03/08/2019 11:32 GMT+7

Truyện ngắn của Hồ Anh Thái: Chỗ ngồi

HỒ ANH THÁI
HỒ ANH THÁI

TTO - Sinh viên đi với nhau cùng một chuyến tàu thì bao giờ cũng vui. Hội đồng Quan hệ văn hóa của Ấn Độ, cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, thường tổ chức những chuyến du ngoạn như vậy cho sinh viên nước ngoài.

Truyện ngắn của Hồ Anh Thái: Chỗ ngồi - Ảnh 1.

Minh họa: RABEE

Bà chuyên viên của hội đồng dẫn đoàn đi. Hơn ba chục sinh viên nước ngoài, da trắng đen nâu vàng đủ cả. Từ New Delhi miền Bắc xuống Bombay miền Đông Nam, đi tàu hỏa, 1.400km.

Bà chuyên viên hội đồng ngồi cùng ghế với một cô Iran, một cô người Ý. Tôi ngồi ghế đối diện cùng một thằng Nam Phi, một thằng Ai Cập. 

Thằng Ai Cập thích cô Iran nên chốc chốc nó lại liếm môi cho môi bóng nhẫy, đỏ chót. Giọng tiếng Anh của nó cao vút như chim hót. Tay nó cầm mấy tờ giấy xộc xệch, thỉnh thoảng liếc vào đấy rồi lại quay ra nói chuyện với cô Iran.

Cô Iran hỏi: Cậu đọc cái gì đấy?

Nó bảo: My topic, đề cương ôn thi của tớ, tớ đi chuyến này về là thi.

My topic. My topic. Giọng nó tiếp tục véo von. Nó đứng lên chạy qua chạy lại, mua trà cho nó và cô Iran uống. Thừa lúc nó đi khuất, cô Iran tủm tỉm cười: Điệu quá! Nó quay lại với hai cốc trà sữa, ngồi xuống một lúc thì bắt đầu ngó xuống gầm ghế tìm kiếm. 

Tìm gì? My topic. Cuối cùng nó nhấc thằng Nam Phi đứng lên. Hóa ra thằng Nam Phi đã ngồi lên mấy tờ giấy của nó nãy giờ. Oh, my topic! Nó rú lên, giọng vẫn cao vút.

Chuyến tàu xuống Bombay thế là vui. Ở Bombay ba ngày rồi đi tiếp xuống Goa, lần này đi xe khách xuyên đêm, 609km. Chuyện trò râm ran tíu tít. Hết chuyện trò thì quay ra hát, đồng ca. Bài hát đang thịnh từ bộ phim tài tử Aamir Khan lần đầu tiên xuất hiện và chỉ sau một đêm thành sao sáng chói.

Papa kahate he bala nam karega

Beta hamara esa kam karega

"Cha bảo hãy làm nên tên tuổi lớn / Con trai chúng mình như thế này phải làm việc lớn". Hơn ba chục đứa sinh viên nước ngoài thuộc bài hát tiếng Hindi này. 

Bởi phim chiếu cả tháng trời ở rạp, người xếp hàng từ sáng đến đêm để vào xem "chàng trai của mọi nhà" gương mặt baby ngây thơ. Đài phát thanh suốt ngày phát mấy bài hát trong phim. Người Ấn thuộc lòng. Bọn ngoại quốc này cũng thuộc lòng.

Đang vui. Xe ra ngoại vi Bombay thì dừng mấy phút. Bà chuyên viên hội đồng chạy xuống đón lên một thanh niên độ tuổi năm cuối phổ thông. Anh ta niềm nở cao giọng: Good evening, everybody. Xin chào mọi người! Tất cả vui vẻ chào lại. Bà chuyên viên tươi cười giới thiệu: Cháu trai tôi đấy, con trai của bà chị tôi!

Bà đưa mắt nhìn sang hàng ghế bên cạnh. Hàng trên, thằng Ai Cập ngồi cạnh cô Iran. Hàng dưới, tôi ngồi bên cửa sổ, thằng Nam Phi ngồi cạnh lối đi. Chỗ của thằng Nam Phi chỉ cách lối đi là sang đến chỗ bà ngồi.

Bà chiếu tướng vào thằng Nam Phi, ra lệnh: Mày đứng lên!

Thằng Nam Phi sửng sốt: Gì cơ, thưa Madam?

Bà chuyên viên thản nhiên: Mày lên trên kia mà ngồi, để cháu tao ngồi đây!

Thằng Nam Phi lắc đầu: Không đâu, thưa Madam!

Cả xe nín thở. Không ai có thể tưởng tượng nổi mọi sự lại xoay ra như thế này.

Tao bảo mày đi!

Tôi không đi!

Xe bắt đầu chuyển bánh. Cũng có thể lái xe muốn bằng cách ấy để mọi sự được dàn xếp cho nhanh. Bà chuyên viên đang đứng bị quán tính dúi nhẹ một cái. Bà đành chỉ đứa cháu lên ngồi phía trên cách ba hàng ghế, rồi bà ngồi xuống chỗ của mình. 

Bà và thằng Nam Phi cách nhau một lối đi ở giữa, cái lối đi bây giờ đã trở thành giới tuyến phân chia hai thế lực đối địch. Đối địch chỉ là bà và thằng kia, chứ Ấn Độ luôn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của ông Mandela ở Nam Phi.

Xe đi được ba tiếng thì dừng ở một trạm nghỉ. Mọi người xuống xe, vào uống trà, cà phê, nước ngọt. Thằng Nam Phi ra ngồi với mấy thằng Namibia, Angola, Kenya. Chẳng biết chúng nó nói gì với nhau. Bà chuyên viên và thằng cháu ngồi riêng một bàn. 

Mấy đứa chúng tôi ngồi góc khác, bắt đầu bình phẩm râm ran. Cô người Ý cho rằng anh bạn Nam Phi nên chủ động nhường ghế khi thấy cậu kia lên xe, dù thế nào cũng nên để cho dì cháu người ta ngồi cạnh nhau. 

Cô Thụy Điển và Iran thì bảo bất cứ ai cũng có thể nhường ghế, nhưng thái độ của bà chuyên viên quá hách dịch và trịch thượng. Đúng rồi, đúng rồi, thằng Ai Cập nghe cô Iran nói thế thì lập tức hót theo.

Trên xe, tôi đã ngồi cạnh thằng Nam Phi. Phía bên kia cô Thụy Điển ngồi cạnh bà chuyên viên. Thực ra cô Thụy Điển và tôi hoàn toàn có thể nhường ghế cho cháu bà, chúng tôi luôn sẵn sàng và đã nhấp nhổm đứng dậy, nhưng bà đã chiếu tướng thẳng vào thằng Nam Phi.

Cô người Pháp, cô người Ý và mấy người khác thì cho rằng anh bạn Nam Phi cũng cứng nhắc. Một cử chỉ nhường nhịn lịch sự là rất cần ở bất cứ đâu.

Mọi người lờ mờ nhận ra một điều, nhưng không ai nói ra. Vào cái năm 1989 ấy, bên Nam Phi đang có cuộc đấu tranh chống chế độ Aparthied phân biệt chủng tộc. Cuộc đấu tranh kéo dài đã mấy chục năm, được các lực lượng dân chủ tiến bộ trên thế giới ủng hộ. 

Cuộc đấu tranh ấy sắp thành tựu và ông Nelson Mandela sẽ được ra tù vào năm 1990. Ở Nam Phi có nhiều công sở, rạp phim, quán ăn cấm chó và người da đen. Ở Nam Phi có nhiều chuyến xe và ghế ngồi công viên cấm người da đen. 

Nhưng Ấn Độ là nước có nền cộng hòa dân chủ sớm nhất và lớn nhất châu Á. Ấn Độ ủng hộ nhiệt tình cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của Nam Phi.

Ở Ấn Độ, không ai có quyền tranh giành chỗ ngồi của ai. Chắc đấy là cái lý của cậu Nam Phi.

Hết ba mươi phút nghỉ, mọi người quay lại lên xe, đã thấy bà chuyên viên bắt đứa cháu ngồi vào chỗ của thằng Nam Phi. Thằng Nam Phi đến đòi ghế, đứa cháu định đứng lên, nhưng bà chuyên viên ấn nó ngồi xuống. Xe đã chạy, thằng Nam Phi đứng một lúc, rồi đành bỏ đi ngồi vào một ghế trống.

Ba tiếng sau, xe lại dừng ở một trạm nghỉ. Đã bốn giờ sáng. Hầu như mọi người đều lờ đờ vì ngủ chập chờn mấy tiếng trên xe. Nhưng xuống uống cà phê, trà sữa xong thì đều tỉnh trở lại, lại chia thành mấy nhóm quan điểm. 

Bà chuyên viên thế là cố chấp và hiếu thắng. Trước đó thì bà trịch thượng hách dịch. Cậu Nam Phi thực ra cũng đầy mặc cảm, cậu không nên bê nguyên tinh thần đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi sang áp dụng ở đất nước Ấn Độ dân chủ. 

Nào có ai đặt vấn đề phân biệt màu da ở đây (nói cho chính xác, người Ấn với nhau thì người ta vẫn thích người màu da sáng hơn). Cô Iran bây giờ mới nói cô không chịu được cường quyền ở đất nước mình nên cô đã bỏ sang lưu vong ở Ấn Độ nên bây giờ cô cũng không chịu nổi sự cường quyền của bà chuyên viên. 

Cô gợi ý mọi người nên ký chung vào một lá thư phản ảnh thái độ của bà, gửi về Hội đồng Quan hệ văn hóa ICCR (Indian Council for Cultural Relations).

Đúng rồi, đúng rồi! - thằng Ai Cập lại hót theo, véo von.

Nghỉ xong, trở lại xe. Thằng Nam Phi đã lên từ trước, ngồi đúng vào chỗ ban đầu của nó. Thằng cháu bà chuyên viên lên sau thấy vậy, lại phải bỏ đi tìm chỗ khác để ngồi. Xe chạy. Bà chuyên viên quay sang thằng Nam Phi, cao giọng: Tao hỏi tên mày là gì?

Bà hỏi tên tôi làm gì? - thằng Nam Phi cứng cỏi.

Bà chuyên viên giở danh sách đoàn ra, nhưng tất nhiên, bà không biết tên thằng Nam Phi thì cũng không tra được xem nó ở trường nào. Đoàn có hơn ba chục đứa, từ hơn chục trường khác nhau. Bà bảo, ba tiếng nữa đến nơi, tao sẽ gửi mày trở lại Delhi.

Bà đi quá xa rồi đấy! - thằng Nam Phi nói.

Không xa đâu! - Bà chuyên viên bảo - Vẫn trong quyền hạn của tao.

Bảy giờ ba mươi lăm phút. chúng tôi đến Goa, vào khách sạn nhận phòng, được một tiếng tắm rửa vệ sinh, rồi kéo nhau đi luôn. Thăm nhà thờ cổ có lăng mộ ba tầng bằng cẩm thạch của vị thánh dòng Tên, Francis Xavier, bên trong có một chiếc tiểu bằng bạc lưu giữ một phần di hài của ngài. 

Thăm nhà thờ St. Francis of Assisi, bảo tàng tượng sáp các danh nhân, bảo tàng nghệ thuật Thiên Chúa giáo. Chỉ riêng mấy chục nhà thờ bề thế cũng đã không thể đi hết. 

Goa là thuộc địa của Bồ Đào Nha trong khi hầu khắp tiểu lục địa Ấn Độ là thuộc địa của Anh. Năm 1947, Anh buộc phải trao trả độc lập cho Ấn Độ, cả nước được giải phóng, chỉ riêng thực dân Bồ Đào Nha vẫn ở lại, chiếm đóng Goa mãi đến năm 1961 mới chịu đi. 

Họ là kẻ thực dân đầu tiên đến Ấn Độ năm 1498, cũng là kẻ thực dân cuối cùng rút khỏi Ấn Độ. Goa bây giờ tràn đầy không khí Bồ Đào Nha. Kiến trúc nhà thờ, pháo đài, khu dân cư của xứ Bồ. Chiếc mũ nan rộng vành và cây guitar xứ Bồ. Mỹ thuật và âm nhạc phảng phất hồn Bồ.

Cả bọn đi rạc cẳng, quên luôn trận cãi nhau trên chuyến xe đêm, quên luôn một đêm mất ngủ trên xe. Chiều tối lên một chiếc tàu thủy đi dọc bờ vịnh. 

Nhạc công mũ nan rộng vành ôm guitar hát những bài dân ca Bồ và Goa. Vũ công không quấn sari Ấn Độ mà váy hoa sặc sỡ như những nàng Carmen nhảy múa cuồng dại. Bọn sinh viên đa chủng tộc cũng xông vào nhảy múa, boong tàu rung sầm sập.

Ba ngày ở Goa đầy tràn cảm xúc. Như không phải là lãnh thổ Ấn Độ mà lạc sang một xứ khác, xứ Bồ Đào Nha. Đến món ăn cũng đầy hương vị Bồ. Đồ lưu niệm cũng lai Ấn với Bồ. Lúc lên xe về lại Bombay, lưu luyến như thể chia tay xứ Bồ để quay về Ấn Độ.

Mấy ngày ở Goa, phái chủ trương gửi thư phản ảnh thái độ của bà chuyên viên đã từ bỏ chủ trương. Cánh ôn hòa thuyết phục họ rằng dù gì đi nữa, bà ấy cũng là người chu đáo và nỗ lực rất nhiều để chuyến đi thành công. 

Cô Iran còn vớt vát thêm một câu rằng bà có thể là người tốt, nhưng thái độ thô và cứng. Gã Ai Cập lập tức họa theo, đúng rồi, đúng rồi, véo von. Chẳng ai nhịn được cười.

Trên chuyến xe từ Goa trở về Bombay, cậu Nam Phi chủ động ngồi chỗ khác, không đòi lại cái ghế ban đầu nữa. Về đến ngoại vi Bombay, cháu của bà chuyên viên xuống. Anh ta xách túi, đứng ở cửa xe, vẫy tay chào: Goodbye everybody. Chào mọi người! Mọi người!

Xe đưa cả đoàn thẳng ra ga tàu hỏa. Lại 1.400km quay về thủ đô. Về đến New Delhi, tàu đang vào ga, thằng Ai Cập lại ngó nghiêng tìm kiếm. Tìm gì? Đề cương ôn thi của tao. Trong balô, không thấy. Dưới gầm ghế, không thấy.

Bà chuyên viên hỏi tôi về đâu. Tôi bảo sẽ ra bến xe buýt đi về ký túc xá ở Saket, phía nam thành phố. Bà bảo ra bến xe ấy cũng phải hai cây số, lên xe taxi với tao, tao đưa đi. Tôi từ chối. Nhưng bà ép tôi đi bằng được, vẫn là cái giọng ra lệnh ấy.

Tàu dừng, mọi người lục tục đứng dậy. Oh, my topic! - thằng Ai Cập rú lên. Mấy tờ giấy nằm ngay trên chiếc ghế đối diện. Thì ra nãy giờ đám giấy đã bị bà chuyên viên ngồi lên.

Tôi bị bà chuyên viên kéo đi theo ra xe taxi. Bà đã đuổi thằng Nam Phi ra khỏi ghế ngồi của nó. Ai cũng thấy. Sao bây giờ bà chẳng cho ai đi nhờ xe mà lại cho tôi đi. Bà ưu ái tôi. Trước mặt cả mấy chục đứa sinh viên ngoại quốc. Tôi chui vào xe cùng với bà mà chỉ nghĩ đến ánh mắt của mấy chục đứa kia đang nhìn theo.

​Kịch của Hồ Anh Thái ​Kịch của Hồ Anh Thái

TTO - Độc giả đã quen với truyện ngắn Hồ Anh Thái, tiểu thuyết Hồ Anh Thái, tiểu luận Hồ Anh Thái chắc sẽ ít nhiều bất ngờ khi cầm trên tay cuốn sách này: Kịch.

HỒ ANH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Hồ Anh Thái
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp