05/04/2020 20:08 GMT+7

Truyện ngắn: Lá thăm

PHÁT DƯƠNG
PHÁT DƯƠNG

TTO - Quán lạnh tanh, khách hiếm như mớ bông trái mùa nở bám nhánh bằng lăng cỗi. Từng là chỗ ăn uống có tiếng dành cho gia đình, buổi tiệc, họp mặt lèn chặt tiếng người; quán giờ xơ xác như người đàn bà quá lứa chẳng còn ánh mắt nán lại chèo kéo.

Truyện ngắn: Lá thăm - Ảnh 1.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Dượm bóng người bước vô trả lại chút đỉnh vui vốn có của nơi bán buôn, vậy mà chẳng làm ai thấy khá lên nổi. Khách ngó nhân viên mặt mày xám xịt cố nặn những nụ cười méo mó chào đón cũng không đành giận, tự nhủ mùa dịch này ai nấy đều ám ít nhiều màu buồn.

Khách đâu biết trên đầu mỗi nhân viên đang treo một cục đá bự chảng, chực rớt xuống đè tắt ngúm hi vọng. Ai đó sẽ sụp xuống khóc, hoặc chết giấc, hoặc héo rũ, hoặc lên cơn đau tim; sớm thôi. Khi mà vài giờ nữa sẽ tới lúc chị chủ bước ra xướng lên cái tên đề sẵn trên những lá thăm nặng ngang án tử.

Chỉ tại cái con Côrôna gây nên cảnh trớ trêu này. Chị chủ phải cho nhân viên nghỉ tạm bớt để duy trì hoạt động. Cho ai nghỉ cũng thấy lấn cấn trong bụng, xui rủi lại bị dán cho cái mác thiên vị, chị chủ tính toán tới lui quyết định chọn cách công bằng nhất có thể. 

Tất cả nhân viên sẽ được ghi tên lên giấy, bỏ vào thùng, xốc lên như trò rút thăm trúng thưởng. Vài cái thăm sẽ được chị chủ bốc ra trước mặt mọi người khi đến giờ công bố kết quả, kèm sẵn câu an ủi "tạm nghỉ thôi mà".

Nói là nghỉ tạm, chớ ai biết tạm tới bao giờ. Một hay hai ba tháng? Hay nửa năm? Trong lúc rỗi rảnh đó, người ta buộc bươn chải đi kiếm chỗ làm khác đắp đổi cơm áo. Đâu ai dám chắc chắn tới lúc tình hình ổn định, mình sẽ dễ dàng quay trở lại làm việc như trước.

Những suy nghĩ về "án tử" luẩn quẩn trong đầu mọi người như bầy mối bay loạn tránh mưa. Ai nấy cố vây củi lửa thắp cho lòng chút hi vọng mình sẽ thoát, bằng cái bùa cầu may mới thỉnh trong đền Ông Bần "thiêng lắm", bằng lời hứa ăn chay một tháng, bằng khờ khạo rơm rớm mình chăm chỉ vầy chắc trời thương... 

Còn Gái xụi lơ, rũ rượi như mớ lá dứa để thơm nhà vệ sinh đã úa chờ thay mới. Gái đang nghĩ đến những khó khăn sẽ ập tới, sớm thôi.

Nếu mất việc, Gái biết lấy gì lo cho hai đứa con bây giờ. Đứa lớn đang học lớp 6, mùa dịch nên trường cho nghỉ ở nhà nhận nhồi thú bông kiếm tiền phụ mẹ. Tội, nó nhồi tới mười đầu ngón tay đỏ lừ cũng không đủ làm nồi cơm đầy thêm bao nhiêu. 

Có lần nhìn nó ôm con chó bông chưa rõ dáng mân mê, ôm siết vào lòng với đôi mắt ướt nước thèm thuồng, Gái đã phải quay đi làm như không thấy. Những con thú bông con nhỏ nhồi rồi sẽ tới tay lũ trẻ khác, chứ chẳng thể ở lại, vì Gái đâu có tiền mua cho nó. Tiền, quá ít để trám đầy những lỗ rò của cuộc sống đang ngày càng nứt vỡ.

Đứa nhỏ thì từ lúc mới đẻ đã yếu, uống thuốc như cơm bữa. Đợt trước chắt mót mua được cho con hộp sữa ngoại, Gái chưa kịp mừng khi nhìn con có chút da thịt, giờ đã phải nghĩ đến chuyện gạch khoản tốn kém nhất này ra khỏi sổ chi tiêu. 

Thuốc cần hơn, và tiền viện phí nếu lỡ con gặp gì nặng. Đứa nhỏ đâu hay những chuyện toan tính của người lớn, hồn nhiên mút hoài bình sữa đã cạn từ lâu, cố mót mấy giọt bám trên thành bình...

Gái đã nghe loáng thoáng cuộc điện thoại chồng cô nhận được mấy hôm trước. Khách sạn chỗ anh làm đang giảm lương nhân viên để cầm cự. Quang gánh nghiêng dồn lên vai anh, liệu anh trụ được bao lâu với cơn loét bao tử cứ hành mỗi bữa? 

Kêu đi khám, anh cứ la để khi nào rảnh thì đi. Rảnh của anh nghĩa là lúc nào dư dư tiền. Mà lúc nào là lúc nào? Gái làm sao biết!

Đã tới giờ bốc thăm. Mọi người nhìn nhau rồi quay đi, ánh mắt xoáy tròn mệt mỏi trộn lẫn với hoang mang. Chẳng ai dám nhìn ai lâu, như sợ cái buồn bã của người khác làm mình bị thương hay chính cái buồn bã của mình chém vào lòng người khác. Là ai? 

Ai sẽ bị xướng tên để ngay sau đó vắt óc ra mà nghĩ cách xoay xở cho ngày mai? Đã lờ mờ hình ảnh vài quán ăn lề đường với chân bưng bê còn thiếu; chồng gạch phụ hồ chờ sẵn; những công việc không tên nhỏ giọt đồng lương. Gái bấu vào tay một cái đau điếng để ngăn những suy nghĩ tăm tối nhá lên. Trời ơi, đừng, đừng là lá thăm ghi tên Gái!

Chị chủ bước ra, cười mà như không. Chẳng thấy thùng thăm đâu cả. Vỗ tay kéo sự chú ý của mọi người về phía mình, chị dõng dạc cất tiếng: "Chúng ta có tin mừng, không cần bốc thăm, sẽ không ai bị cho nghỉ cả". 

Mọi người xôn xao, chưa kịp mừng đã sợ, thời đại này luôn biết cách cài vào lòng người sự hoang mang. Chị chủ lại cười, lần này môi chếch xuống một bên đã hằn dấu buồn, tiếp lời: "Vì chị Chịu, chị Đỡ xin nghỉ việc".

Những ánh mắt rút khỏi chị chủ đổ sóng cuộn về phía hai người đàn bà mặt đã rõ nếp nhăn. Hai chị cười tỉnh bơ, "dịch quá dịch tụi tui trốn về quê cho an toàn, dưới đó tui mở tiệm tạp hóa bán lai rai" - lời chị Chịu. 

"Còn tui về nghỉ ngơi chăm bón lại mấy liếp vườn cho khỏe thân" - chị Đỡ buộc lại mớ tóc lấm tấm bạc bị xổ ra. Những lời nói dối trơn lùi, nghe như thật. Ai mà không biết hai chị chỉ còn một thân một mình, về quê được đã về từ lâu...

Từng giọt nước mắt trào ra, lấp đầy những đôi môi thoi thóp hé mà không biết nói gì. Chị Đỡ vỗ vỗ vai Gái, cau mày chửi khẽ, tụi bây ngộ thiệt tin vui vầy cũng khóc.

Tin vui, mà sao chẳng thấy ai vui!

Truyện ngắn: Trở về Truyện ngắn: Trở về

TTO - Quán bên đường nằm sát mé kênh thì lấy đâu ra sạch sẽ. Thế mà khách vừa đứng lên đã có người khác ngồi xuống.

PHÁT DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp