Minh họa: Kim Duẩn |
Thầy Năm mướn cái gác nhà bà đã hai năm nay, bà hãnh diện lắm vì rất mê cải lương và mê luôn anh kép Ba Thời.
Thầy Năm đã lượm ảnh từ một gánh cải lương miệt dưới không có chút tiếng tăm, đem về Sài Gòn rửa phèn gần chết rồi cho vô gánh hát Hoa Phượng đóng vai phụ.
Thầy Năm thấy anh này sáng dạ và ca mùi nên ra sức chỉ dạy thêm về nghề, trong vòng ba năm thầy đã viết hai tuồng cải lương đo ni đóng giày cho Ba Thời làm kép chính.
Sau đó Ba Thời trở thành kép tài danh thủ đô và chuyên đóng vai chánh cho gánh hát Hoa Phượng, nơi thầy làm soạn giả kiêm thầy tuồng (đạo diễn). Ba Thời biết ơn thầy lắm, ai cũng thấy vậy.
Hiện tại thầy đang ráng hết sức để viết cho thế gian một vở tuồng thiên thu, thầy đã ấp ủ đề tài này nhiều năm rồi.
Một buổi chiều, thầy Năm bước vào nhà mặt tươi tỉnh lắm. Bà Chín hỏi liền, đang tập tuồng mới hả thầy? Thầy gật đầu nói kép Ba Thời của bà kỳ này có vai hay lắm.
Bà Chín hỏi vai chánh hả thầy? Không! Nó đóng vai ông lái đò. Trời, sao kỳ vậy thầy! Bộ bà tưởng chỉ có vai chánh mới hay sao? Mai mốt bà coi rồi hãy nói nghen.
Gánh Hoa Phượng ra mắt tuồng mới. Như thường khi, thầy Năm đưa thiệp, mời bà đi coi cải lương nhưng thái độ không vui. Tối hôm đó đi coi về bà cũng hổng vui và có ý chờ thầy Năm. Thầy về, bước vào nhà ngồi phịch xuống ghế không nói năng gì. Thường khi về là thầy đi thẳng lên gác. Thầy ngồi đó im lặng, bà Chín cũng im lặng. Một hồi lâu thầy chép miệng rồi đứng lên.
Bà Chín phá tan bầu không khí im lặng đó, sao thầy cho Ba Thời đóng vai phụ vậy? Thầy bước nhẹ lên hai bậc cầu thang rồi dừng lại, bà thấy vai đó không hay sao? Vai ông lái đò hay chứ, nhưng sao thầy để ảnh đóng vai phụ chi?
Tui thấy ảnh hát gượng quá à. Bà nói đúng, nó hát gượng lắm vì không ưng vai. Tui gửi gắm nhiều vào vai ông lái đò vậy mà... Từ giờ đến chết tui sẽ viết tám chục tuồng cải lương cho nó đóng vai chính.
Nó hát nó diễn gượng lắm làm chết ông lái đò của tui rồi. Đêm đó bà Chín nghe tiếng chân ông đi lại trên gác nhưng tiếng bước chân ngập ngừng không giống lúc viết tuồng. Mệt, bà ngủ khò.
Gần sáng bà thức giấc vì nghe tiếng ai thì thào ở chân cầu thang lên gác: Mở cửa đi thầy Năm, tui là Tư Phên đây... Bà nghe câu này chừng bốn năm lần rồi ngủ tiếp.
Sáng ra thầy Năm kiếm bà trả tiền thuê nhà, bà hỏi hồi gần sáng ai kiếm thầy vậy? Ai kiếm tui giờ đó. Tui nghe rõ ràng mà, người đó xưng là Tư Phên.
Thầy Năm đứng nhìn bà trân trân, nhìn lâu lắm rồi bỏ đi, không nói một câu. Lạ thiệt. Buổi trưa bà đang bô bô kể cho mấy bà hàng xóm nghe tuồng cải lương, tự nhiên bà chợt nín thinh. Chết mẹ, nhớ rồi... Tư Phên là tên của ông lái đò trong tuồng cải lương thầy Năm!
Tối hôm đó thầy Năm không về, chắc là buồn chuyện ông lái đò nên đi nhậu. Bà Chín đóng cửa đi ngủ. Gần sáng bà chợt thức giấc vì tiếng nói cũ: Thầy Năm ơi, tui là Tư Phên nè, mở cửa đi thầy...
Bà tỉnh ngủ hoàn toàn và nghĩ, mình đã khóa cửa rồi làm sao có ai vô nhà được. Bà ngồi dậy và quơ được khúc cây khá vừa tay. Bà đi nhẹ ra cửa phòng và hé nhìn lên cầu thang gác.
Mặc dù trời đang tối, bà nhìn thấy rõ ràng một ông già tóc bạc, mặc bộ áo nâu, tay cầm mái chèo, tay kia gõ nhẹ vào cửa phòng thầy Năm: Thầy Năm ơi, tui là Tư Phên nè, thầy làm ơn mở cửa cho tui vô đi thầy...Tui biết thằng Ba Thời nó làm thầy buồn... Nên tui tới đây xin lỗi thầy, cho tui xin lỗi nghe thầy Năm.
Bà Chín muốn cấm khẩu rồi, trời ơi... tui tỉnh hay là mê vậy... Đời thuở nào nghệ sĩ làm sai mà nhân vật lại ra khỏi kịch bản để đi xin lỗi thầy tuồng?
Bà đưa tay bụm miệng để không bật thành tiếng trời ơi. Nhưng đã muộn, Tư Phên đã nghe thấy, lão chèo đò quay lại nhìn vào cửa phòng bà rồi tan vào trong bóng đêm. Bà Chín bật khóc, khóc thương thầy Năm, thương lão Tư Phên quá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận