Minh họa: Kim Duẩn |
Hân cầm chiếc gương soi, bọng mắt đã nổi, mấy đường chân chim hiện hình. Bàn tay ôm má, Hân nghĩ bằng tuổi mình người ta có cháu ẵm rồi.
Vài người cũng giới thiệu đàn ông bỏ vợ, mất vợ. Qua hò hẹn nhưng tình chẳng thắm, duyên không thành.
Ngoài tuổi 40, không ai nhắc chuyện chồng con với Hân nữa.
Hân đọc trên mạng những bài thuốc bắc, thuốc nam cóp về phây-búc của mình. Hân nghĩ trên phây, ai đó ghé qua, đọc được ít kinh nghiệm. Hân ghi chép vào sổ tay vì sợ bị mất phây-búc sẽ mất hết tư liệu. Ước ao về già trồng một vườn thuốc nam cho mình, cho những người chung quanh, lấy đó làm niềm vui.
Chị ngoài quê điện thoại vào báo tin đứa cháu út đã có công việc, có thu nhập ổn định. Chị tính rồi, về già dì ở với một trong hai đứa. Đứa nào cũng quý dì.
Buông máy, Hân lại nghĩ hai đứa con của chị gái. Thằng trai thì hơi nữ tính, đứa gái lại nam tính. Hân thở dài, kẻo mà ba dì cháu lập miếu cô hồn. Ngày chủ nhật, không bốc thuốc trên phây, vác xe đi chơi cho khuây khỏa. Hân tìm số máy của đứa em cùng quê.
Cũng may là nhờ họp đồng hương mà biết nó. Ngày nhỏ, ở gần nhà nhưng khác lứa tuổi, không chơi với nhau nên không biết. Hai mươi năm qua, lúc nó về quê thì mình ở Sài Gòn, lúc mình về quê thì nó lại ở Sài Gòn, thành thử có nghe nói nhưng không biết mặt nhau.
Nay biết rồi, gặp Liên, chuyện xem.
Liên mở quán cà phê, cơ ngơi tốt đấy, tài sản riêng của vợ chồng, không phải thuê mướn mặt bằng.
“Ủa, con của chị đâu? Mà sao không đưa cháu đến chơi luôn cho biết nhà em?”. Liên hỏi. Hân chỉ cười.
Hôm trước họp đồng hương, Hân nói mình có đứa con gái đang học trung học. Nay, em nó hỏi vậy, lỗi do mình. Nhưng biết nói sao?...
“Để em bảo nhân viên pha cho chị ly sữa tươi nhé. Uống sữa bổ xương”.
Hân gật đầu.
“Thế chồng chị làm nghề gì? Sao không rủ anh đến chơi luôn”.
Hân cười gượng rồi đánh trống lảng, chuyển sang phần mình hỏi.
“Quán của em rộng bao nhiêu mét”?...
Liên không đáp.
Ly sữa đem ra. Câu chuyện chuyển sang chiều sâu, Liên kể chuyện chồng em làm công chức, con em vào đại học. Từ ngày lấy chồng, em chuyển sang làm kinh doanh, không ước công sở này nọ nữa. Giờ cơ ngơi có vầy.
“Ủa mà chồng chị làm gì”?
Liên hỏi. Hân ngại ngùng lắc đầu.
“Đừng giận chị nhé. Chị kể cho nghe. Hôm trước chị nói dối. Chị chưa có chồng”!
Liên ngạc nhiên!
“Năm nay chị bao nhiêu tuổi”?
“Bốn mươi... mấy... hơn”. Hân ngập ngừng, đáp.
“Vậy thì phải nhanh nhanh lên. Vẫn còn đẻ được đấy. Kiếm nhanh. Để em xem”.
Hân phân trần gần 20 năm vào đây làm công nhân, cũng có anh đến nhưng lại thấy vất vả quá nên không lấy. Rồi lần lượt công nhân lập gia đình, có con, có vất vả nhưng họ cũng vượt qua. Rồi mỗi năm thêm tuổi như cái bức tường góp gạch xây cao, chị không mong chuyện chồng, chuyện con cái nữa. Câu chuyện trầm hơn, Hân kể chị có một mối tình đầu ở quê, nhưng rồi anh ấy không lấy chị mà chuyển sang yêu người khác rồi cưới họ. Khi họ có con cũng là lúc chị thấy mình phải dời quê. Ngày đó, khi ra đi chị vẫn mơ ước lấy được người hơn mình để tỏ mặt. Và rồi...
“Vậy là không được. Em cũng vài ba chặng yêu chứ đâu phải có một lần” - Liên nói.
Giọt sữa vương trên môi Hân.
Liên nắm tay Hân, hỏi khẽ: “Chị đã lần nào làm chuyện ấy chưa?”.
Hân thẹn chín mặt, lắc đầu, khẽ đáp: “Chưa”!
“Vậy thì chị chờ em thay đồ. Rồi mình đến quán cà phê khác. Em sẽ gọi bạn em. Bàn chuyện tương lai cho chị”.
Hân gật gật đầu.
Họ đến quán cà phê khác. Liên giới thiệu anh Khánh bạn em - chủ quán cà phê này. Sau màn chào hỏi, một lúc ngoại đề, Liên đi vào câu chuyện chưa chồng của Hân. Chị ấy muốn kiếm tấm chồng để tuổi già chăm sóc nhau, hoặc là ai đó cho một đứa con cũng được, nói chung hoàn cảnh bây giờ là thả toàn bộ.
Hân xấu hổ về cách nói thẳng thắn của cô em đồng hương. Anh chủ cà phê qua một đời vợ, chưa có con, nhìn Hân thân tình, cho ý kiến: “Em như vậy là tốt đó”.
Liên thêm vào: “Mạ già ruộng ngấu. Dễ có con lắm đó anh”!
Chia tay ở quán cà phê, hai chị em đi hai ngả. Ba hôm sau, anh bán quán cà phê gọi điện bảo với Liên: “Hay để mình giúp chị ấy!”. Cô em đồng hương gọi điện cho Hân, nói luôn ý định của anh Khánh. Tối đó, Hân đăng dòng tâm trạng trên phây: “Trong cuộc sống có cái cần nói, có cái không cần nói”!
Liên hơi phật ý về cách viết như vậy. Nhưng vì máu buôn bán có từ trong trứng, mọi thứ đều phải hiệu quả, mặc kệ thời tiết nóng hay lạnh, trứng phải ấp ra gà, người phải đẻ ra con, gái già cứ hay vòng vo bóng gió. Mình phải thay đổi chị ấy. Liên nhắn tin, gợi ý, tác động cả hai bên nhưng chỉ nhận được sự im lặng.
Rồi có người quê vào chơi, Liên gọi Hân đến. Tan tiệc, Hân dắt xe ra đường. Liên níu tay Hân hỏi:
“Chị nghĩ sao”?.
“Thế anh ấy nghĩ sao?” - Hân hỏi Liên.
“Trời ơi, sao chị không hỏi trực tiếp. Anh ấy nói anh đồng ý đến với chị mà. Có nhắn tin cho chị rồi phải không?”.
Hân gật đầu.
“Nhưng chị nghĩ anh ấy trẻ hơn chị, lại qua một đời vợ. Họ có kinh nghiệm, còn chị chẳng có gì” - Hân nói.
“Chị tính sao mà còn lửng lơ. Em muốn mở tương lai cho chị. Chị tính nhanh lên. Sang năm là hết tuổi đẻ rồi đấy” - Liên nói.
Hân cúi nhìn xuống đường, buông lời: “Chị không đủ can đảm”.
Tạm biệt Liên. Trời chiều nhiều mây. Không gian nằng nặng như muốn đổ cơn mưa. Hân chạy chậm, đèn xanh chuyển sang đỏ trước mặt, rồi chuyển sang đèn xanh mấy lần. Hân vẫn đứng đó, bên mép đường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận