22/05/2020 14:15 GMT+7

Truyền thuyết về Quán Tiên: Nội tâm con người thời chiến

MI LY
MI LY

TTO - Truyền thuyết về Quán Tiên (khởi chiếu từ ngày 22-5) là câu chuyện về khao khát tình yêu và ẩn ức tình dục của 3 nữ thanh niên xung phong ở Trường Sơn thời chống Mỹ.

Trailer phim Truyền thuyết về Quán Tiên

Ba nữ thanh niên xung phong ở Quán Tiên, mỗi người là một mẫu phụ nữ. Mùi đàn bà, mặn mà nhưng chung thủy, kìm nén. Tuyết Lan bản năng, ngoài hiền lành trong dữ dội, mắc chứng cuồng loạn. Phượng trẻ con, vô tư nhưng sâu nặng khi yêu.

Khát khao tình yêu và những ẩn ức

Trong Truyền thuyết về Quán Tiên, các nhân vật thể hiện nhiều cung bậc nội tâm, dù không phải cung bậc nào cũng có chiều sâu: khát khao tình yêu, ẩn ức tình dục, giằng xé giữa nhiệm vụ và bản năng, giữa lòng yêu nước và tình cảm riêng, giữa quyết tâm hi sinh và lựa chọn sống cho riêng mình...

Truyền thuyết về Quán Tiên: Nội tâm con người thời chiến - Ảnh 2.

3 cô gái Mùi, Phượng, Tuyết Lan của Truyền thuyết về Quán Tiên - Ảnh: GALAXY

Trong lời giới thiệu của nhà phát hành có tình tiết gây sốc "khỉ vượn hiếp người", nhưng trên thực tế phim không thể hiện sống sượng chi tiết này.

Truyền thuyết về Quán Tiên do Đinh Tuấn Vũ đạo diễn, lấy bối cảnh Trường Sơn thời chống Mỹ, theo truyện ngắn gốc của nhà văn Xuân Thiều là năm 1966. Ba cô gái Mùi, Lan và Phượng được binh trạm trưởng giao nhiệm vụ mở quán ăn trong hang để tiếp tế cho bộ đội hành quân.

Trên đường ra tiền tuyến, bộ đội có những phút nghỉ ngơi bình yên nên họ gọi nơi đây là Quán Tiên. 3 cô gái và Quán Tiên trở thành huyền thoại đối với những người lính mãi về sau.

Truyền thuyết về Quán Tiên: Nội tâm con người thời chiến - Ảnh 3.

Mùi (Đỗ Thúy Hằng), nhân vật trung tâm của câu chuyện - Ảnh: GALAXY

Phượng (Hồ Minh Khuê đóng) như một điểm sáng vui vẻ của phim, của "tuổi 20 phập phồng", thích nói đùa cả trong những tình huống nghiêm túc. Mùi (Đỗ Thúy Hằng) "ngoài cứng trong mềm", đầy trách nhiệm, nghiêm khắc nhưng ngày đêm thương nhớ người chồng đi B bặt vô âm tín.

Phượng và Mùi giống như hai giai đoạn khác nhau của người phụ nữ: khi đang yêu say đắm và khi đã mất mát. Nhưng họ cũng là hai mẫu phụ nữ khác hẳn nhau, thu hút những đối tượng khác nhau.

Cô gái thứ ba là Tuyết Lan (Hoàng Mai Anh), mắc chứng cuồng loạn (hysteria). Một nữ thanh niên xung phong mắc chứng cuồng loạn cũng là mới, hiếm trong phim chiến tranh.

Truyền thuyết về Quán Tiên: Nội tâm con người thời chiến - Ảnh 4.

Hồ Minh Khuê gây thiện cảm với vai Phượng còn Hoàng Mai Anh vượt khó với vai Tuyết Lan - Ảnh: GALAXY

Truyền thuyết về Quán Tiên có nhiều chi tiết sống động về hơn một năm sống trong hang của 3 cô gái, làm bật lên tính cách. Và tính cách tạo nên số phận khá hợp lý. Về diễn xuất, 3 diễn viên làm tròn vai, tạo được đồng cảm nhưng chưa đủ bật lên thành những vai diễn xuất sắc, khó quên.

Bên cạnh đó, có các nhân vật nam song hành với 3 nhân vật nữ. Thiệt (Trần Việt Hoàng đóng) có ngoại hình sáng, gắn bó lâu với các cô gái và kể lại chuyện Quán Tiên. Ku Xê (Leo Nguyễn) năng động, mang lại tiếng cười cho khán giả. Anh lái xe Quỳnh (Lê Hoàng Long) lịch lãm, gây nhung nhớ.

Truyền thuyết về Quán Tiên: Nội tâm con người thời chiến - Ảnh 5.

3 nhân vật nam trong phim: Thiệt, Ku Xê và Quỳnh - Ảnh: GALAXY

Điểm yếu kĩ xảo

Dù chọn chủ đề có chiều sâu, xây dựng dàn nhân vật nữ tốt nhưng kỹ xảo là điểm yếu lớn của phim. Do kinh phí và tư liệu, hình ảnh con khỉ - nhân vật gây ám ảnh trong phim - chưa được như mong muốn.

Kỹ xảo không thật, dễ dàng nhận ra "con khỉ công nghệ" nên gây ảnh hưởng đến cảm xúc của người xem.

Truyền thuyết về Quán Tiên: Nội tâm con người thời chiến - Ảnh 6.

Nhân vật Mùi có nhiều cánh "giao tiếp" với con khỉ - Ảnh: GALAXY

Trước đó, việc lồng ghép phim tư liệu của chú khỉ có thật với diễn xuất của Thúy Hằng tạo nên tương tác khá tốt. Một điểm yếu khác của phim là lời thoại đôi khi bám truyện gốc, nhất là ở phần đầu, gây cảm giác văn viết, thiếu tự nhiên. Cảnh cuối phim lại được lướt khá nhanh nên thiếu chút lắng đọng.

Dù thế, nhìn từ bộ phim đoạt Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam 2019 và Cánh diều bạc tại giải Cánh diều 2020 này, có thể thấy: khi chiến tranh đang dần lùi xa, ngày càng xa với khán giả trẻ, phim ảnh càng nên xoáy sâu vào nội tâm con người để tìm đồng cảm giữa nhiều thế hệ.

quan tien

Bộ phim có một số thay đổi theo chiều hướng tươi sáng so với truyện gốc Truyền thuyết về Quán Tiên - Ảnh: GALAXY

Phim khác gì so với truyện ngắn gốc?

Chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Xuân Thiều, phim thay đổi một số chỗ. Truyện dữ dội hơn về tính cách, có tốt có xấu, nhấn mạnh sự tàn nhẫn của chiến tranh khi chia lìa con người.

Trên phim, nhân vật theo chiều hướng tốt, kể cả người mắc lỗi. Sự trách móc hay luận tội không quá nặng nề. Phim kết thúc có hậu hơn ở một vài nhân vật.

Phim Việt rục rịch ra rạp Phim Việt rục rịch ra rạp

TTO - Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, các hãng phát hành bắt đầu công bố lịch chiếu phim từ tháng 5 đến cuối năm, dù rạp phim chưa được mở cửa trở lại.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp