Phóng to |
Viettel tham vọng chiếm lĩnh thị trường truyền hình trả tiền nhờ giá rẻ? - Ảnh: Gia Tiến |
Từ ngày 1-4, Viettel sẽ chính thức cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên mạng cáp (truyền hình cáp) với giá cước dự kiến khoảng 30.000 đồng/tháng. Nếu điều này xảy ra, áp lực với các đối thủ khác như: SCTV, HTVC, K+, VTVCab, VTC... sẽ rất lớn.
Áp lực từ doanh nghiệp viễn thông
"Giá cả chưa hẳn sẽ là yếu tố quyết định lựa chọn của người dùng" |
Thực tế từ giữa tháng 3-2013, Viettel đã thử nghiệm cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành khác. Viettel cũng đã triển khai cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tại một số tòa nhà và các khu đô thị lớn với chính sách cước phí thử nghiệm 85.000 đồng/tháng cho gói HD (độ nét cao) gồm 85 kênh kèm nhiều ưu đãi. Mặc dù chưa công bố chính thức giá cước sẽ là bao nhiêu vì còn đang “điều chỉnh chiến lược” nhưng theo nhiều nguồn thông tin, giá cước thấp nhất sẽ khoảng 30.000 đồng/tháng khi chính thức cung cấp ra thị trường.
Lợi thế của Viettel khi “tham chiến” thị trường truyền hình cáp là đã có sẵn 200.000km cáp quang trên toàn quốc. Hiện độ phủ của cáp quang đến hộ gia đình trung bình trên toàn quốc là cách 350m, nhưng sắp tới Viettel sẽ rút ngắn khoảng cách còn 200m, thậm chí chỉ còn 100m vào năm 2015. Đơn vị này tin rằng khi đó cáp quang Viettel sẽ đến sát hộ gia đình và chỉ còn chờ cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Bên cạnh Viettel, đại gia viễn thông FPT Telecom cũng có nhiều lợi thế khi tham gia truyền hình trả tiền nhờ hệ thống mạng đã hoàn chỉnh trên toàn quốc. Chưa hết, đơn vị này còn có kinh nghiệm dạn dày nhờ cung cấp dịch vụ truyền hình trên nền Internet (IPTV) tại Việt Nam từ năm 2006. Do đó, theo FPT Telecom: “Việc bổ sung loại hình truyền dẫn trên mạng cáp đồng trục (hay được gọi là truyền hình cáp) nằm trong tiêu chí của chúng tôi khi hướng khách hàng tới mô hình “mọi dịch vụ trên một kết nối” gồm có: Internet, truyền hình chất lượng cao, truyền hình tương tác, điện thoại cố định, IP camera...”.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - phó tổng giám đốc FPT Telecom - cho biết: “Tháng 10-2013, FPT Telecom đã thử nghiệm truyền hình trả tiền tại tỉnh Bình Dương cho 200 khách hàng của mình. Chúng tôi đang hi vọng trong quý 2-2014, FPT Telecom có thể triển khai dịch vụ này đến các tỉnh thành mà chúng tôi được phép cung cấp như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk bằng công nghệ digital (kỹ thuật số). Các tỉnh thành còn lại FPT Telecom sẽ cung cấp dịch vụ analog (tương tự)”.
Sẽ có cuộc đua giảm giá?
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi lớn trong thời gian tới khi các doanh nghiệp viễn thông này chính thức “tham chiến”. Mức giá truyền hình cáp tại nhiều nơi hiện nay đã lên đến hơn 100.000 đồng/tháng. Do đó, cuộc đua giảm giá hoàn toàn có thể xảy ra khi Viettel chính thức cung cấp dịch vụ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, một số nhà đài đã nhanh chóng có những chuyển động sớm nhằm tranh thủ giữ chân khách hàng hiện tại, kiếm thêm khách hàng mới. Chẳng hạn K+ vừa công bố chiến lược mới áp dụng từ ngày 8-3-2014. Theo đó, ba gói Access+, Premium+ và HD+ trước đây sẽ được cơ cấu lại thành hai gói mới là Access+ và PremiumHD+. Gói Access+ mới có tổng số 70 kênh sau khi được bổ sung chín kênh. Phí thuê bao của mỗi gói kênh cũng được đơn giản hóa bằng việc áp dụng một mức đồng nhất cho mọi thời hạn đăng ký. K+ cũng giảm giá đầu thu SD còn 990.000 đồng/bộ, đầu thu HD 1,8 triệu đồng/bộ. SCTV cũng áp dụng khuyến mãi giảm giá cước 30% cho khách hàng chuyển từ dịch vụ của “đối thủ”, thêm tivi thứ ba với giá cước không đổi...
Ngoài khả năng chạy đua cạnh tranh về giá, chắc chắn truyền hình trả tiền tại Việt Nam cũng sẽ có nhiều thay đổi về chất lượng dịch vụ khi ngày càng có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh. Đó cũng chính là kỳ vọng của người dân muốn được sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, nội dung phong phú hấp dẫn. Chúng tôi xin trích dẫn lại đánh giá trước đây của ông Nguyễn Văn Khoa, tổng giám đốc FPT Telecom, khi nói về yếu tố quan trọng nhất quyết định sự sống còn của một nhà cung cấp dịch vụ: “Người tiêu dùng rất thông minh, giá cả chưa hẳn sẽ là yếu tố quyết định lựa chọn của người dùng. Cái khách hàng cần là sự thỏa mãn, hài lòng với số tiền mà họ bỏ ra. Hay nói cách khác, chất lượng dịch vụ mới là yếu tố quyết định để khách hàng lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ”.
Không cạnh tranh bằng đua bản quyền thể thao! Đó là khẳng định của một lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông khi nói về cuộc đua cạnh tranh giữa các nhà đài. Vị lãnh đạo lấy câu chuyện bó đũa để phân tích: “Các đơn vị chủ sở hữu những giải đấu có thừa sự khôn ngoan khi đặt giá bản quyền truyền hình. Nếu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền ai cũng có tư tưởng cố gắng độc quyền các giải đấu thì sẽ rất dễ bị đối tác ép giá cao (giống như bẻ từng chiếc đũa). Nhưng nếu tất cả cùng liên kết lại, cùng chung tiền mua bản quyền, sử dụng chung tài nguyên thì đối tác sẽ không thể ép giá được (giống như bó cả nắm đũa lại). Khi đó, mỗi đơn vị sẽ có những ý tưởng, cách thức thực hiện các nội dung bên lề xung quanh giải đấu đó. Nội dung của đơn vị nào hấp dẫn nhất sẽ được khách hàng lựa chọn. Như vậy, mỗi nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải “chiến đấu” bằng chính năng lực của mình, đồng thời cũng đảm bảo không bị lãng phí tài nguyên và tiền bạc một cách không đáng có”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận