23/04/2017 14:47 GMT+7

Truyện ngắn 1.200 chữ: Vẹn, Tròn, Phú, Quý

LÊ MINH TÚ
LÊ MINH TÚ

TTO - Xứ tôi, người ta đặt tên con rất ngộ. Hẹn, Bữa, Rằm, Lê, Liếp, Xiếp, Chè, He, Quài, Quẩn, Hết, Hơi. Tiền, Cho, Mượn, Mua, Súng, Bắn, Quân, Thù, Té, Nhào.

Đó là khi chưa có vụ kế hoạch hóa gia đình. Giờ mỗi nhà chỉ hai con, muốn đặt kiểu đó cũng không thể. Tìm đỏ mắt mới có được bốn đứa “Vẹn, Tròn, Phú, Quý” như nhà chú út Giàu.

Tên này do bà Sáu, má chú, đặt cho với ước mong thằng con vàng ngọc may mắn hơn sau một lần đò.

***

Út Giàu là con trong một gia đình giàu có, có đến năm chị gái. Chú muốn ngăn nào được ngăn nấy, sao trên trời mà hái được, bà Sáu cũng hái cho chú luôn rồi. Năm lớp năm, bị rầy sao đó, chú hắt nguyên bình mực vô cô giáo, bỏ học luôn.

Nội tôi rầy: “Sao bây không dạy dỗ nó, học hành cho có chữ để biết khôn biết dại với người ta”. Ông Sáu cười khà khà: “Của cải nhà tui vầy, ăn biết đời nào cho hết, học nhiều chi anh ơi, biết cộng trừ chút đỉnh được rồi, nó không muốn thôi đừng ép nó”.

Mười bảy tuổi, út Giàu mê một cô bia ôm. Nhà không chịu, chú chặt ngón tay út. “Nhà giàu đứt tay...”, đằng này chú rớt một lóng tay. Bà Sáu xỉu lên xỉu xuống. “Nó có chết liền, tôi cũng không cưới đồ hư thúi đó”.

Ông Sáu nói lẫy, mà chú làm thiệt. Tay chưa tháo băng, chú lại uống nửa chai thuốc rầy. Lần này nặng, phải xuống tới Chợ Rẫy. Hên, không phải thuốc diệt cỏ! “Có câu cưới đĩ làm vợ mà, miễn thương con mình và tu tỉnh mần ăn là được mà ông.

Nó quyết chết, mình cản lần này, biết cản được lần sau?”. Nhìn con xanh như tàu lá, nghĩ đến cảnh nhang tàn khói lạnh, già néo đứt dây, ông Sáu gật đầu.

Đòi cho đã nư vậy thôi, mấy người đủ rộng lượng để không dòm đến quá khứ chẳng thơm tho của vợ, huống gì một người ích kỷ như út Giàu. Nhiều đêm chưa hết cảm giác mặn nồng, chú bật dậy, xáng vô mặt vợ mấy bạt tay.

Có đêm chú co giò đạp một phát lăn xuống giường cô vợ trên thân thể còn hơi ấm của đôi tay mình vừa ghì riết: “Mày làm như vậy với mấy thằng rồi?”. Vợ sợ chú lắm, nhất là khi chú say, chú yêu bạo và đánh cũng bạo lắm.

Bị đánh riết, dù nhà chồng có ruộng sâu trâu nái, thím cũng không thèm, sợ chết trước khi hưởng. Thằng con chưa đầy hai tuổi, thím ly dị chú và dẫn nó về quê.

***

Không bao lâu sau ngày ông bà Sáu lần lượt ra đi với nụ cười mãn nguyện vì đã đầy đủ “Vẹn, Tròn, Phú, Quý”, chú lần lượt bán hết đất cát.

“Người đẻ, đất có đẻ đâu. Mày nghèo khổ gì, bán sạch vậy Giàu?” - bạn nhậu tiếc rẻ. Chú cười hì hì: “Đất hương hỏa anh ơi. Cháu đông, tụi nó xin vài thước cất nhà, không lẽ hổng cho. Cho đứa này sẽ có đứa khác. Lấy vàng bỏ túi, không ai dòm ngó!”.

“Một đống vàng nhen mậy, có cho thằng lớn cây nào không?”. “Giờ cho chi, mẹ nó xài hết. Mai mốt nó cưới vợ, cho một hai cây, có vàng là nó về nhìn mình chứ gì!”. Mỏ chú quéo quéo, cười hì hì vì sự khôn ngoan của mình.

Rồi chú có nghề mới. Sáng chú mang giày tây, mặc áo dài tay, bỏ áo vô quần, tay đeo chiếc nhẫn năm chỉ, cổ đeo sợi dây chuyền to, đi làm cò đất. Chiều về say xỉn. Xỉn thì chú bật karaoke, bài gì mà em ơi chiều nay một chăm phần chăm em ơi, nghe rộn ràng xôm tụ hết biết.

Vợ sau của chú mở một quán nước tại nhà: cà phê, thuốc lá và chứa bài. Trong những trận sát phạt thâu đêm, thím đã kịp tìm được cho mình một người “đầu mày cuối mắt”.

Quán đóng cửa sau một năm. Hết vốn, mần xí nghiệp cho khỏe. Thím tăng ca suốt. Thứ bảy, chủ nhật thường đi đám tiệc nhà bạn.

Vẹn, Tròn, Phú, Quý, cứ tự lớn lên. Đứa lớn lo đứa nhỏ, đứa nhỏ lo đứa nhỏ hơn, từ năm này tháng nọ.

***

Đang “một chăm phần chăm” thì nín bặt. Nghe ồn ào, tôi chạy qua. Một bà sồn sồn đang tru tréo: “Giàu ơi, mày cắt con c. của mày liệng xuống đìa cho cá dồ nó ăn đi Giàu ơi...”.

Hàng xóm đông nghẹt.

Thím đi nhà trọ, chụp hình, quay phim với người tình. Hình, vợ ông ta in, rải trước công ty; phim thì bắn bluetooth hết xóm. Thím xấu hổ, bỏ trốn từ trưa, bỏ lại mấy dây hụi chết, số nợ kha khá trong xí nghiệp. Họ đến, vớt vát chút nào hay chút đó.

Chú tỉnh rượu, quáng quàng mở tủ: mấy cây vàng, cuốn sổ đỏ đâu mất tiêu rồi!

***

- Anh Sinh, cho em mượn sáu chục ngàn mua tập, cuối tuần ba em trả.

Từ ngày út Giàu lên thành phố làm mướn, để nuôi con, trốn nợ và trốn cái cười của người quen, “Vẹn, Tròn, Phú, Quý” hay qua nhà tôi mượn cái này cái nọ.

Tôi đưa thằng Vẹn một trăm ngàn. “Dư bốn chục, mày bỏ túi, dọc đường xe có hư mà sửa”. “Dạ thôi anh, ba dặn mượn sáu chục, lấy thêm mai mốt ba biết ba la”. Vẹn chào nội và tôi ra về.

Nhìn thằng nhỏ gầy nhom lầm lũi dưới nắng trưa, tôi rưng rưng nước mắt, vì một nỗi đau nhớ trong lòng.

“Mày thấy chưa Sinh, ai không mong muốn giàu sang. Nhưng không phải ngồi đó muốn là được nghen con. Do cách mình ăn ở nữa. Người xưa nói không có sai đâu con, có đức thì mặc sức mà xài”.

Năm đó ba mẹ đi làm ăn xa. Em tôi bị sốt nặng. Nội kêu tôi chạy qua nhà chú út Giàu mày mượn đỡ ba trăm ngàn. “Mày lên nhà con Đắc mà vay. Tiền của tao là tiền làm ăn lớn. Đâu có cho mượn manh mượn mún như vậy được mậy.

Tao cũng không có cắc nào trong nhà, mua vàng hết rồi”. Tôi cay đắng quay về và mọc lên một khối hận trong lòng. Nhà cách nhau có mấy bước chân mà cảm giác như đường xa vạn dặm.

Nội dạy không sai. Nhưng thiệt tình mà nói, tôi luôn ân cần với con chú út Giàu, không phải để tích đức cho mình.

Tôi muốn đời này đừng có thêm ai, đặc biệt là đứa trẻ nào bị tổn thương rồi mang hận. Với những trải nghiệm dù còn ít ỏi của mình, tôi biết ai mà mang thù hận trong lòng thì không thể đi xa.

LÊ MINH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp