11/09/2013 07:37 GMT+7

Truyền hình trả tiền lộ rõ thế độc quyền

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Trong khi một số nhà đài đề nghị phải có giá sàn, giá trần truyền hình trả tiền để ngăn ngừa giảm giá thì Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) lại cho rằng phí bản quyền truyền hình tăng quá nhanh khiến cước thuê bao cũng tăng mạnh, người tiêu dùng đang bị thiệt nhiều chiều...

R6AMVjKy.jpgPhóng to
K+ bị kêu ca vì không chịu chia sẻ bản quyền bóng đá ngoại hạng Anh. Trong ảnh: lắp đặt K+ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Châu Anh

Đó là nội dung đáng quan tâm tại hội thảo “Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực truyền hình trả tiền” do Cục QLCT Bộ Công thương tổ chức ngày 10-9.

Vượt ngưỡng đáng báo động...

Mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Phương Nam - cục phó Cục QLCT - khẳng định trong lĩnh vực truyền hình trả tiền tại VN đã xuất hiện đơn vị thống lĩnh thị trường, và bắt đầu có hành vi có dấu hiệu lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường.

Theo trình bày của bà Trần Phương Lan - trưởng ban giám sát và quản lý cạnh tranh (Cục QLCT), ngành truyền hình trả tiền ở VN có tổng doanh thu năm 2011 lên đến khoảng 2 tỉ USD và tăng lên 2,5 tỉ USD vào năm 2012.

Nhưng về thực trạng cạnh tranh, theo bà Lan, đang xuất hiện những đơn vị có vị trí thống lĩnh thị trường, đó là: Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV, năm 2012 chiếm 40% thị phần), Truyền hình cáp VN (VCTV, chiếm 30% thị phần).

Đáng lưu ý, bà Lan cho biết tổng thị phần của riêng Đài truyền hình VN (VTV), nếu tính cả thị phần doanh nghiệp VTV tham gia góp vốn, lên đến hơn 70%. “Đây là vấn đề các doanh nghiệp đều tỏ ra quan ngại” - bà Lan nói.

Chi phí lớn, chất lượng tăng không đáng kể

Cục QLCT nêu số liệu cho rằng giá bản quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh ở VN tăng quá mạnh. Nếu như giai đoạn 2007-2010 chỉ ở mức 4 triệu USD thì giai đoạn 2011-2013 tăng lên 19 triệu USD. Ở giai đoạn 2013-2016, giá bản quyền phía VN mua tăng khoảng 200% so với mức đang mua năm 2013, đạt 37,5 triệu USD. Theo bà Trần Phương Lan, do chi phí bản quyền quá lớn khiến chi phí thuê bao liên tục tăng, trong khi chất lượng truyền hình trả tiền tăng không đáng kể.

Trả lời câu hỏi lớn nhất là trong ngành truyền hình trả tiền của VN có cạnh tranh mạnh hay do một vài doanh nghiệp chi phối, bà Trần Phương Lan nêu Cục QLCT sử dụng ba chỉ số theo tiêu chuẩn của các nước phát triển là: CR3 (mức độ tập trung của ba doanh nghiệp lớn nhất), CR5 (mức tập trung của năm doanh nghiệp)...

Kết quả, chỉ số CR3, CR5 nếu năm 2010 còn dưới ngưỡng đáng báo động thì đến năm 2012 đã vượt ngưỡng, mức độ tập trung của ba doanh nghiệp lớn nhất chiếm tới 85%, mức độ tập trung của năm doanh nghiệp lớn nhất cũng đạt tới 89% (mức 80% là thuộc dạng thị trường có mức độ tập trung cao).

Theo bà Lan, thị trường có mức độ tập trung cao thường ít cạnh tranh hơn bởi thị phần bị một số doanh nghiệp lớn thâu tóm hầu hết, số doanh nghiệp tham gia và tính cạnh tranh đều không cao.

Trường hợp này, giá, phí trên thị trường cũng không được cạnh tranh nhiều, thường do doanh nghiệp thống lĩnh xác định.

Truyền hình cáp lãi rất ít?

Đáp trả báo cáo của Cục QLCT, ông Vũ Văn Hiến, chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền, khẳng định con số doanh thu 2 tỉ USD... rất không chính xác. “Toàn bộ hệ thống truyền hình thì có thể đúng, chứ truyền hình trả tiền không có số đó” - ông Hiến nói.

Theo ông Hiến, cho đến thời điểm này, VCTV và SCTV chiếm 70% thị phần nhưng doanh thu không đến 4.000 tỉ đồng. Từng là tổng giám đốc VTV, ông Hiến cho biết ngay VTV cáp cách đây hai năm, tính đúng tính đủ vẫn không có lãi, hầu như tất cả doanh nghiệp truyền hình cáp cũng đều lãi ít.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Phương Nam xin tiếp thu ý kiến của ông Vũ Văn Hiến, nhưng khẳng định số liệu của Cục QLCT từ nguồn tài liệu chính thống, có cơ sở.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về giải pháp cho việc các đài tự nâng giá bản quyền, ông Vũ Văn Hiến cho rằng giá mua bản quyền của VN... chưa phải cao so với nhiều nước trong khu vực.

Ông Hiến nêu ví dụ: Myanmar còn phải mua bản quyền Giải ngoại hạng Anh với giá tới 45 triệu USD. Về chia sẻ bản quyền của K+ với các đài khác, ông Hiến nói một đài có chương trình hay, không bán cho đài khác cũng là bình thường...

Truyền hình K+ hiện chỉ chiếm 3% thị phần. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Dũng - tổng giám đốc Truyền hình cáp Hà Nội (HCATV) - vẫn bức xúc đề nghị Cục QLCT có ý kiến vì K+ không chịu chia sẻ bản quyền bóng đá ngoại hạng Anh, thậm chí không thèm trả lời HCATV. Ông Vũ Quang Huy, phó giám đốc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, cũng nói bị... K+ chèn ép.

“Bản quyền Giải ngoại hạng Anh trước không sao, khi K+ xuất hiện thì bị cắt ngày chủ nhật”. Năm nay Bộ Thông tin - truyền thông vào cuộc sớm, ông Huy đánh giá vẫn có bước lùi vì K+... cắt cả trận hay nhất ngày thứ bảy.

Ông Dương Quốc Huy, phó tổng giám đốc SCTV, cho biết sắp tới với sự gia nhập thị trường của Viettel, FPT và AVG, trong truyền hình trả tiền sẽ có cạnh tranh gay gắt.

Ông Huy đề nghị cần tính toán ban hành giá trần, sàn. “Người ta bán 0 đồng/tháng thì các doanh nghiệp khác chết hết. Bảo vệ người tiêu dùng thì phải bảo vệ cả doanh nghiệp”...

GRLhnUWG.jpgPhóng to
Bà Trần Phương Lan - trưởng ban giám sát và quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) - cho rằng thị trường truyền hình trả tiền ít tính cạnh tranh vì bị một số doanh nghiệp lớn thâu tóm hết - Ảnh: Nguyễn Khánh

Người tiêu dùng vẫn thiệt

Trong khi các doanh nghiệp đang lo giá cước giảm thì người tiêu dùng lại đang phải mua dịch vụ với những hợp đồng soạn sẵn, thiệt cho mình.

Ông Nguyễn Phương Nam cho biết theo quy định, truyền hình trả tiền là lĩnh vực bắt buộc đăng ký hợp đồng mẫu nhưng mới có tám doanh nghiệp đến Cục QLCT đăng ký, ba doanh nghiệp được các địa phương thông qua hợp đồng mẫu (trong tổng số hơn 40 doanh nghiệp).

“Số còn lại đâu?” - ông Nam hỏi và đặt vấn đề: “Phải chăng các doanh nghiệp truyền hình trả tiền chưa thực thi nghiêm pháp luật?”.

Trong khi đó, ông Cao Xuân Quảng - phó ban bảo vệ người tiêu dùng Cục QLCT - khẳng định hợp đồng mẫu của nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền vi phạm nghiêm trọng khi đưa ra điều khoản loại trừ trách nhiệm cho mình, hạn chế quyền của người tiêu dùng.

Ông Quảng còn cho biết có tình trạng hợp đồng mẫu được viết trên giấy có nền giống màu chữ và cỡ chữ rất nhỏ, trong đó lại dùng từ chuyên ngành khiến người tiêu dùng không thể đọc được, dẫn đến chuyện thường thấy là phải nhanh chóng tìm đến chỗ để ký đồng ý...

Để giải quyết hiện tượng khá phổ biến là doanh nghiệp truyền hình trả tiền thỏa thuận với chủ đầu tư khu đô thị để cung cấp dịch vụ độc quyền, bà Trần Phương Lan nêu Luật cạnh tranh của VN chưa quy định hành vi này, dù nó gây hạn chế cạnh tranh. “Chúng tôi đang kiến nghị sửa đổi bổ sung để bảo vệ doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng” - bà Lan nói.

Ông Nguyễn Hà Yên, cục phó Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Bộ Thông tin - truyền thông, cho biết bộ đang sắp xếp lại thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền theo hướng đến hết năm 2013 sẽ chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp