Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Phía trước có đống gì lùm lùm. Anh nhìn trước sau, giảm ga, từ từ trờ tới. Thiệt may trúng chỗ có đèn đường, chiếc xe tay ga nằm nghiêng đang đè lên một cô gái. Là anh đoán vì thấy mấy lọn tóc vương quanh mũ bảo hiểm. Nhưng thời nay con trai tóc dài không thiếu, có khi còn dưỡng mượt mà hơn tóc con gái.
Anh nghĩ, cứ rồ ga chạy qua phứt, như không thấy, ai biết người ngay kẻ gian thế nào, dây vào không chừng mang họa. Biết đâu trước anh có không ít người làm ngơ chạy qua. Có lần anh thấy người đàn ông lết trên đường ăn xin, giữa trưa nắng mà anh ta vẫn cần mẫn lết bên lề đường hôi hám, anh kiên quyết không cho, nghĩ bụng giả tàn tật khó gì. Về nhà cứ nghe áy náy, lỡ đâu người ta tàn tật thật, mấy nghìn của anh không thể thay đổi gì nhưng có thể làm bữa trưa của người đàn ông ấy thêm no.
Mấy hôm sau anh lại gặp người đàn ông đó, anh gần như vui sướng tiến đến bỏ vào mũ của ông ta tờ hai mươi nghìn. Đi được một đoạn, anh cau mày, có cảm giác mình đã bị lừa. Vì khi anh bỏ tiền vào mũ, anh có nhìn ông ta, ánh mắt ông ta sao dửng dưng ráo hoảnh, không thấy chút nào thể hiện nỗi đau.
Anh nắm chặt tay ga, hít một hơi tính kéo ga vọt qua, ma quỷ khiến xui sao anh lại thở hắt ra. Dừng lại.
Anh ngồi nguyên trên xe, mắt không ngừng cảnh giác trước sau. Thời này ra đường chẳng dám tin ai, bao nhiêu chuyện cảnh giác, rằng anh chỉ cần nhấc mông khỏi yên xe, sẽ có ngay ai đó nhảy phắt lên xe anh rú ga chạy mất, và người đang ngất hay đang kêu cứu kia cũng thản nhiên tỉnh dậy leo lên xe đi biệt. Những cái bẫy, dàn cảnh cướp của ngày nào chẳng có.
Bạn bè anh trong lúc vài ba chén vô ra gọi đó là ngu vì gái, còn dặn anh đi ra đường phải niệm “ba không”: không nghe, không thấy, không nhìn. Ngày nào tụi này cũng bị các bà vợ ra rả dặn, chú chưa vợ con nên tui nhắc.
- Này, có sao không?
Nghe như có tiếng rên, trời chưa khuya mà muốn nổi da gà. Anh lại có phần yên tâm, còn rên là còn sống.
Anh đạp chân chống xe, còn cẩn thận khóa cổ xe, khóa luôn khóa an toàn, bỏ chìa khóa xe vào túi quần.
- Này, dậy được không?
Anh khom người, mím môi dựng xe. Chiếc xe tay ga nặng ra trò, ngã đè lên chân cô gái. Lúc nãy nghe tiếng rên, anh đã chắc đây là cô gái. Xe chế cho con gái chạy mà nặng như tạ thế này, anh nhấc còn khó khăn, nói gì các cô chân yếu tay mềm còn lùng thùng váy áo. Dựng xe lên anh mới nhận ra có một vũng máu đọng trên đường.
Anh mở túi hông, lấy chai dầu khuynh diệp đưa vào mũi cô gái, mùi dầu làm cô tỉnh táo hơn, anh ngồi xổm cạnh cô:
- Có nhớ điện thoại ai không?
Cô gái lắc đầu, chỉ chỉ phía chiếv xe.
Trong cốp. Anh nhanh chóng hiểu ý. Thời này là thời của “xì mát phôn”, chỉ cần chạm vuốt là xong, chính những chạm vuốt ấy khiến người ta ù lì hơn, ngay đến số điện thoại người thân cũng không nhớ, ỷ y có điện thoại nhớ giùm. Điện thoại ngày càng thông minh, con người ngày càng ngốc đi.
Nhớ hồi mới đi làm, sau một tháng anh đã thuộc làu số điện thoại cùng số fax và người liên lạc của hơn năm chục khách hàng. Thời trẻ nông nổi nhưng đầy sức sống, giờ có lười hơn nhưng ít ra anh vẫn nhớ số của anh em đồng nghiệp cùng bà con họ hàng.
Nhờ sự trợ giúp của cô gái, anh đã liên lạc được với người nhà cô và đồn công an gần nhất. Taxi vừa tới, anh theo cô vào bệnh viện.
Lúc này anh mới sực nhớ phải báo tin cho ba mẹ. Mẹ dặn khi người nhà họ đến, con phải ở cạnh bác sĩ hay ai đó, người ta của đau con xót, không nghe thanh minh đâu. Anh dạ dạ, mẹ anh dặn đâu thừa, ba anh hồi đó cũng... phải tai một trận.
Người nhà cô biết lý lẽ, bà chị gái vồn vã:
- Đằng nào cũng khuya rồi, anh ở đây chờ em tôi ra cho nó được cảm ơn. Tôi biết anh là người tốt, không mong trả ơn nên thường đi là đi luôn.
Anh lặng lẽ đưa trả cho họ những thứ của cô. Nếu là họ, chắc gì anh đã khéo léo thế, người ngay lẫn kẻ gian, đề phòng cho chắc, thừa còn hơn thiếu. Cùng ngồi đợi trước phòng cấp cứu, anh thấy họ chờ cô sáu phần, bốn phần để mắt “canh” anh. Anh thấy buồn cười. Ngày mai, những chiến hữu bàn tròn lớn tuổi sẽ cười phá lên khi nghe anh kể, rằng anh quên lời dặn “ba không”. Rằng anh phải lấy vợ gấp để có người ngày ngày nhắc nhở.
***
Sau này, khi đã thành vợ chồng, cô thường bá cổ anh, trêu:
- Thật may khi ấy máu anh không lạnh, nếu không làm gì có vợ.
Anh cười, kể cho cô nghe chuyện người đàn ông ăn xin. Trớ trêu sao những ngày sau anh không thấy người đàn ông đó, anh tin chắc mình đã bị lừa. Chắc rằng người đàn ông giả tàn tật đã chuyển “địa bàn” hành nghề, tìm những “con mồi” mới. Cho đến ngày anh gặp ông co ro ngủ trong bao tải trước một cửa hàng, hôm đó anh đã móc hết ví, vội vã nhét vào tay ông. Anh như muốn chuộc lại cảm giác đã nghi ngờ ông trước đó.
- Nhưng cũng không nóng vì anh đã định chạy luôn.
Chính những ngần ngừ đắn đo của anh khiến cô phải chịu thêm đau đớn, khi ấy cô đã tuyệt vọng, cho rằng mình sẽ phải nằm đó với cái chân đau muốn chết lặng đến sáng mai, đếm những tiếng động cơ và ánh đèn từ xa tiến đến gần mình và vút qua như sao băng lạnh lẽo. Cô bắt mình nhớ những con chó con mèo cô nhặt về nuôi, nhớ đã tìm tên đặt cho chúng trong tiếng cười chế giễu của các anh chị để sự tuyệt vọng không thể xâm chiếm mình.
Cô cười dù mỗi lần nhớ đến nước mắt cô lại chảy:
- Ừ, máu anh mới ấm thôi, thế cũng là may rồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận