30/07/2015 10:30 GMT+7

Truyền kỳ Phú Quý - Kỳ 1: Hòn đảo của nàng công chúa đi đày

PHẠM XUÂN DŨNG
PHẠM XUÂN DŨNG

TT - Huyện đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận. Một hòn đảo huyền thoại với nhiều câu chuyện mang sắc màu truyền kỳ nhưng không phải ai cũng biết đến.

Bàn thờ công chúa Bàn Tranh - Ảnh: P.X.D.
Bàn thờ công chúa Bàn Tranh - Ảnh: P.X.D.

Từ cảng Phan Thiết, chuyến tàu lênh đênh sáu giờ mới ra được hòn đảo giữa bát ngát trùng dương. Hòn đảo chất chứa nhiều chuyện lạ kỳ đầy thú vị đang mở ra trước mắt chúng tôi.

Đi trên hòn đảo với bảy ngôi chùa và rất nhiều đền thờ lớn nhỏ, gặp ai hỏi chuyện cũng nhận được câu trả lời: “Muốn biết điều gì về Phú Quý, trước tiên hãy đến thăm ngôi đền công chúa Bàn Tranh”. Nàng công chúa ấy là ai mà dân đảo tôn thờ đến vậy?

Nàng công chúa bị lưu đày

Anh Đỗ Châu Thọ, một đồng nghiệp ở Đài phát thanh truyền hình huyện Phú Quý, dẫn chúng tôi đến thôn Quý Hải, xã Long Hải, nơi đền thờ công chúa Bàn Tranh tọa lạc.

Ông Trần Quang Đắc, phó ban quản lý di tích huyện Phú Quý, hào hứng tiếp chuyện: “Chuyện bà công chúa Bàn Tranh kể cả ngày không hết. Bà là người có công khai khẩn hòn đảo này, nên hậu thế muôn đời nhớ ơn”.

... Mấy trăm năm trước có một chuyến tàu từ đất liền ra đảo Phú Quý bấy giờ hoang vu không dấu chân người. Đó là chuyến tàu đặc biệt của vương triều Champa chở theo một nhân vật của hoàng tộc, không phải ra đảo thăm thú mà là lưu đày biệt xứ.

Người con gái cành vàng lá ngọc ấy chính là công chúa Bàn Tranh, con vua Champa. Nguyên do công chúa không nghe lời vua cha, phạm tội bất kính. Nhà vua nổi giận, lệnh đày cô con gái ra hoang đảo.

“Vậy rồi thì sao, công chúa làm gì để có thể sống được trên hoang đảo thiếu thốn và gian nan đủ điều vây bủa?”.

Ông Trần Quang Đắc trả lời: “Vậy mà công chúa không chết, bà đã vượt qua thử thách nghiệt ngã, sống một cách ngoan cường để người đời sau ngưỡng mộ”.

Theo lời ông Đắc kể, công chúa Bàn Tranh đã cùng các tì nữ bắt tay gây dựng sự sống. Không có nhà thì họ dựng lều cỏ làm nhà để ở tạm qua ngày, không có cái ăn thì họ khai khẩn đất hoang, trồng hoa màu rồi đánh bắt cá tôm để sống.

Khó có thể nói hết những vất vả, nhọc nhằn mà cô công chúa Champa và tì nữ đã phải trải qua trên hòn đảo lưu đày.

Công chúa đã tổ chức cuộc sống trên đảo ngày càng đi vào nề nếp. Dân Chăm ai cũng có ruộng, có nhà để sinh cơ lập nghiệp lâu dài, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt.

Họ, dưới sự điều hành của công chúa, đã làm nên điều có thể giữa hoàn cảnh khốn khó tưởng chừng mọi điều là không thể, tạo dựng nên kỳ tích giữa Biển Đông, để đời sau thừa kế trên hòn đảo mang tên Phú Quý.

Khi qua đời, theo người dân đảo, bà đã hiển thánh, được bà con đắp mộ, nhớ ơn ghi lòng tạc dạ, ngày đêm khói nhang cầu nữ thần phù hộ. Nhớ công lao công chúa Bàn Tranh, triều Nguyễn qua các đời vua đã ban sắc phong thần tôn vinh người mở cõi.

Dưới bóng cây cổ thụ bên cạnh ngôi đền Bà Chúa, ông Đắc cho biết thêm di tích này vừa được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia trong năm 2015. Điều này khiến dân đảo rất hân hoan.

Chúng tôi nhìn ra ngoài trời, nắng vàng như mật. Ngay bên cạnh đền thờ là con đường mang tên người khai canh vùng đất này: Bàn Tranh công chúa.

Ông thầy địa lý

Ông Nguyễn Lãn, 83 tuổi, thủ từ đền thờ công chúa Bàn Tranh, lưu ý người nghe khi trò chuyện: “Nhắc đến bà chúa không thể không nhắc đến ông thầy. Hai người này đều có công lớn với đảo và được dân đảo thành kính phụng thờ”.

Mộ thầy địa lý Sài Nại - Ảnh: P.X.D.
Mộ thầy địa lý Sài Nại - Ảnh: P.X.D.

Chúng tôi liền tìm đến ngôi đền thầy Sài Nại ở thôn Đông Hải, xã Long Hải, huyện Phú Quý khi trời đã gần trưa.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, 70 tuổi, thủ từ đền thờ, thắp nén nhang và thành kính khấn nguyện trước bàn thờ: “Thưa ngài, con xin kể sự tích về thầy. Con chỉ kể những điều con biết mà thôi. Nếu người nghe viết lại không đúng thì kính mong thầy rộng lòng xem xét. Vì đó không phải là lỗi của con”.

Tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự lạ mà mình chưa hề gặp khi người sống thưa chuyện với người đã khuất theo cách thức này. Tất cả đều minh bạch, công bằng không chút cách ngăn như thể không hề có chuyện âm dương cách biệt.

Khấn xong, ông thủ từ bắt đầu kể: Ông thầy Sài Nại là thầy địa lý người Tàu lại có nghề buôn bán. Một lần ông ghé qua đảo này thấy hợp ý hợp tình nên muốn sau này gửi thân vào Phú Quý.

Gặp công chúa Bàn Tranh, thầy Sài Nại chuyện trò tâm đắc, bèn kết nghĩa chị em vì bà chúa lớn hơn thầy hai tuổi. Trong thời gian lưu lại ở đảo, thầy luôn tận tình giúp đỡ bà con, lại giỏi nghề thuốc trị bệnh cứu người nên được bà con hết lòng yêu quý.

Thầy nói sau này khi qua đời xin gửi thân này ở đảo, nằm ngay cạnh bờ biển. Ít lâu sau, thầy lại ghé đảo, lần này thì công chúa đã mất, thầy cùng dân các làng trên đảo chôn cất bà tử tế. Mộ bà nằm ngay sau chính điện đền thờ công chúa Bàn Tranh bây giờ.

Sau đó, khi thầy mất cũng được táng trong một chiếc chum lớn nằm trong ngôi mộ tròn theo phong tục người Chăm.

Chúng tôi đứng bên mộ thầy, nhìn thấy con số “năm 1665” được khắc trên miếu thờ người hiền đã khuất. Đứng cạnh biển khơi, cảm nhận thêm niềm tin của người dân Phú Quý vào các người hiền cứu nhân độ thế.

Với dân đảo này, những người ấy vẫn còn sống mãi muôn đời phù hộ bà con. Bởi theo họ, những người có công lớn thì “thác là thể phách, còn là tinh anh”.

Ghi công công chúa Bàn Tranh và thầy Sài Nại, triều đình nhà Nguyễn đã có 13 sắc phong cho hai vị này, gọi chung là sắc Thầy Chúa. Hiện các sắc phong vẫn được trân trọng lưu giữ trên đảo Phú Quý.

Hằng năm, chín làng trên đảo luân phiên nhau rước sắc phong và cúng tế hai vị thần hộ dân. Giỗ công chúa Bàn Tranh vào mùng 3 tháng giêng và thầy Sài Nại vào mùng 4 tháng tư âm lịch.

Vì sao có tên đảo Phú Quý?

Hòn đảo này vốn là đất của Vương quốc Champa, người Chăm gọi tên là Koh-rong, về sau người Việt gọi là Cổ Long. Ngoài ra, nó còn có nhiều tên khác: Thuận Tịnh, cù lao Khoai Xứ, cù lao Thu, đảo Chín Làng, Phú Quý (Pulo Cecir de Mer).

Đầu thời nhà Nguyễn có tên là tổng Hạ, thuộc huyện Tuy Phong, trấn Bình Thuận.

Từ năm 1844, thời Thiệu Trị, đảo được đổi tên từ tổng Hạ sang tổng Phú Quý thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận. Ngày 15-12-1977, xã Phú Quý được nâng thành huyện Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận.

Trong điều kiện tư liệu còn hạn chế, có giả thiết cho rằng người Chăm đến đây vào khoảng thế kỷ 15-16, người Việt đến đây khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17.

Về sau này, cư dân miền Trung di dân vào đây, đem theo tên gọi của quê cũ. Như làng Mỹ Khê ở Phú Quý có gốc từ xã Mỹ Khê, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi; làng Phú Ninh có gốc xã Phú Ninh, tỉnh Quảng Bình...

(Theo tư liệu của tác giả NGUYỄN THỊ NGỌC HẠNH, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM )

_________

Kỳ tới: Hòn đảo núi lửa

PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp