11/09/2016 09:06 GMT+7

Truyện ngắn: Thùy về

* Truyện ngắn 1.193 chữ của LÊ MINH NHỰT
* Truyện ngắn 1.193 chữ của LÊ MINH NHỰT

TTO - Khi Thùy về đến nhà, vẫn còn nhìn thấy bà ngoại ngồi bẹp trên bậc cửa. Nắng buổi chiều sà xuống, hắt xiên vào chỗ ngồi, liếm lên đôi cẳng chân gầy guộc khảm đầy những vảy da ngả màu.

Minh họa: Kim Duẩn
Minh họa: Kim Duẩn

Chốc chốc, ngoại lại gãi sồn sột. Đám vảy da lại được dịp hóa thành thứ bụi li ti nhảy nhót bay lên theo vệt nắng đang xiên xuống thềm.

Buổi chiều, ngoại Thùy thường ngồi cho đến tối mịt mới lọ mọ trở vô nhà rửa ráy, ăn uống qua loa rồi lên giường nằm. Không biết bà có ngủ nghê gì không, vì hễ bất cứ giờ nào vào ban đêm, đi ngang nhà, người ta thử cất tiếng hỏi: “Ngủ chưa Chín ơi!” là lập tức ngoại trả lời: “Giờ này mà ngủ nghê gì!”. “Vậy bà thức mần chi?”, “Ờ, tui... chờ...”.

Giọng bà già khàn đục kéo dài lê thê giữa khuya khoắt dễ khiến người ta nổi da gà mà bước cho mau.

Thùy đến ngồi kề bên ngoại. Khẽ khàng đến mức ngoại không kịp nhận ra có người vừa chạm nhẹ lên tay mình. Thùy không biết ngoại lấy đâu ra sức lực từ thân hình còm cõi ấy để chờ, hết con rồi đến cháu.

Hồi Thùy mới bốn, năm tuổi thì đã thấy ngoại chờ được nghe những bước chân hối hả của má Thùy bấm lên mặt đường trơn trượt từ đầu xóm về khi trời sụp tối. Ở nơi heo hút mà không có người ngồi chờ chung thì đầu óc dễ sanh ra lẩn thẩn.

Ngoại từng nói vậy khi biểu Thùy ráng ngồi yên bên cạnh. Trí óc thơ ngây của đứa cháu khi ấy đã đinh ninh rằng mình được giao một nhiệm vụ vô cùng quan trọng: canh chừng cho bà ngoại khỏi bị lẩn thẩn!

Lúc má Thùy lấy chồng và ở suốt bên nhà chồng thì Thùy mừng rơn, bởi từ nay nhiệm vụ canh chừng bà ngoại coi như chấm dứt. Thùy rủ ngoại chơi nhảy lò cò, nhảy dây, hái dâm bụt giắt lên đầu giả làm cô dâu giống như má hồi đám gả nhưng ngoại lắc đầu biểu thôi, mấy trò đó chỉ dành cho tụi con nít.

“Ngoại già rồi, chơi mấy trò đó dễ bị đau tim mà chết”. Không rứt được ngoại ra khỏi chỗ bậc cửa, Thùy đành chơi một mình. Thùy đóng cả hai vai, vừa làm cô dâu vừa làm chú rể. Cô dâu sanh con để vui nhà vui cửa, chú rể lắc đầu nói nuôi không nổi rồi bỏ nhà đi biệt. Rồi cô dâu cũng bỏ nhà đi, để lại đám con.

Không ai nuôi nấng chăm sóc nhưng chúng vẫn lớn nhanh như bầy gà con ngoài sân, đến tối tự biết tìm đường về chuồng mà ngủ. Chán trò cô dâu chú rể, Thùy quay sang đóng giả làm bà ngoại. Bà ngoại giả này không muốn ngồi chờ mà toàn chạy ra đường níu lấy bất kỳ người nào đi ngang nhà, nhờ nhắn giùm câu: “Tao gần chết rồi, kêu con Thi (má Thùy) về chuẩn bị đem đi chôn!”.

Bị người đi đường dứt áo té lăn cù, bà ngoại giả lại giãy đành đạch ra trước hàng ba mà kêu bà ngoại thiệt: “Thùy ơi, ở lại mạnh giỏi nghen con!”. “Tổ cha con nhỏ khùng!”. Lúc đó, ngoại Thùy mới chịu rời chỗ ngồi của mình mà cầm roi đến dứ dứ trước mặt đứa cháu, miệng méo xệch.

Ngoại hết già rồi, chỉ có ốm đi nhiều! Thùy xoa dọc theo lưng ngoại. So với hồi Thùy rời nhà thì bây giờ ngoại cũng chẳng khác mấy. Trong một khoảnh khắc lơ đễnh nào đó, thời gian đã bỏ sót ngoại.

Mọi nỗ lực nhằm khẳng định sự tồn tại của ngoại, trong mắt người khác, là những sự phiền toái cần phải tránh xa. Thùy nhớ, có lần ngoại ra mé sông ngồi chồm hổm nhìn đắm xuống mặt nước, ai đi qua cũng dừng lại hỏi han khuyên nhủ vì sợ bà già kia quẫn trí, làm liều.

Đợi người nói khô cả nước miếng, ngoại mới ngẩng lên móm mém cười: “Có gì đâu, tui nhìn bóng mình dưới nước mà, bữa nào không vậy”. Sau lần đó, ngoại được vui suốt cả tuần vì lâu rồi bà chưa từng được quan tâm tới mức đó. Thì ra người ta vẫn còn nhớ mình là ai.

Ở bển, con thèm nắng tới mức mơ thấy mình xách rổ đi hứng, nhưng hứng được bao nhiêu thì nắng cũng rơi rớt hết bấy nhiêu. Tới chừng tỉnh dậy, chỉ thấy toàn tuyết trắng. Xứ tên là Lạnh mà. Giờ về tới nhà gặp nắng rồi, con vẫn còn thấy lạnh, lạnh từ xương tủy lạnh ra ngoại ơi.

Thùy ngả đầu nằm lên chân ngoại giống như hồi còn nhỏ, để được gỡ từng lọn tóc rối bù, rồi cột túm lại thành đuôi gà đong đưa sau ót. Ngoại cứ để cho con nằm như vầy cho tới khi được thấy phút giây ngắn ngủi mà huy hoàng của ngày hấp hối.

Nếu mỏi thì ngoại cứ đi nghỉ trước, con muốn nằm ngay trên nền đất nhà mình, ngoại đừng lo con bị cảm. Con bị vùi trong tuyết suốt hàng tháng trời ở bển còn không sao nữa là...

Tia nắng cuối cùng dịch ra khỏi chân ngoại, hối hả chạy trên khoảng sân trước nhà rồi mất hút đằng sau đồng năn. Vài tiếng thảng thốt của đám cò rớt lại giữa đồng, chắc tại buổi chiều này trôi qua nhanh quá làm chúng không kịp về tổ với bầy con đang đói rã.

Hồi đó là con sai ngoại à, tưởng qua bển một thời gian thì bên chồng cũng cho về thăm ngoại, ai ngờ con cũng giống như mẹ, hễ đi là đi biệt. Chắc ngoại giận con nhiều?

Có thể những lời thầm thì của Thùy hoặc là thanh âm của ngày vãng vọng về từ đồng năn đã đánh động được ngoại. Vì ngoại đã bắt đầu tay lần mép cửa, tay chống gối từ từ đứng dậy. Ngoại đâu nỡ giận con, phải không ngoại?

Giống như hồi nhỏ, Thùy lại lẽo đẽo theo sau lưng ngoại vào trong nhà, nắm lấy áo ngoại giật nhè nhẹ và lặp lại câu hỏi khi nãy. “Chắc giờ này con lạnh lắm phải không Thùy?”. Đó không phải là câu trả lời mà Thùy đang chờ đợi, nhưng dầu gì thì cuối cùng ngoại cũng đã chịu lên tiếng, lúc đốt nhang cắm lên bàn thờ.

Ánh lửa vụt tắt ngóm nhưng cũng đủ làm điếng người khi thấy mình đang nhìn chính mình, Thùy vụt tan thành vô số sợi nhỏ, run rẩy thoát qua những chỗ thủng trên mái nhà.

Sáng ra, lúc hàng xóm thay đồ mới cho mình, bà già Chín thốt nhiên nói rành rọt trong khi đang lịm dần: “Đêm qua, con Thùy mới về thăm tui!”.

* Truyện ngắn 1.193 chữ của LÊ MINH NHỰT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp