04/10/2020 11:27 GMT+7

Truyện ngắn: Bể cá

HUỲNH TRỌNG KHANG
HUỲNH TRỌNG KHANG

TTO - Tôi từng ước cả nhà quây quần bên nhau. Hai tháng trước thằng lớn dọn về, thất nghiệp khiến câu nói 'mướn nhà cho gần công ty' thành hết đát.

Truyện ngắn: Bể cá - Ảnh 1.

Tranh: TRẦN NGỌC SINH

Rồi thằng nhỏ cũng về, giảm lương nên tiền nhà bất kham. Thằng út trước giờ vẫn ở đây, chỉ vì nó còn sinh viên.

Không ai vui vẻ với cuộc đoàn tụ này kể cả chồng tôi. Ổng đã quen đời hưu trí ở tuổi sáu mươi, nghĩa là cuộc sống không còn đám nhóc tì nghịch ngợm khắp nhà, không còn phải lo ăn từng bữa. Đủ bình yên để sáng tác những câu chuyện về đá sỏi. 

Ổng rất bực mình nếu ai đó nói tại sao ổng không viết đề tài này hay đề tài kia, sao không dành ngòi bút cho những người nghèo khổ, tại sao không ghi lại khó khăn hiện tại. Người ta trêu rằng ông đã đóng góp cho văn chương toàn sỏi là sỏi. Nhưng ông thích vậy, chỉ viết về những hòn sỏi.

Kể cả lúc này, khi ai cũng muốn trở thành chứng nhân của thời dịch giã, ông ngày ngày cặm cụi viết chuyện sỏi đá. Những viên sỏi còn chẳng thể làm xao động cái bể cá thằng lớn mang về. Một thứ đẹp đẽ nhưng quá lớn để đặt ở phòng khách nên phải đem ra ban công. 

Khi chúng tôi mua căn hộ này để dưỡng già đã không chuẩn bị tâm lý chung nhau một mái nhà lần nữa. Thằng út khó chịu vì phải san sẻ phòng mình với thằng nhỏ, còn thằng lớn chọn làm ca đêm ở cửa hàng tiện lợi rồi về ngủ vùi cả buổi sáng.

Tôi tự an ủi mình, ít nhất cả nhà đã đoàn tụ, dù có hơi ích kỷ.

Tôi không quan tâm lắm đến dịch bệnh ngoài kia, đời tôi là một sự quanh quẩn như năm con cá đang bơi trong cái bể lung linh của thằng lớn, ve vẩy những cái đuôi vải the. 

Chúng không bao giờ ghi nhớ đủ lâu để hoài niệm, lúc ngủ hay thức mắt chúng đều mở. Trôi nổi. Không biết chúng đang bơi trong lúc tỉnh hay là nằm mơ thấy mình đang bơi?

Tôi thích ngắm nhìn chúng như thế, lượn trong đám rong tảo, mấy món đồ chơi be bé, với chiếc máy lọc nhả ra những bọt bong bóng mà chúng thích thú vây quanh. 

Tôi tưởng tượng cái ngày không khí hóa lỏng và thế giới chìm ngập trong nước, cả chung cư này là bể kính, còn chúng tôi ra vào trong những căn hộ đồ chơi. 

Tôi bơi từ nhà bếp đến phòng khách, đồ gia dụng dập dềnh, tôi bơi đuổi theo chúng, lượn ra ngoài ban công để bắt kịp nồi cơm điện. Nắm chặt nó trong tay, tôi cứ thế bơi mãi, ra khỏi những tòa nhà này, tiến gần đến mặt trời cũng đang nằm trong nước lạnh.

Các bạn đang nhìn tôi và nghĩ một con mẹ nội trợ điên rồ, chưa sẵn sàng đón nhận tuổi già. Nhưng tôi cũng có sẵn sàng khi làm mẹ ở tuổi mười tám đâu. Đáng lẽ nên nghe lời bà nội, rằng trai gái nắm tay thì có bầu. Chuyện nắm tay không dẫn đến có bầu, nhưng có ai nắm được bàn tay rồi lại không nghĩ chuyện xa hơn.

Tôi còn không thấy được ngón chân mình, cả tương lai, quá khứ không vượt quá cái bụng tròn trước mặt. Rồi khi đứa thứ ba ra đời, thế giới nghĩa là bốn người đàn ông khóc la, đòi ăn, đòi ngủ. 

Đó là một tai nạn, chồng oán trách tại sao ổng lại để xảy ra chuyện này. Hồi đó sinh ba là cầm chắc không còn thăng tiến được nữa. Chúng tôi không dám bỏ đứa nhỏ. Chúng tôi còn mặc cảm đạo đức. 

Tôi chưa bao giờ sẵn sàng cho chuyện gì cả, từ đứa con đầu tiên đến đứa con cuối cùng. Mọi thứ cứ đến xâm chiếm lấy cuộc sống và tôi cứ quẫy đạp bơi trong chúng. Cả trận dịch này cũng vậy, như sóng đổ ập xuống còn tôi thì cố gắng trồi lên.

Khi mọi người đang cuống cuồng, những con cá tư lự bơi trong giấc mơ của chúng. Có lẽ đời chúng huyên náo đôi chút nếu được thằng lớn vớt ra, đặt vào cái thau để thay nước. 

Nhưng tôi biết chúng sẽ không sang chấn, chúng còn chẳng nhớ nổi đã thở thoi thóp trong tay tôi chỉ vì đã nghịch dại cố nhảy ra khỏi nước. Cá có bao giờ cảm thấy sợ hãi thế giới này không?

Như đêm qua, tôi rơi vào một nỗi sợ mơ hồ khi nghe tiếng mèo kêu. Tôi đã sống ở chung cư này mấy năm mà không hề thấy bóng dáng một con mèo nào, còn tiếng kêu rất rõ. 

Tôi đi ra phòng khách, ngồi thẫn thờ nhìn cái bể cá trong bóng tối tỏa ra một thứ ánh sáng xanh hư ảo. 

Tôi muốn đem cái bể vào trong nhà, vì ngộ nhỡ có con mèo nào đến thật. Nhưng tôi biết mấy người kia sẽ phản đối. Tôi nằm xuống sàn. Mắt cá như mắt tôi, nhập trong vũng xanh trong suốt. Dưới luồng sáng dịu mát đó, tôi thiêm thiếp.

Cơ thể nhẹ bẫng, bồng bềnh dịch chuyển. Có lẽ đến cuối cùng không khí đã hóa lỏng và chúng tôi sẽ được sống trọn vẹn trong cái bể của mình. Nhưng không, thằng lớn trở về từ ca đêm, đang mệt mỏi ẵm bà mẹ già của nó về phòng.

Sau đêm đó, dù ở đâu trong ngôi nhà tôi cũng nghe bên tai tiếng mèo kêu. Mỗi lần như vậy tôi lại nhìn bể cá, đếm xem vẫn còn đủ năm con hay không. 

Đêm tôi lại rời phòng rồi nằm trước bể. Chồng tôi không biết gì, ông bận ném những viên sỏi vào hư vô để nghe những lời của sự sống vọng lại. 

Ổng không biết rằng có hòn sỏi mà bác sĩ gọi là khối u đang kẹt trong não vợ. Ổng thì biết cái gì, tôi thì an phận với "nghề" làm vợ làm mẹ, cái nghề không có tuổi hưu, không phụ cấp tăng ca, không bảo hiểm. Ổng quên rằng từng nói với tôi: Em đẹp như một bài thơ.

Ừ, tôi là một bài thơ, một bài thơ bị u não, một bài thơ lần lữa thời điểm nói với người nhà rằng nó đang chết, rằng nó đang mất nghĩa từng giây. 

Rằng trong cơn khủng hoảng, nó - bài thơ không cứu được ai, không giúp được gì. Nhưng nếu tôi là một bài thơ, hẳn trong bài thơ ấy, tôi - con cá cô đơn mà vảy làm bằng nước mắt thoáng ánh bạc trong bóng tối bơi đi để tự xóa mình.

Truyện ngắn: Tiếng gọi Truyện ngắn: Tiếng gọi

TTO - Lần nào lên thăm vợ chồng Vy, mẹ cũng không báo trước. Mà không, chính xác là từ buổi chiều trời đổ mưa tầm tã, nước chảy thành dòng trước con hẻm nhà Vy đúng cái giờ ra đón mẹ ở bến xe.

HUỲNH TRỌNG KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp