Người biểu tình Chile đốt phá tại thủ đô Santiago - Ảnh: REUTERS
Theo Đài CNN, một số bài xã luận từ Trung Quốc thậm chí còn đi xa hơn, cho rằng những cuộc bạo động ở Nam Mỹ và châu Âu là kết quả của việc các quốc gia, dẫn đầu là Mỹ, dung túng cho cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Người biểu tình đã tập trung trên đường phố Barcelona (Tây Ban Nha) suốt tuần qua để kêu gọi độc lập cho xứ Catalonia, sau khi các chính trị gia ủng hộ độc lập bị cầm tù với những bản án dài hơn mong đợi. Hơn 200 sĩ quan cảnh sát đã bị thương và 171 phương tiện bị hư hại kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào tuần trước.
Tại Chile, quân đội đã ban hành lệnh giới nghiêm toàn thủ đô Santiago trước các cuộc biểu tình kéo dài chống lại việc tăng chi phí giao thông công cộng. Một siêu thị đã bị đốt cháy trong cuộc bạo loạn vào tối 20-10, khiến ít nhất 3 người chết.
"Những tác động tai hại từ một Hong Kong hỗn loạn đã bắt đầu ảnh hưởng đến thế giới Tây phương" - Wang Zhen, nhà cựu ngoại giao Trung Quốc, lập luận trên tờ Tin Tức Bắc Kinh hôm 20-10.
Theo ông Wang, người biểu tình ở Tây Ban Nha đã bắt đầu học các chiến thuật đối phó cảnh sát của người Hong Kong, bao gồm cả việc sử dụng các tiếng lóng báo hiệu.
Trong một bài viết khác trên Nhân Dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Wang cho rằng phương Tây đang áp đặt "tiêu chuẩn kép" lên các cuộc biểu tình ở Hong Kong và Tây Ban Nha.
"Tại sao những người biểu tình ở Hong Kong được mô tả như những chiến binh cho tự do và dân chủ, trong khi ở Tây Ban Nha những người biểu tình ở Catalan lại bị quy chụp là những kẻ ly khai?", cựu quan chức Trung Quốc nêu chất vấn.
Cảnh sát Tây Ban Nha trấn áp một nhóm biểu tình ở Catalonia ngày 19-10 - Ảnh: REUTERS
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo thuộc chính quyền Bắc Kinh tỏ ra hả hê trước những bất ổn trên khi nói rằng Hong Kong "đang xuất khẩu cách mạng ra thế giới".
"Phương Tây đang trả giá cho việc hỗ trợ bạo loạn ở Hong Kong, nơi đã báo trước những rủi ro chính trị mà các người sẽ không thể giải quyết nổi", tờ báo viết.
Ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Thời Báo, thậm chí còn dự đoán rằng những gì ở Catalonia "chỉ là sự khởi đầu. Biểu tình sẽ lan ra toàn châu Âu bởi có quá nhiều vấn đề và sự bất mãn ở lục địa này. Cuối cùng, nhiều người trong số họ sẽ học theo những gì đang diễn ra tại Hong Kong lúc này".
Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Diễn đàn Hương Sơn ngày 21-10 được ví như cú chốt cho vệt công kích. Ông Ngụy cho rằng sự can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác sẽ không bao giờ đem lại kết quả như mong muốn, ám chỉ Mỹ và các nước phương Tây đã xúi giục các cuộc “cách mạng màu” - nguyên nhân dẫn tới bất ổn ở nhiều nơi trên thế giới.
"Giơ những cây gậy trừng phạt và can thiệp sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Người dân Trung Quốc sẽ không sợ những thứ đó. Chúng tôi không ngán chuyện đánh nhau", ông Ngụy chốt.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong đã kéo dài sang tháng thứ 5 và chưa có dấu hiệu kết thúc. Chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần cáo buộc Washington đứng đằng sau tình trạng hỗn loạn ở Hong Kong, đồng thời cảnh cáo các nước khác không nên can dự công việc nội bộ của nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận