02/04/2017 12:21 GMT+7

Truyện ngắn 1.200: Những ban mai còn lại

HỒ THỊ NGỌC HOÀI
HỒ THỊ NGỌC HOÀI

TTO - Ông từng đập phá, không rõ thật hay ác mộng nữa. Giận dữ, xô đổ, quăng quật, nhà như bom bỏ... Rồi ông lại ân hận, lại hiền lành, lui cui đến phòng thí nghiệm, cung cúc giờ giấc, rạch ròi, sạch sẽ...

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

Nhiều khi con mắt trái vì thời tiết nên khó chịu, nó giật, nóng... nhưng ông vẫn ham đọc, ham học hỏi. Ông thèm nghiên cứu được hợp chất kiểm soát độc tố trong thực phẩm.

Càng nghiên cứu, càng làm thí nghiệm thì càng thêm đau đầu, đau con mắt trái. Những phản ứng hóa học lẫn lộn như trò chơi, mà ước mong thì cứ không nguôi.

Ngày về hưu, ông Kiểu vẫn không thể thực hiện được công trình mong ước của mình. Nghỉ hưu, về ngôi nhà bỏ vắng từ ngày mẹ mất.

Cha hi sinh hồi ông Kiểu lên ba, mẹ ông thờ chồng nuôi con, cả đời gần như chỉ xoay bên cái bếp, mảnh vườn, rồi ra chợ...

Về, ông Kiểu một mình với căn nhà, đón ngày mới khi mờ đất, là lúc ông thường vật vờ nhớ lại. Những mảnh nhớ vụn ra, lộn xộn, chắp nối...

Ông Kiểu vào gian bếp, cắm ấm nước, cắm lại nồi cơm, hâm lại khúc cá. Nước sôi. Xách ấm đi cho nước vào phích, rồi cho vào bình trà...

Ông Kiểu làm chậm, cẩn thận. Có tuổi rồi, từ chuyện ăn nói, đi đứng, làm lụng, cái gì cũng phải từ từ, thong thả, không vội được, vội nó dễ hỏng, mệt.

Khay trà đặt giữa vuông chiếu trúc đã trải sẵn hiên thềm. Là chỗ ngồi hóng gió, nhìn sân vườn, trời đất, chỗ mà mẹ ông Kiểu thường hay ngồi chải đầu, vấn tóc, ăn trầu, hay nhiều lúc chỉ là ngồi yên.

Ngồi yên, ông Kiểu cũng thích ngồi yên trên vuông chiếu hiên thềm, khi là đêm trăng, khi là chiều xuống, khi là mưa. Còn sáng ra thì nhất định phải ngồi thưởng trà.

Ăn sáng, nhấp đôi ba chén trà, rồi ra vườn chăm rau cỏ. Chỗ vuông chiếu này, sân thềm này lúc thì thanh tịnh vắng vẻ, lúc thì người lui tới thăm hỏi, uống trà, nói vài ba chút chuyện làng xóm, đài báo, vân vân...

Còn sớm thế này... có ai như ông Ngô?

“Chào đồng chí Kiểu!”.

“Đồng chí Ngô đấy à? Đi dạo sáng sớm hay đi có việc gì đấy?”.

Ông Ngô vẫn chỉ đứng ở ngõ nói:

“Tôi phải đi bắt mấy con sâu những chỗ thuốc không phun đến... Mắt mũi ông thế nào?”.

“Thì đã nói là yên lành hơn hẳn rồi mà”.

“Quê bây giờ cũng nhức mắt lắm. Sâu nó bò vào nồi chính quyền, bí mật đấy!”.

Đi ngang thấy nhau thì nói, hỏi vọng vài ba câu thế rồi thôi. Ông Ngô không có ý định vào nhà ông Kiểu. Ông Kiểu cũng chưa kịp mời ông Ngô vào uống hớp trà.

Hai ông vẫn thường có những lần gặp chóng vánh, lướt qua nhanh như vậy. Người ta cũng thấy hai ông có vẻ thân tình, hợp nhau.

Ông Ngô thường khiến ông Kiểu nhớ đến lão tâm thần hay nhặt giấy, ngực treo đầy các loại nắp chai hay qua lại khu phố ngày nào. Tại trí nhớ nó cứ chạy lung tung, từ cái này chuyển ngay sang cái nọ, hay tại ông Kiểu dễ động lòng?

Ông Kiểu biết sự thất thường của ông Ngô. Ông Ngô nói gì cũng không ai chấp, ông ấy nói vậy thôi chứ chẳng có bắt con sâu nào cả.

Nhưng ông Ngô vẫn cứ muốn bắt sâu! Nhiều khi sự hăng hái trong ý nghĩ của ông Ngô thật đáng quý, bớt thấy tuổi già chậm chạp, ù ề. Mà biết đâu được ấy!

Ông Kiểu cũng thấy cần tranh thủ, cần gấp lên một chút, không nên rề rà, trễ nải... Ông Kiểu muốn vào thành phố ngay. Ông bạn thân đang đau thập tử nhất sinh, ngày mai... rồi biết thế nào?!

Ba mươi phút sau, ông Kiểu đã ngồi trên xe khách. Anh lơ xe chỉ cho ông Kiểu ngồi phía trong cái ghế sát cửa lên xuống. Ngồi yên được năm phút, xe dừng bốc thêm ba khách. Xe cộ bây giờ tiện quá lắm, có hôm còn chạy không nữa!

Đến lúc xe gặc gừ qua đoạn đường làm dở và cong cua rồi lướt qua hàng bạch đàn thẳng tắp, đến đoạn con sông lững lờ thản nhiên trôi, cái cảnh cũng làm người nhẹ nhõm mơ mộng...

Những năm trước, con sông nằm sâu tít trong kia, nó đã kiên trì nhích chuyển từng năm, từng tí như một kỳ tích. Người đi xa bao ngày về thấy đoạn đường hơn hai cây số bỗng gắn với một khúc sông lững lờ êm ả như chưa từng oằn dòng lũ thì ngờ ngợ như bị lạc.

Người chưa từng đi qua đoạn đường lần nào thì hẳn sẽ tưởng cảnh vốn có từ bao giờ. Người quan tâm sự chuyển dời khó ngờ của con sông thì tin rằng sông sẽ không chịu dừng lại, nó sẽ phá vỡ con đường nếu cứ để mặc nó.

Ông Kiểu nhìn sông, lại lướt nhìn xuống. Trên xe, năm, bảy gương mặt gầy bạc, xám xạm gió sương. Có gã trung niên nom tướng như... tù ra trại, da bủng, mặt đầy góc nhọn, mắt bạc trắng hi hí.

Nhìn, nghĩ lắm rồi mệt, ông Kiểu nhắm mắt ngồi yên. Xuống bến, lên xe lai đến bệnh viện, đi tìm hỏi chỗ nằm của ông bạn.

Ông Kiểu vào bệnh viện này thăm hỏi người thân, bạn bè đã mấy lần, đi qua nhiều chỗ vẫn thấy hôi tanh, bẩn thỉu như cũ.

Qua chỗ bệnh nhân đông, ông lại bắt gặp những gương mặt vàng võ, yếu ớt, những bước đi đau đớn. Ông cũng thấy lo cho mình, thân già đơn côi, mắt mũi lèm nhèm.

Đến chỗ ông bạn đang nằm trong mớ dây nhợ đầy mũi, miệng, bụng... Ông bạn hé mắt nhìn, rồi chìm đi, đầu gục gặc như chào.

Bà vợ chăm sóc chồng, đôi mắt, nước da trông chừng cũng mệt mỏi. Bà nói chuyện với ông Kiểu về bệnh tình của chồng, về những bước chữa trị và hi vọng.

Ông Kiểu đưa phong bì với chút tiền, nói lời động viên rồi rời căn phòng dành cho bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt.

Chăm sóc đặc biệt... Ông Kiểu cũng tự chăm sóc lấy mình. Ông vào quán ngồi chờ ăn bát bún, nghỉ lấy sức rồi ra xe kịp về trong ngày.

Mỗi ngày như một trang sách, chỉ được đọc một lần, không có lần thứ hai. Không biết ông Kiểu còn bao nhiêu trang để đọc?

HỒ THỊ NGỌC HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp