"Cô giáo" Linh trong giờ lên lớp - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Từng ở vào hoàn cảnh của các em nên tôi hiểu những mong muốn rất con người: đến trường, học chữ... muốn đến điên cuồng.
Phan Thị Mỹ linh
Không kêu ca số phận, Mỹ Linh chọn thái độ sống tích cực bằng một nguồn năng lượng vô tận.
Cô gái của nụ cười
Chuyến xe buýt chiều từ căn nhà trọ gần đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) đến điểm dừng đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh) chạy trễ hơn thường ngày khiến Linh thêm vội vã.
Cô băng băng về phía Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nơi có những em nhỏ đang đợi mình. "Chị Linh đến rồi. Chị Linh đến rồi!". Các em bệnh nhi đang có mặt tại lớp học chữ của khoa nhi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM liên tục hò reo. Linh nhanh chân đến ôm chầm các em. Rồi cứ thế, tiếng giảng bài của cô hòa vào tiếng của một số giáo viên, tình nguyện viên khác vang lên.
Cứ thứ tư và thứ sáu hằng tuần, Linh lại đến bệnh viện, tổ chức những hoạt động vui chơi, dạy học cho bệnh nhi nơi đây. Cô nhớ mặt và tên của hầu hết các em, dù có em chỉ mới học một vài bữa thì ốm bệnh rồi nghỉ hẳn. Sự thân thiện của cô giáo tạo nên không khí gần gũi cả trong lúc học lẫn giờ chơi. "Cô gái của nụ cười" là biệt danh mọi người đặt cho Linh.
"Chị Linh không những vui tính mà còn xinh đến vậy bảo sao ai không thích" - bé Thu Huyền (10 tuổi) trả lời ngay khi nghe hỏi về cô giáo.
Dáng người nhanh nhẹn, sắc mặt vui tươi nên nhiều người không biết rằng Linh cũng đang mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng. Nghiệt ngã hơn bởi tưởng chừng cô đã khỏe hẳn sau lần mổ căn bệnh quái ác này cách đây tám năm, nay chúng đã quay lại.
Ba lần cô tìm gặp chủ nhiệm lớp kinh doanh xuất nhập khẩu Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM, nơi mình theo học, để xin bảo lưu kết quả rồi nghỉ luôn cho đến nay đủ để hiểu về quá trình chiến đấu dai dẳng với bệnh tật và khao khát được học của cô. "Mọi phác đồ điều trị đều không mang lại hiệu quả. Bác sĩ bảo mình là ca đặc biệt" - Linh nói về bệnh tình của mình một cách nhẹ tênh.
Cô lờ đi câu chuyện bệnh tật bằng nụ cười hiền và tỏ ra tiếc nuối khi bảo "đi đi về về" ở Bệnh viện Ung bướu gần hai năm trời nhưng mãi đến tháng 10-2019 mới biết đến lớp học. Việc tham gia đứng lớp thường xuyên được Linh giải thích rằng "để bù việc biết đến lớp học muộn".
Những bó hoa giấy do Linh tự tay tạo nên - Ảnh: CÔNG TRIỆU
"Trợ lý" đa tài
Những lời khen về Linh từ cô Đinh Thị Kim Phấn (phụ trách lớp học chữ) không ngớt. Cô Phấn bảo Linh mới tham gia nhóm tình nguyện viên chương trình "Ước mơ của Thúy" cũng như lớp học chữ nhưng chính sự đa tài đã giúp cô gái này nhanh chóng bắt kịp mọi thứ.
"Chỉ cần nói ra ý tưởng là Linh đã soạn ngay cho tôi một kế hoạch chỉn chu. Ngoài ra, em ấy còn biết làm hoa, nhảy múa, trang hoàng phòng sinh hoạt này - điều mà ít tình nguyện viên nào trước giờ có được" - cô Phấn cho biết.
"... Tôi từng mong tôi không là tôi/ Tôi từng mong tôi giống bao người/ Để sống thảnh thơi/ Sống như tôi vẫn mơ...". Những ca từ ý nghĩa trong ca khúc mà Linh yêu thích Sống như những đóa hoa cứ thế được cô đệm đàn rồi hát vang cùng đám nhỏ sau khi kết thúc buổi học. Linh chia sẻ lời ca tiếng hát giúp cô lấy lại cân bằng trong cuộc sống, lạc quan hơn.
Những tháng ngày chưa phát bệnh, Linh vẫn đi làm thêm bằng nhiều nghề như phụ quán cà phê, gia sư, phục vụ ở nhà hàng để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống trọ học. Ngay cả trong quá trình xạ trị, cô vẫn không thôi ý định nghỉ ngơi dù đôi lúc việc vô hóa chất khiến cô gần như kiệt sức. Lần "khởi nghiệp" bằng ý tưởng làm hoa giấy với số tiền vốn 500.000 đồng khiến cô luôn tự hào, bởi những đồng tiền ấy kiếm được từ sự đa tài của mình.
"Hi vọng rằng những bó hoa ấy được bán đi bằng chính vẻ đẹp của chúng chứ không phải bằng lòng thương hại, mua để hỗ trợ tôi" - Linh cười nói.
Ngoài làm hoa, dạy học, Linh thường cùng những đoàn thiện nguyện tại TP.HCM về Long An, Cần Thơ hay Cà Mau để giúp đỡ bà con, cũng là dịp cô cảm nhận mình sống có ích. Cô gái đầy nghị lực tâm niệm: chính nụ cười an nhiên và cảm giác sẻ chia yêu thương sẽ là thứ vĩnh viễn tồn tại trong cuộc đời vô thường này.
15-12: Ngày hội "Vì chiến binh hoa mặt trời"
Tròn 12 năm ngày mất của công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM Lê Thanh Thúy (2-11-2007) - người khởi xướng chương trình "Ước mơ của Thúy" cũng như kỷ niệm 12 năm hoạt động chương trình "Ước mơ của Thúy" - chăm sóc bệnh nhi ung thư VN, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội LHTN Việt Nam TP.HCM và Hà Nội tổ chức Ngày hội hoa hướng dương lần thứ 12, chủ đề "Vì chiến binh hoa mặt trời" tại Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM (Khu đô thị ĐHQG TP.HCM, Q.Thủ Đức) và Viện Huyết học truyền máu trung ương (Q.Cầu Giấy, TP Hà Nội) vào ngày 15-12.
Nhiều hoạt động diễn ra như: Tặng 1.000 phần quà cho bệnh nhi ung thư đang điều trị tại 10 bệnh viện của TP.HCM, Đà Nẵng, Huế và Hà Nội (700.000 đồng/phần); Trao 160 suất học bổng "Ước mơ của Thúy" cho bệnh nhi khỏi bệnh trở lại trường (5 triệu đồng/suất); Hiến máu, chạy bộ "Vì chiến binh hoa mặt trời" (khu vực TP.HCM); Thực hiện 1.000 điều ước của bệnh nhi; Triển lãm và bán tranh do bệnh nhi vẽ; Tư vấn điều trị và phòng ngừa bệnh ung thư...
Ngày hội tiếp nhận mọi đóng góp của cộng đồng dành cho bệnh nhi ung thư tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Điện thoại: 028.39973838 - 0913.804.883) hoặc tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100 tại Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh 3 TP.HCM, nội dung: ủng hộ chương trình "Ước mơ của Thúy" giúp bệnh nhi ung thư; Ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ"; Tham gia đăng ký chạy bộ và mua sản phẩm (áo, nón, balô...) ủng hộ kinh phí cho bệnh nhi.
Thông tin ngày hội được cập nhật tại tuoitre.vn và Fanpage: www.facebook.com/umct.uocmocuathuy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận