ở Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Tôi đã đọc nhiều nghiên cứu nói rằng Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia thải nhựa ra đại dương nhiều nhất, chuyện này thật khó chấp nhận. Bản thân mình, tôi luôn cố gắng không xài đồ nhựa, trừ những trường hợp bắt buộc cần.
Nếu bạn thật sự bắt đầu nghĩ về rác thải, hãy nhìn xung quanh nhà và văn phòng của bạn. Đồ dùng của bạn làm từ vật liệu gì nhiều nhất? Là nhựa.
Nhựa ở khắp nơi, nhưng quan niệm sai lầm phổ biến nhất, theo tôi, là người ta nghĩ toàn bộ đồ nhựa đều tái chế được. Ví dụ, với một chai nhựa đựng nước, bản thân cái chai có thể tái chế được nhưng nắp chai thì không.
Vấn đề mà tôi thật sự thấy ở Việt Nam là mỗi lần mua một món gì đó, người ta đều muốn đưa cho bạn rất nhiều nhựa.
Ví dụ như khi bạn mua một tô phở, thông thường người bán sẽ đựng trong tô nhựa hoặc tô xốp, sau đó bỏ vào 1-2 lớp bọc nilông nữa, cho thêm muỗng nhựa đã được bọc sẵn trong bao nhựa và cuối cùng là khăn giấy cũng được bỏ trong bao nhựa nốt. Tôi đã thấy chuyện đó rất nhiều lần, nên tôi nghĩ chắc là "quy chuẩn" ở đây như vậy.
Ông Daaron R. Porter
Mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam không còn túi nilông dùng một lần, dù có khả thi hay không, theo tôi cũng là một bước khởi đầu. Ít nhất nó cho thấy Chính phủ đã nhận thấy tình hình và sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu đó.
Tôi nghĩ ai cũng ý thức được đây là một mục tiêu cần nhiều nỗ lực bởi bạn phải khiến cho mọi người hợp tác với mình, cùng nhận ra rác thải nhựa đang là vấn đề, cũng như những hình phạt mà người ta phải đối mặt nếu không tuân thủ các quy định.
Để thực hiện mục tiêu này, điều đầu tiên mà tôi nghĩ đến là Chính phủ nên bắt đầu một chiến dịch giáo dục đại chúng với các chương trình trong trường học, sự kiện cộng đồng, công ty, các đơn vị nhà nước.
Để các nội dung giáo dục được truyền tải thành công thì dù chủ đề gì cũng nên được trình bày ngắn gọn và vui nhộn. Không ai muốn ngồi nghe những bài giảng chán ngắt cả.
Bên cạnh giáo dục, cũng nên tổ chức những hoạt động nhặt rác tại công viên hay bãi biển cho học sinh, để các em tận mắt thấy được tác hại của rác thải và cần phải tốn bao nhiêu công sức để dọn dẹp.
Ngoài ra, các bài học khoa học nói về vấn đề này cũng sẽ hữu ích. Ví dụ như các em có thể thực hiện các dự án về phân loại rác thải, hoặc nhận biết sản phẩm nào có thể tái chế và cái nào thì không.
Một trong những khó khăn nên tính đến là điều này sẽ gây ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người, nên Chính phủ cần phải có một kế hoạch vững chắc và có cách thuyết phục người dân rằng đây là quyết định tốt nhất.
Ngoài ra, phải cần đến các chuyên gia tham vấn, nghiên cứu ý tưởng làm sao cho thành công, cũng như làm thế nào để giảm thiểu thất thoát thu nhập cho người dân.
Một điều chắc chắn chúng ta có thể dự đoán được là giá của những món ăn mua mang đi sẽ tăng. Đây cũng là lúc chúng ta tính đến những vật liệu thay thế cho nhựa, cũng như giá cả của chúng.
Việc giảm đồ nhựa dùng một lần sẽ gây khó khăn cho nhiều người bởi họ phải thay đổi thói quen của mình. Người ta lại thường không thích thay đổi. Ví dụ, những người buôn bán phải học cách thay đổi vì mục tiêu đó, đồng thời phải đảm bảo sinh kế nhưng không được mất đi tính cạnh tranh với những người buôn bán khác.
Trước đây, vấn nạn rác nhựa đã không nhận được nhiều sự chú ý, nhưng gần đây tình hình đang trở nên tích cực hơn. Ở Mỹ, một số bang, trong đó có New York, đã bắt đầu cấm ống hút nhựa, một động thái theo tôi là rất tích cực vì chúng ta đã "thức tỉnh" và nỗ lực để cải thiện tình hình, dù vẫn chưa nhanh.
* Bà LAURA REHMANN (người Đức): Tính phí túi nilông
Mặc dù hình ảnh người Đức trong mắt thế giới rất tốt, trên thực tế nhiều người vẫn còn thờ ơ với các vấn đề môi trường.
Phần lớn các hành vi tích cực như phân loại rác, tái sử dụng chai lọ thủy tinh, tái chế chai nhựa hay hạn chế sử dụng túi nilông đều do chính phủ có cơ chế và chính sách khuyến khích người dân.
Dù người Đức nào cũng sẽ khẳng định vấn đề môi trường là quan trọng và cần được chú ý, họ vẫn sẽ không đánh đổi sự tiện lợi để bảo vệ môi trường.
Cụ thể, chính phủ đã quy định các cơ sở kinh doanh phải tính phí túi nilông thay vì cho miễn phí như trước để tránh việc sử dụng vô tội vạ.
Dù phần lớn cửa hàng đều tính số tiền rất nhỏ cho túi nilông, nó sẽ không cho phép nhân viên tự tiện lấy túi nilông ra đưa, mà luôn phải hỏi khách có cần đến hay không. Nhiều cửa hàng còn không hỏi mà cứ treo túi nilông ngay quầy tính tiền, ai cần có thể lấy.
Một số cách khác để giảm rác thải nói chung, chứ không chỉ là vấn đề túi nilông và rác thải nhựa, là liên tục đổi mới và cải tiến hệ thống phân loại rác, cũng như áp dụng nhiều cách khuyến khích tái chế như trả lại tiền cho người dân mỗi khi mang trả các chai lọ thủy tinh, lon thiếc, chai nhựa... cũng được áp dụng.
Hiện nay, chính phủ còn nhắm đến việc ngưng sử dụng nhiệt điện và thay bằng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và điện gió.
* Ông Tony Shepherd (người Úc): Mục tiêu của Việt Nam là khả thi
Nhiều năm làm quản lý trong lĩnh vực khách sạn, resort, tôi thấy có nơi người ta đựng dầu gội, sữa tắm, sữa dưỡng thể trong những chai nhựa dùng một lần thay vì bình gốm, rồi xà bông tắm cũng được bọc nhựa thay vì giấy tái chế được. Thậm chí áo choàng tắm cũng bọc nhựa rồi treo trong tủ quần áo...
Tôi nghĩ mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam không dùng túi nilông là khả thi. Thật tuyệt vì những người có thẩm quyền đã để tâm đến chuyện này. Tôi nghĩ việc Chính phủ lên tiếng và nói cho mọi người rằng họ nên và không nên làm gì là điều cần thiết, sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn là chỉ dựa vào cộng đồng.
* Bà PAMELA REYES (người Philippines): Giảm rác thải nhựa gắn với kinh tế và văn hóa
Manila, thủ đô Philippines, là một trong những thành phố ô nhiễm nhất đất nước với lượng rác thải khổng lồ, trong đó phần lớn là túi nilông, sản phẩm không tái sử dụng được và các loại rác thải nhựa.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng người Philippines, cũng như người Việt Nam, "bị buộc phải" sống với túi nilông và rác thải nhựa do điều kiện kinh tế hay đặc thù văn hóa. Ví dụ ở Philippines nổi tiếng với văn hóa ẩm thực đường phố.
Nhưng đây có lẽ là một trong những nguyên nhân chính của việc xả rác bừa bãi, đồng thời tạo ra nhiều rác thải nhựa. Theo quan sát của tôi, rất nhiều rác thải nhựa ở Việt Nam cũng bắt nguồn từ ẩm thực đường phố, các quán ăn lề đường và thói quen "mua mang đi".
Một ví dụ khác là nhiều người dân Philippines do không đủ điều kiện mua hàng hóa với số lượng lớn hay mua theo cân mà họ phải mua theo các gói nhỏ, vì vậy càng gây ô nhiễm môi trường.
Bởi người mua chưa thể đầu tư tiền cho những túi vải, họ buộc sử dụng các túi nilông - vừa tiện vừa rẻ. Điều kiện kinh tế của nhóm người này cần phải thay đổi mới mong họ nghĩ đến môi trường được.
Các vấn đề về môi trường đều phức tạp, nên không thể quy trách nhiệm cho một tổ chức hay cá nhân nào đó. Đây là trách nhiệm của tất cả mọi người.
Tôi nghĩ chính phủ cần phải có quy định nghiêm khắc để người dân làm theo, trường học có trách nhiệm phải giáo dục. Ngay cả mỗi cá nhân cũng phải có trách nhiệm với môi trường.
Cụ thể, cha mẹ cần phải dạy cho con thói quen không xả rác và sử dụng những hộp thức ăn tái sử dụng được, bạn bè có trách nhiệm thông tin, nhắc nhở lẫn nhau và người dân có trách nhiệm cố gắng giảm thiểu tác động của mình lên môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận