Phóng to |
Kỹ sư Đồng Tấn Lập (bìa phải) hướng dẫn học trò thực hành trên máy - Ảnh: Q.LINH |
Cuộc chuyện trò với ông không chỉ là những thăng trầm về đời mình mà còn là cả tấm lòng với học sinh học nghề.
Đứng thẳng trên đôi chân tật nguyền
4 tuổi, đôi chân cậu bé Đồng Tấn Lập cứ quắt queo dần sau cơn sốt bại liệt. Những tháng ngày vất vả cũng dần trở thành quen để đến một ngày Đồng Tấn Lập đậu tú tài và được cấp học bổng toàn phần đi du học Mỹ vào năm 1961.
* Tại sao ông lại chọn học điện lạnh với điều kiện thể chất vốn không mấy thuận lợi của mình?
- Tôi được chọn đi học điện tử nhưng thật lòng chỉ mê điện lạnh. Thắc mắc lớn nhất trong đầu tôi khi ấy là làm sao một chiếc máy chạy rè rè lại có thể tỏa ra nhiệt mát được. Tôi phải vượt qua bài kiểm tra của trường để hội đồng đánh giá xem tôi có khả năng học điện lạnh không. Và tôi đã vượt qua. Tôi vẫn nói với học trò mình, khi đủ đam mê và đã xác định rõ ước mơ cuộc đời, các em cứ mạnh dạn làm đến cùng, đừng sợ gì cả.
Khi cần, cứ alô cho thầy Lập
Học trò của ông giờ có mặt hầu như khắp cả nước. Nhiều khi làm việc, bí quá họ lại cầu cứu ông bằng điện thoại bất kể giờ giấc. Chỉ cần học trò mô tả tình trạng qua điện thoại là ông đã chẩn bệnh được ngay cho máy móc và chỉ cách sửa. “Tôi dặn học trò vướng mắc gì cứ alô cho thầy Lập, và nếu gặp thế hệ đàn em mà có thể giúp được gì thì hãy giúp lại” - ông bộc bạch. Ông cũng là một trong 100 người từng được nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi dành cho giáo viên dạy nghề xuất sắc nhất cả nước từ năm 2005.
* Có điều gì khó khăn với một người trẻ tuổi đôi mươi học tập nơi đất khách thời điểm ấy?
- Tiếng Anh của tôi khi ấy cũng xài tạm thôi. Tôi cứ gặp người Mỹ nào cũng bắt chuyện, nghe riết dần quen và ngày càng giao tiếp tốt. Khó khăn nhất là với vốn tiếng Anh hạn chế nhưng phải tiếp thu khá nhiều từ chuyên ngành. Thầy tôi sẵn sàng giảng lại điều tôi chưa hiểu, sau đó sẽ hỏi ngược lại để tôi trình bày. Nếu tôi chưa hiểu thầy sẽ giảng lại cho đến khi tôi hiểu mới thôi. Tôi học được cách giảng bài ấy từ những người thầy của mình và đến giờ tôi vẫn áp dụng trong bài giảng của tôi.
Ngọn lửa nghề vẫn cháy
Tính từ ngày về nước (1971), ông đã có hơn 40 năm theo nghề điện lạnh. Sau khi ra trường ông làm cho một tập đoàn của Mỹ tại Sài Gòn, chuyên bảo trì, xử lý hệ thống lạnh và đi nhiều tỉnh thành.
Sau giải phóng, ông phải đi kinh tế mới tập trung tại Định Quán (Đồng Nai). Ông bảo đó là những tháng ngày khốn khó nhất của cuộc đời. Rồi ông gặp được một số người bạn cùng tập kết ra Bắc với cha mình trở về sau ngày đất nước thống nhất. Chính họ đã giúp giải một phần lý lịch đời ông vì người cha mất liên lạc kể từ ngày tập kết ra Bắc.
* Trở lại với điểm xuất phát gần như từ đầu, liệu ông có đánh mất lửa nghề?
- Sau năm năm đi kinh tế mới, tôi về lại TP.HCM và bắt đầu đi dạy. Lúc đó chưa có nhiều nơi dạy nghề điện lạnh như bây giờ. Tôi giúp một vài trung tâm dạy nghề, có cả trung tâm của quân đội gầy dựng việc dạy nghề điện lạnh. Đến năm 2001, khi Trường cao đẳng Nghề TP.HCM hình thành, tôi nhận lời về công tác và cùng một số giáo viên khác gầy dựng đào tạo bộ môn điện lạnh cho trường đến nay.
* Ông từng nhận được những lời mời làm việc với thu nhập hấp dẫn, tại sao ông vẫn chọn đứng lớp?
- Đúng là tôi từng đắn đo vì chuyện thu nhập, nhưng thật lòng tôi vẫn muốn làm một người thầy. Đơn giản vì có nhiều điều tôi đã được học dù cách đây mấy chục năm nhưng vẫn còn có thể truyền lại cho học trò. Đáng ra tôi đã nghỉ hưu bảy năm trước nhưng tôi vẫn quyết định lên lớp. Tôi sợ khi phải ngồi một chỗ, kiến thức của mình không truyền lại được cho ai, mà chính mình cũng thui chột đi. Đó là lý do vì sao tôi khước từ cơ hội làm việc với đồng lương cao hơn rất nhiều thu nhập dạy học hiện nay.
* Nhưng tâm lý chung của phụ huynh và học sinh hiện vẫn còn khá lăn tăn trước quyết định học nghề, thưa ông?
- Sẽ còn mất nhiều thời gian để thay đổi được tâm lý ấy trong xã hội. Thậm chí khi cha mẹ kể về con cái, nếu con học đại học thì họ nói rất tự hào nhưng chỉ cần con học nghề thì cũng hơi ngượng ngùng khi kể với ai đó. Nhưng các bạn trẻ thử nghĩ xem với một công ty cần tuyển dụng 200 nhân viên mới, có bao nhiêu người là kỹ sư đại học? Cùng lắm họ chỉ cần năm, bảy người trình độ đại học thôi, còn lại phải là làm nghề trực tiếp chứ. Nên ngoài việc phụ huynh cần tôn trọng lựa chọn của con thì chính mỗi bạn trẻ phải tự quyết định cuộc đời mình. Khi bạn đã xác định được mình đam mê một nghề nào đó thì cần phải quyết tâm bảo vệ và theo đuổi đến cùng. Tôi không tin rằng một bạn học nghề học tử tế, có tay nghề vững lại bị thất nghiệp cả.
Mỗi ngày, ông vẫn một mình trên chiếc xe ba bánh từ Hóc Môn lên trường ở quận 1. Năm người con trai đã trưởng thành và công việc ổn định đều khuyên ông nghỉ ngơi chỉ vì sợ quãng đường xa, đi đường lỡ không may nhưng ông vẫn chưa chịu nghỉ.
Có lần ông cùng với học trò đi sửa hệ thống lạnh cho một đơn vị lớn trong TP, một kỹ sư đại học mày mò cả tiếng mà không sửa được nhưng học trò của ông - một công nhân tay nghề bậc 5/7 - chỉ cần 15 phút sau đã làm cho hệ thống lạnh vận hành trở lại bình thường. Câu chuyện này vẫn được ông đem vào những giờ giảng bài để tiếp thêm niềm tin, khát vọng làm nghề cho bao thế hệ học trò của ông suốt mấy chục năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận