiện đang quản lý tại một cửa hàng vật liệu.

Truyền và hành trình đi đến phép màu - Ảnh 3.

Lê Thanh Truyền được các bác sĩ tại khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y dược hướng dẫn trong quá trình trải nghiệm tại bệnh viện - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Cứu người và khởi nghiệp

Hai năm dịch bệnh khó khăn đi qua cũng là lúc mình tốt nghiệp. Thời khắc đại diện cho các bạn toàn khóa đọc lời tuyên thệ của ngành y trong đại giảng đường y khoa, mình hiểu rằng cuộc đời mình đã bước sang trang mới, đã chạm đến ước mơ trở thành bác sĩ.

Mình chọn khởi nghiệp trước khi đi làm ở bệnh viện. Cửa hàng thời trang y tế YoungMed ra đời, cung cấp áo blouse, khẩu trang, sách y khoa... Ý tưởng về YoungMed mình đã ấp ủ khi còn đứng bán hàng và chứng kiến nhiều bạn sinh viên y khoa không đủ tiền mua chiếc áo blouse dù rất đơn sơ. Mình muốn mang lại trang phục chỉn chu, đẹp, chất lượng với giá rất sinh viên cho đồng nghiệp tương lai.

Mình đã bắt đầu hành trình trải nghiệm 3 tháng tại khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, đúng với chuyên ngành mình học. Sẽ là thử thách rất lớn để có thể được trở thành bác sĩ tại đây nhưng chắc chắn 3 tháng trải nghiệm này là cơ hội tốt nhất để mình hiểu, nắm bắt những gì mình có thể làm và đóng góp cùng bệnh viện. 

Đó sẽ là nơi mình được học hỏi nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, được cống hiến và có điều kiện giúp đỡ, chăm sóc cho những bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo.

Lời cảm ơn không bao giờ đủ

Chỉ tiếc là ba đã không còn để chứng kiến con trai mình chạm tay vào ước mơ. Chính ba đã thắp lên, nuôi dưỡng và hy vọng để hôm nay mình đang tiếp nối giấc mơ dang dở ấy của ba. Ở nơi nào đó, chắc ba sẽ vui lắm!

Tận đáy lòng, mình biết những gì mình có đến lúc này là nhờ rất lớn vào sự giúp đỡ của biết bao người mà mình có duyên biết đến, gặp gỡ. 

Sự giúp đỡ của mỗi người là khác nhau nhưng nếu không có những ân nhân đó, sẽ không có mình - bác sĩ Lê Thanh Truyền hôm nay. 

Một lời cảm ơn sẽ không nói hết những gì mình muốn gửi đến các cô chú, anh chị, quý ân nhân đã từng giúp mình. Mối ân tình đó sẽ đi theo mình mãi mãi.

LÊ THANH TRUYỀN

Mình đã nhận rất nhiều để có thể vượt qua những bước ngoặt của cuộc đời. Đã đến lúc mình nên bắt đầu hành trình cho đi nhiều hơn, như một sự tiếp nối nghĩa cử mà bao tấm lòng vàng năm nào mở ra với mình, cũng là lời tri ân và cảm ơn cuộc đời, ít nhất là trong quãng thời gian hành nghề y phía trước.

Với mình, cuộc sống như một phép màu vậy! Nhưng nếu không kiên trì, không nỗ lực mỗi ngày tiến lên phía trước, phép màu đó sẽ không xuất hiện.

Ngoài kia có rất nhiều đường lớn, đừng tự ti nghèo khó mà chọn đường hẻm. Có nỗ lực, phấn đấu sẽ có đích đến.

LÊ THANH TRUYỀN

Truyền và hành trình đi đến phép màu - Ảnh 6.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

"Gặp Truyền, thấy trên đời chẳng còn điều gì khổ cả!"

07602 3(Read-Only)

Truyền làm thêm ở nhà sách Thơ Thơ (phường Nguyễn Nghiêm, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi). Đây là công việc cuối cùng trong một ngày quần quật mưu sinh khi còn ở quê nhà - Ảnh: TRẦN MAI

Lê Thanh Truyền từng gọi cho tôi: "Em tốt nghiệp đại học rồi. Anh có cách nào cho em cảm ơn sự giúp đỡ của mọi người không?".

Từ cậu bé vươn lên giữa bão dông đến chàng bác sĩ hôm nay là hành trình rất dài. Ở đó có ý chí, nghị lực, quyết tâm và cả kỷ luật Truyền dành cho chính mình.

Tôi biết Truyền từ năm 2014, khi anh chàng đang học lớp 11, trong những lần đi cùng với nhóm từ thiện của anh Phạm Duy Nhật (TP Quảng Ngãi). Thông tin từ thầy cô về cậu chỉ vỏn vẹn: "Truyền mồ côi, học sinh giỏi nhiều năm, vừa học vừa làm thêm đủ việc để nuôi mình và em trai không ổn về tâm lý".

Chúng tôi tìm về thôn An Trường, xã Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi). Hỏi đường đến nhà Truyền, nghe bà con khen rất nhiều nhưng tôi nhớ nhất câu nói của một người hàng xóm: "Anh em Truyền rất khổ, nhưng gặp nó là thấy trên đời chẳng còn điều gì khổ cả".

Và khi tiếp xúc với Truyền, nhìn nụ cười, cách cậu chăm chút ngôi nhà nhỏ bé sạch sẽ và ngăn nắp, tôi nói với người bạn đi cùng: "Truyền sẽ thành công"!

Năm 2015, hay tin Truyền tốt nghiệp THPT, tôi trở lại nhà Truyền. Lúc này Truyền di chuyển như con thoi. 5h thức dậy nấu ăn, quét nhà, phát cỏ dại quanh vườn, chăm sóc thửa đậu phộng rồi ra đồng gặt lúa mướn. 11h trưa đạp xe đi mua ve chai, phân loại rồi mang đi bán, ra chợ mua thức ăn. 12h ăn cơm với mớ da heo trộn và nồi canh rau "không nhân". Chiều lại một núi công việc: đi mua cây keo giống, cùng em trai dọn dẹp vườn để trồng bắp, đi dạy thêm, về nấu cơm chiều. 18h Truyền lại làm thêm ở một tiệm sách. 21h trở về nhà, chăm sóc cho em trai (bị trầm cảm) rồi ngồi vào bàn học.

Nhớ nhất đêm ngủ lại nhà Truyền. Nhà chật, cậu trải chiếc chiếu ngoài hiên để hai anh em có chỗ nằm. Trong cuộc trò chuyện, Truyền nói về nỗi lo khi cậu đi học, không ai chăm em. Đêm đó, mấy lần tôi suýt khóc. Tôi tự hỏi nghị lực nào đã giúp cậu nhỏ gồng gánh gia đình và chuyện học hành của mình bao năm như thế?

Ngày Truyền nhận học bổng "Tiếp sức đến trường", rồi nhiều nhà hảo tâm muốn "tiếp sức" cho Truyền, hai anh em vui lắm. Chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau. Tôi nhắc Truyền cứ lo học, nếu gặp khó thì gọi, giúp được, tôi luôn hết lòng. Nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ Truyền nhờ tôi giúp, cho đến tận ngày ra trường.

Những lần trả lời tin nhắn thường đến vào tối muộn, Truyền báo mình ổn, gửi thêm tấm hình cười thật tươi. Nụ cười ấy khiến người xem cảm thấy cuộc đời không có khó khăn nào cả.

Đã 8 năm trôi qua từ ngày đầu tiên tôi gặp Truyền. 8 năm ấy, cậu đã kịp vun vén giấc mơ của mình thành sự thật. Nay Truyền đã khoác lên mình bộ đồ trắng thiên thần để cứu người. Bác sĩ giờ đây đã không còn chỉ là bức vẽ mà Truyền treo ngay bàn học 8 năm trước...

TRẦN MAI

Tình nguyện viên chống dịch COVID-19

Khi dịch COVID-19 ập đến, chúng tôi gặp Truyền khi ấy đang học năm cuối. Bộn bề việc học nhưng anh vẫn có mặt trong đội hình tình nguyện sinh viên y khoa chống dịch cùng TP.HCM. Ngoài hỗ trợ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, anh cùng các bạn đi phát thuốc cho các F0 ở nhiều quận huyện.

"Trong suốt 6 năm ở TP.HCM, chưa bao giờ mình thấy cảnh đường phố không một bóng xe, bóng người như vậy. Những ngày tháng đó, mình nhận ra vai trò của y tế và ngành y học dự phòng quan trọng đến dường nào. Điều đó khiến mình tự nhủ bản thân phải phấn đấu hơn nữa trên con đường đã chọn và dấn thân", Truyền tâm sự.

Vững chãi trong cuộc đời buồn Vững chãi trong cuộc đời buồn

TT - Với nhiều học trò khác, sau khi thi xong sẽ nghỉ ngơi, đi chơi cùng bạn bè, chờ kết quả xét tuyển... Riêng với Lê Thanh Truyền, ngày nào cũng như ngày nấy, đó là mang những gánh nặng lo toan.

TRẦN MAI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp