Ông Tập chụp ảnh chung với Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon ở New York - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, chuyến đi của ông Tập có vẻ như đã diễn ra sai thời điểm khi báo chí và truyền hình Mỹ bận bám theo từng bước chân của Giáo hoàng Francis.
Trong những ngày qua, Giáo hoàng Francis mới là “ngôi sao” đối với truyền thông và dư luận Mỹ. Theo hãng dữ liệu truyền thông MediaWiser, từ ngày 26-8 đến 25-9 Giáo hoàng Francis được nhắc hơn 765.000 lần trên mạng xã hội Twitter, trong khi ông Tập được nhắc đến chỉ hơn 10.000 lần.
Các tờ báo mạng Mỹ từ ngày 20 đến 24-9 nhắc đến giáo hoàng nhiều gấp bốn lần chủ tịch Trung Quốc. Tỉ lệ chênh lệch này trên truyền hình là 25 lần.
“Việc ông Tập hoàn toàn lu mờ trước một người không có quân đội và không có sức mạnh kinh tế là điều đáng kinh ngạc. Nhưng tôi không nghĩ Trung Quốc nhận ra thông điệp từ sự tương phản này” - ông Jorge Guajardo, cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc, nhận định.
Chuyến thăm của ông Tập càng chìm nghỉm vì sự kiện Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner bất ngờ từ chức, một động thái có nguy cơ làm đảo lộn lịch trình làm việc của Quốc hội Mỹ trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng.
Khi ông Boehner mở cuộc họp báo tuyên bố từ chức, các kênh truyền hình lớn ở Mỹ thẳng tay cắt sóng bài phát biểu của ông Tập tại cuộc họp báo với Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Nhà Trắng.
Quan hệ Mỹ - Trung đang trong giai đoạn căng thẳng do hàng loạt bất đồng về vấn đề tấn công mạng và tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Giáo sư khoa học chính trị Ming Xia thuộc ĐH New York City nhận định một vấn đề nữa là khi đến Mỹ, Giáo hoàng Francis tỏ ra rất thân thiện, khiêm tốn và dễ gần nên lấy được nhiều điểm trong con mắt người dân Mỹ. Ngược lại, ông Tập tỏ ra có phần kiêu ngạo nên bị truyền thông phớt lờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận