Quyển Truyện Kiều được ấn hành nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du - Ảnh: L.Điền |
Đây là lần phát hành chính thức sau đợt ra mắt tại hội thảo quốc tế về Nguyễn Du hồi tháng 8, phía NXB đã thu hồi bản in lần trước để tiêu hủy, đồng thời chỉnh lý các lỗi sai của bản thảo để in lại bản mới lần này.
Văn bản lần này được giới thiệu được thẩm định bởi một ban gồm GS Nguyễn Khắc Phi, PGS.TS Trần Nho Thìn và TS Trần Trọng Dương.
Đại diện Hội Kiều học Việt Nam đến dự buổi ra mắt Truyện Kiều tại NXB có GS Trần Đình Sử và PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn. Bản Truyện Kiều này được giới thiệu là hiệu khảo từ 12 quyển Kiều Nôm truyền bản qua các đời. Ban văn bản của Hội Kiều học đã làm việc trong nhiều năm để hoàn tất bản thảo này.
Bản in có kèm văn bản chữ Nôm theo hình thức đối chiếu (một trang chữ Nôm bên cạnh một trang chữ quốc ngữ). Hội Kiều học cho biết quyển Kiều này được soạn không chỉ nhằm kỷ niệm 250 năm ngày sinh của thi hào Nguyễn Du, mà còn đóng góp về công việc chú giải và khảo dị Truyện Kiều.
Phần khảo dị (khảo cứu các dị bản) được làm công phu, các từ cổ hoặc từ khó hiểu đều được chú giải. Tuy nhiên, về văn bản học thì bản Kiều này chắc chắn còn gây tranh cãi bởi vấn đề xô lệch văn bản so với các bản đã có, đặc biệt những chỗ khác biệt về chữ quen thuộc thường tạo tâm lý không thích cho những ai đã yêu thích Truyện Kiều.
Chẳng hạn hai câu 153-154 “Chung quanh vẫn đất nước nhà/Với Vương Quan trước vốn là đồng thân” lâu nay quen thuộc, nhưng bản này để là “Với Vương Quan trước vẫn là đồng thân”, chữ “vẫn” lặp lại từ câu trên gây khó chịu vì vụng và nghĩa cũng không sáng hơn.
Câu này ý nói Vương Quan với Kim Trọng trước đây là bạn học, ngữ cảnh này dùng chữ “vốn” là xác đáng hơn chữ “vẫn” vì hiện tại lúc đi tảo mộ với hai chị, Vương Quan đã không còn học chung với Kim Trọng...
Bên cạnh đó, phần chú giải từ ngữ vẫn còn một số chỗ chưa ổn.
Tuy nhiên trong bản Kiều này, Hội Kiều học cũng công bố các nguyên tắc hiệu khảo và chú thích nhằm giới thiệu cách làm việc để công chúng hiểu thêm một công trình vốn đòi hỏi nhiều công sức và tâm sức như: nguyên tắc văn tự học, nguyên tắc văn bản học, nguyên tắc ngữ nghĩa, nguyên tắc từ chương học, nguyên tắc tập quán tiếp nhận, nguyên tắc kế thừa.
Hi vọng bạn đọc sẽ tiếp cận với quyển Truyện Kiều mới nhất - “đời 2015” - như một ấn bản góp thêm nguồn tư liệu cho công tác nghiên cứu Truyện Kiều vốn chưa bao giờ dừng lại, kể từ khi quyển truyện Nôm này được người đời biết đến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận