01/08/2015 12:01 GMT+7

Truyền kỳ Phú Quý, Kỳ 3: Nơi tình người nguyên sơ

PHẠM XUÂN DŨNG
PHẠM XUÂN DŨNG

TT - Tục đám tang, đám cưới đang biến tướng thành những chuyện bi hài ở khắp nơi nhưng không lan truyền ra được đảo Phú Quý.

Những đứa trẻ Phú Quý - Ảnh: P.X.D.
Những đứa trẻ Phú Quý - Ảnh: P.X.D.

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2: 

Đặt chân đến hòn đảo này, bạn sẽ thấy phong tục cưới xin, tang lễ nơi đây vẫn còn nguyên sơ và đầy ắp tình người.

Thương nhau thì thành vợ chồng

Suốt mấy ngày đi dọc đi ngang đảo Phú Quý, chúng tôi thấy nhiều chuyện lạ. Như khi hỏi đến chuyện đám cưới, các ông già bà lão đều cười: “ở đảo này ngày xưa làm gì có đám cưới”.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, ở làng Đông Hải, xã Long Hải, cho hay: “Bây giờ cuộc sống khác xưa nhiều, lớp trẻ cũng có nhiều thay đổi. Nhưng ngày xưa đám cưới ở hòn đảo này là chuyện lạ”.

Ông Đỗ Muộn, ở làng Triều Dương, xã Tam Thanh, nói: “Ngày trước thấy con cái hai bên thương nhau thì người lớn nói chuyện dựng vợ gả chồng là xong”.

Theo đó, khi thấy trai gái có vẻ quý mến nhau thì cha mẹ đằng trai sang gặp thân sinh đằng gái gọi là nói chuyện. Nếu hai nhà đồng thuận thì nhà gái cho con rể tương lai sang ở rể. Rồi họ chọn ngày lành tháng tốt cho đôi trẻ nên vợ nên chồng.

Không hề có đám cưới nên đương nhiên chẳng hề có chuyện đưa dâu, có chăng chỉ là mâm cơm kính cáo tổ tiên và ruột thịt ngồi lại với nhau. Không ồn ào, tốn kém. Tất cả diễn ra gọn nhẹ, giản đơn như cuộc sống dân đảo và cứ thế đời này sang đời khác.

Có người giảng giải thêm do ngày trước việc mưu sinh vất vả, nhọc nhằn, người ta lo toan nhiều bề. Cũng chính vì vậy bà con coi trọng chữ tình, dễ thông cảm với nhau, bỏ qua những thủ tục, lễ nghi rườm rà, tốn kém. Lâu dần thành tục lệ, ai cũng như ai.

Đến nhà bà Nguyễn Thị Nhĩ, 65 tuổi, ở làng Triều Dương, xã Tam Thanh, tôi thấy con đàn cháu đống.

Nghe hỏi: “Ngày xưa đám cưới của bà như thế nào?”, bà cười chất phác, lắc đầu nguầy nguậy: “Cưới xin gì, thương nhau thì thành chồng thành vợ thôi!”.

Cũng tại nhà bà Nhĩ, chúng tôi đã gặp anh Đoàn Quyên ở thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, con rể gia đình, tâm sự chuyện riêng của mình bằng những lời gan ruột.

Anh Quyên kể: “Tôi năm nay 34 tuổi, lấy vợ được 10 năm. Cũng như ông bà, cha mẹ ngày xưa, vợ chồng tôi không đám cưới. Cha mẹ tôi sang nói chuyện với cha mẹ vợ tôi bây giờ gọi là “nói chừng”.

Hai nhà đồng ý chọn ngày rồi chúng tôi về ở với nhau. Vậy mà chúng tôi sống tình cảm với nhau cho đến bây giờ, có cả đàn con. Ăn thua là mình biết ăn ở với nhau. Cái đó là quan trọng nhất.

Còn dù có cưới mâm cao cỗ đầy mà vợ chồng không hòa hợp, thậm chí còn chửi nhau, đánh nhau thì cưới to cũng chẳng để làm gì”.

Anh Quyên cho biết sau này những gia đình khá giả, đủ đầy thì theo tục đất liền mà làm đám cưới. Còn số đông dân nghèo, ngư dân vẫn cứ theo tục cũ mà về với nhau.

“Đám hiếu” rất đông mà không tốn kém

Hết chuyện đám cưới lại nghe chuyện đám tang. Ông Nguyễn Văn Thịnh, ở thôn Đông Hải, xã Long Hải, cho biết: “đám tang ở đây gọi là đám hiếu, giản đơn mà tình cảm lắm”.

Khi nhà nào có người qua đời, không ai bảo ai cả làng tự nguyện chạy tới xắn tay áo mỗi người lo một việc từ nhỏ đến lớn khi tang gia bối rối. Mọi người làm việc tự giác, nhiệt tình đến nơi đến chốn.

Đặc biệt, chủ hiếu không phải dọn cơm, không phải giết gà, mổ heo, phục dịch chuyện ăn uống phiền hà, tốn kém. Cả làng cùng lo việc hiếu, từ chuyện khâm liệm đến đào huyệt mà dân gian Phú Quý quen gọi là “đào hang”, nghĩa là mọi chuyện lớn nhỏ cần làm.

Việc gì cũng làm nhưng ai về nhà nấy ăn cơm. Ngoài việc giúp đỡ tận tình, bà con làng xóm còn có “tiền nhang” để giúp chủ hiếu kinh phí lo đám tang”.

“Vậy đám tang có để lâu không?”. Ông Thịnh cho biết: “Không quá 24 giờ. Bà con thường không kéo dài, trừ những trường hợp đặc biệt chờ người ruột thịt đi quá xa trở về.

Khi ấy họ phải dùng đến tủ đông để bảo quản thi hài người chết, đảm bảo môi trường cho người sống, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc của cộng đồng. Đó cũng là cái hay của đám tang ở đảo”.

Ngày cuối cùng trên đảo, khi đi từ Dinh Thầy (Sài Nại) về chúng tôi tình cờ chứng kiến làng xóm tiễn biệt một con người. Tôi đứng nhìn đám tang đi qua, rồi cũng theo chân bà con tiễn đưa người đã khuất đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Đám tang đông nghịt dễ đến hàng mấy trăm người. Hầu như cả làng đều có mặt để tỏ bày tình cảm khi vĩnh biệt một người con của xóm làng Phú Quý.

Hỏi ra mới biết người mới qua đời là D.V.T., ở làng Thương Châu, xã Ngũ Phụng, năm nay 49 tuổi. Anh mất khoảng 4g sáng, đến 4g chiều thì gia đình đưa tang với đông đủ bà con làng trên xóm dưới.

Một đám tang trang trọng, tình cảm và nhanh gọn. Riêng việc đưa đám ngay trong ngày cũng là điều hiếm có ở đất liền.

Ông Lê Hoàng Kim, ở làng Hội An, xã Tam Thanh, hòa trong dòng người đưa tiễn cũng xác nhận điều này: “Không phải đám hiếu này mà đám nào ở đây cũng vậy. Bà con đến rất đông, cơm nước ở nhà mình, chung tay lo mọi việc giúp chủ hiếu cho đến lúc hoàn tất. Vậy mới đúng nghĩa tử là nghĩa tận”.

“Ra Hòn ngó vậy mà vui. Đi đâu cũng có cái gùi sau lưng” - Ảnh: P.X.D.
“Ra Hòn ngó vậy mà vui. Đi đâu cũng có cái gùi sau lưng” - Ảnh: P.X.D.

Trước khi đi đảo, tôi đã tìm đọc các tài liệu về hòn đảo này mới hay giọng nói của người dân Phú Quý vốn nổi tiếng rất khó nghe. Đinh ninh mình có thể nghe được nhưng đến khi ra đảo thì “bó tay”, như thể nghe người nước ngoài nói.

Bà con nói nhanh và không có thanh điệu rõ ràng, thậm chí đảo lộn thanh điệu hoặc nói không có dấu, lại dùng nhiều từ địa phương nên người lạ là phải nhờ phiên dịch.

Anh bạn đồng nghiệp Đỗ Châu Thọ phải liên tục phiên dịch tiếng đảo. Thọ kể một lần đài truyền hình tỉnh làm phóng sự về Phú Quý. Khi phát sóng, sợ khán giả đất liền không hiểu nên phải chạy thêm phụ đề tiếng Việt!

Đi đâu cũng có cái gùi sau lưng

Ra đảo giữa trời nước mênh mông lại thấy một cảnh tượng ngồ ngộ đập vào mắt du khách: người dân Phú Quý đeo gùi đi lại trên khắp nẻo đường.

Hỏi ra mới biết đó là dấu ấn văn hóa Chăm được khởi đầu khi công chúa Bàn Tranh mang theo lúc bị vua cha lưu đày ra đảo. Đến giờ dân đảo vẫn lưu giữ thói quen dùng gùi trong công việc hằng ngày.

Đến thăm nhà một người dân ở làng Triều Dương, xã Tam Thanh, chủ nhà là bà Nguyễn Thị Nhĩ chỉ vào mấy chiếc gùi rồi nói:

“Từ xưa đến giờ dân đảo tui nhà nào cũng dùng gùi, vừa do quen vừa do tiện dụng. Đi rẫy cũng dùng gùi, đựng nước uống, cơm ăn, chiều về thì đựng khoai, bắp. Đi chợ thì cái gùi như cái giỏ. Ở nhà thì cái gùi để đựng những thứ đồ lặt vặt. Đàn bà con gái rất thích cái gùi”.

Lòng vòng quanh đảo, tôi đợi đến trưa mới tìm gặp được một người đan gùi ở làng Triều Dương.

Người thợ đan gùi tên Mai Thia ngồi trước hiên nhà nhìn ra biển cách mấy bước chân tâm sự: “Tôi biết đan gùi từ khi còn trẻ, cũng là theo nghề cha ông, nay tuổi đã gần 70. Trẻ thời đi biển, về già sức yếu thì ở nhà đan gùi. Thường ai đặt hàng tôi mới đan. Mây tre chở từ Phan Thiết ra vì rừng Phú Quý không có tre”.

Rồi ông cao hứng đọc luôn câu ca dao đậm bản sắc xứ Hòn: Ra Hòn ngó vậy mà vui. Đi đâu cũng có cái gùi sau lưng.

Kỳ tới: Hào khí của biển

PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp