16/07/2017 14:00 GMT+7

Truyện ngắn 1.200 chữ: Mình gọi nhau là cưng!

TRÚC THIÊN
TRÚC THIÊN

TTO - Rẽ trái, cuối con dốc, trước ngõ có dàn cây khiết bông đỏ thắm đang mùa trổ hoa là nhà ông Tám “Cưng ơi”, kiểu loại nhà gỗ thường thấy của miệt cao nguyên này.

Minh họa: Kim Duẩn
Minh họa: Kim Duẩn

Ông hồi xưa vốn là giáo viên giỏi của tỉnh, lần đó bị kỷ luật vì thành tích tốt nghiệp của lớp mình chủ nhiệm không đạt như trường mong muốn, thế là ông xin hưu non.

Ông hề hà chuyện nhỏ cỏn con thế thôi. Dạy cái chữ cho bọn nhỏ vào đời chứ mớ thành tích ấy chứng minh được gì đâu nè!

Ấy là mấy lúc ông trà sớm với bạn già của con dốc này mà tâm sự. Ông tính giản đơn, thuận thảo với mọi người trong cái xóm nhỏ vốn lấy nghề trồng hoa mà mưu sinh.

Xóm nhỏ hơn ba chục nóc nhà, khúc khuỷu lên xuống theo hình con dốc. Mỗi đêm, nhà nhà sáng đèn, từ đầu dốc nhìn xuống cứ y như một khuông nhạc đầy nốt thăng trầm.

Chuyện “cục cưng” già ngắt của ông hồi đó cả con dốc ai cũng bàn tán. Lúc mới dọn về, cứ sáng sáng ông tình tang đạp xe ra chợ nhỏ, ai hỏi đi đâu, ông đều ngoái lại cười thiệt tươi “đi chợ cho cục cưng nấu cơm”.

Cái xóm nhỏ, mà chuyện tưởng bình thường hóa ra thành lùm xùm. Ai đời già cũng ngót nghét hơn sáu chục cái con trăng mà còn “cưng ơi” mỗi bận gọi cửa. Hay mỗi lần ông lân la nhà hàng xóm, bà kêu về ăn cơm cũng lại là hai từ “cưng ơi”.

Quý ông thì xóm giềng vẫn quý, nhưng cái kiểu gọi nhau dặt dẹo vậy, bà con cũng không có quen tai. Nào giờ dân trong xóm cứ quần quật cày xới lấy đâu ra mấy cái kiểu nói năng ngọt ngào này.

Ông bà chắc cũng biết chòm xóm ưa nhìn nhau tủm tỉm cười khi ông bà gọi nhau “cưng ơi”, nhưng gọi thì vẫn cứ gọi. Bà cũng có lần kêu ông, thôi gọi nhau ông với tui hay bà với tui cho nó đỡ bị cười. Ông lại hề hà, mình gọi nhau là cưng để thấy cái tình nó vẫn đong đầy nghen.

Bà theo ông năm ấy cũng ngoài bốn mươi. Năm đó, ông về công ty bà dạy cho mấy anh công nhân học bổ túc thi lấy bằng cấp ba.

Bà chỉ là cô thư ký luống tuổi. Gặp nhau trò chuyện đôi lần khi bà trao phong bì tiền dạy cho ông. Lần nào ông cũng cười cười “cám ơn cưng nghen”. Bà chưa có gia đình.

Ông lúc đó góa vợ, hai đứa con đã lập nghiệp, dựng vợ gả chồng xong xuôi. Đâu chừng hơn ba tháng sau, kết thúc khóa dạy. Lần cuối bà đưa phong bì cho ông, ông cũng lại cười cười “muốn nghe tui gọi là cưng nữa thì về sống vơi tui luôn nghen”.

Hơn tháng nữa, bà về sống cùng ông. Cái lần ông giới thiệu bà với đám con, ông gọi “cưng ơi”, bà thẹn đỏ cả mặt. Đám trẻ cũng ngượng ngùng dắm dúi nhìn nhau.

Ông lại hề hà: “Đâu còn bao nhiêu năm nữa bây nghe tao gọi bả là cưng ơi”. Mắt bà ướt nhem. Gương mặt ông xao xác.

Đám trẻ cũng thương bà như là thương ông. Ngót nghét cũng gần hai mươi năm theo ông không một mâm cỗ, ông và bà vẫn gọi nhau là cưng. Riết rồi thành quen.

Mà cái xóm cũng lao đao lận đận mấy bận rồi! Chuyện là theo đô thị hóa để đáp ứng sự phát triển của du lịch địa phương, tỉnh mấy bận họp lên họp xuống đòi giải tỏa.

Nhưng bà con sống với cái nghề trồng hoa biết bao đời hết thế hệ này sang thế hệ khác, giờ giải tỏa biết sống sao đây.

Bận đó, ông Tám “cưng ơi” thảo cái đơn cho bà con ký tên rồi đem lên tỉnh. Ông hiến kế xin giữ cái xóm nhỏ heo hút này, giữ nghề trồng hoa, nhưng kết hợp cho khách tham quan, sống thử một ngày làm nông dân trồng hoa, chủ yếu là tỉnh quảng bá rầm rộ thì được thôi.

Ông chốt cuối cái đơn câu giữ đất là giữ người. Mấy ông trên tỉnh nghe ra thấy cũng được, cho triển khai liền. Ngót đâu một tuần sau, đầu con dốc được gắn cái bảng to đùng:

Làng hoa truyền thống. Rồi báo đài xuống quay phim chụp hình, đưa tin rần rần. Con dốc bắt đầu dập dìu khách tham quan từ ấy. Bà con xóm nhỏ ưng cái ông giáo già “cưng ơi” hết biết.

Nhưng ông giáo già đâu lường trước cái chuyện sau đó. Bọn trẻ nhỏ một đi không trở lại phá nát cái vườn hoa. Nào là giẫm đạp tạo dáng, nào là ngắt hoa làm kiểu. Chưa kể khi khách tham quan ra về, nhà vườn trở thành bãi rác.

Ông buồn buồn đi xin lỗi từng nhà. Biết là ông đâu chủ đích làm vậy, nhưng thôi cũng là cái sáng kiến của mình làm hại bà con.

Ông lại tự bỏ tiền túi ra làm cái bảng thông báo kế bên cổng làng hoa. Nội dung rõ ràng, khúc chiết và cũng lay động lòng người lắm.

Đại loại kiểu như thương một cành hoa là thương một đời người. Ông cũng lặn lội lên tỉnh, xin mấy ông ở trên truyền thông kêu gọi thưởng thức hoa nên có ý thức thương hoa và người trồng hoa một chút.

Làng nghề sống được hay không là từ ý thức của người xem hoa. Mấy ông trên tỉnh nghe cũng chí phải, nên lại rần rần khẩu hiệu, băngrôn căng đầy phố xá. Từ đó làng hoa yên ổn hơn.

Bà con bảo ông hề hà vậy mà hay. Đời nông cực lắm, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Trồng hoa phải canh mưa gió, nắng nôi, rồi giờ canh thêm khách nữa, tâm trí đâu mà trồng. Ông bà mình dạy hoa đẹp từ tâm mà ra.

Tâm không tịnh trồng hoa đâu thể đẹp. Ông giáo già không làm nghề trồng hoa, nhưng cái tình của ông với hoa thì hiếm ai có được.

Hổm rày tỉnh kêu gọi bình chọn gương điển hình nông thôn. Dân trong xóm đề cử ông. Bữa được lãnh giấy chứng nhận, ông lên tivi tỉnh cứ hồn nhiên phát biểu:

- Tui có bà vợ già. Tui thỏa thuận với bả mình gọi nhau là cưng nghen. Gọi là cưng thì phải cưng cho trọn cuộc đời! Đời hoa cũng như đời người. Thế nên với hoa mình cứ thương hoa như thương cục cưng của mình thôi!

Ở dưới cười rần rần. Ông giáo già nói nghe cưng gì đâu!

TRÚC THIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp